Đổi mới Luật Hình sự góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước
Chính trị - Ngày đăng : 21:22, 20/05/2015
Đổi mới nhận thức về chính sách hình sự
Tờ trình Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nêu rõ việc Quốc hội xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này mong muốn phát huy hơn nữa vai trò của Bộ luật với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự lần này được xác định là cơ bản và toàn diện nhằm hướng tới việc đổi mới nhận thức về chính sách hình sự mà trọng tâm là đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, về chính sách xử lý đối với một số loại tội phạm và loại chủ thể phạm tội. Việc sửa đổi nhằm đảm bảo các quy định của Bộ luật Hình sự không chỉ là công cụ pháp lý để các cơ quan chức năng đấu tranh, trấn áp tội phạm mà còn là cơ sở pháp lý để bảo vệ sự phát triển lành mạnh các quan hệ kinh tế - xã hội; để mọi người dân tự bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội; khuyến khích mọi người dân chủ động, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Dự thảo Bộ luật sửa đổi tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp hình sự của các nước trong khu vực, trên thế giới; đồng thời đồng bộ với các luật, bộ luật đã được ban hành (như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hôn nhân và Gia đình...) cũng như các luật, dự luật đang được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như: Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), các luật về quyền con người, quyền công dân.
Dự thảo Bộ luật có tổng số 443 điều (tăng 99 điều so với Bộ luật Hình sự hiện hành), trong đó giữ nguyên nội dung 43 điều, bãi bỏ 06 điều, bổ sung mới 68 điều và sửa đổi 329 điều (trong đó có 51 điều được tách ra từ 20 điều của Bộ luật Hình sự hiện hành).
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) gồm 26 chương và được thiết kế thành 3 phần trên cơ sở kế thừa hai phần của Bộ luật Hình sự hiện hành và bổ sung thêm Phần thứ ba quy định về điều khoản thi hành. So với Bộ luật hiện hành, dự thảo có bổ sung mới 02 chương ở Phần những quy định chung (Chương IV - Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự và Chương XI - Quy định đối với pháp nhân phạm tội).
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật lần này trước hết cần tập trung giải quyết những vấn đề thực sự vướng mắc làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã được làm rõ trong quá trình tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự, chỉ bổ sung những vấn đề mới khi thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước.
Sửa đổi căn bản, toàn diện Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành
Chiều nay, các đại biểu Quốc hội cũng nghe Chính phủ trình dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Tờ trình dự án nêu rõ việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm xây dựng Bộ luật thực sự khoa học, tiến bộ, có tính khả thi cao; là công cụ pháp lý sắc bén để đấu tranh hữu hiệu với mọi loại tội phạm, tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân; cụ thể hóa các trình tự, thủ tục để người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm luật định, hạn chế tối đa các quy định chung chung, phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành.
Phạm vi sửa đổi Bộ luật lần này được xác định là sửa đổi căn bản, toàn diện. Dự thảo Bộ luật có tổng số 486 điều, được bố cục thành 9 phần, 38 chương. So với Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành năm 2003, dự thảo Bộ luật tăng thêm 140 điều. Trong đó, bổ sung 172 điều mới, sửa đổi 294 điều, giữ nguyên 20 điều, bãi bỏ 26 điều.
Ngày mai, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường theo Chương trình đã được thông qua.