Phát huy lợi thế cạnh tranh du lịch Việt Nam thời đại mới
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 22:05, 15/03/2023
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận các tình hình ngành du lịch, các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề ra các giải pháp để ngành du lịch "cất cánh".
Báo cáo tình hình ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta tập trung nghiên cứu để tháo gỡ các điểm nghẽn khó khăn về cơ chế, chính sách nhằm tại điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch của quốc tế vào Việt Nam, đồng thời đề cao vao trò của du lịch nội địa, coi du lịch nội địa là bệ đỡ trong bối cảnh từng bước tiếp cận với thị trường khách quốc tế.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi chưa có dịch.
Định vị vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá. (Ảnh minh họa)
Ngoài tháo gỡ về cơ chế, tiếp tục thực hiện các chính sách hướng tới giúp đỡ các doanh nghiệp du lịch trong vấn đề tiếp cận vốn, chính sách hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch và các chính sách khác về tiền điện, nước, tiền thuê đất đai trong các cơ sở lưu trú nhằm tạo điều kiện để chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Đẩy mạnh hơn về công tác thông tin, truyền thông trong việc xúc tiến, quảng bá, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thúc đẩy du lịch phục hồi nhanh. Các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội du lịch tổ chức nhiều sự kiện để phát động, công bố mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Bộ cũng đã ban hành chiến lược maketing về phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 để tổ chức thực hiện, tổ chức các chương trình truyền thông du lịch trên nền tảng số với khẩu hiệu "Việt Nam - Đi để yêu" bằng hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Lồng ghép, triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch với các sự kiện quan trọng có quy mô khu vực và quốc tế nhất là gần đây chúng ta đã tổ chức diễn đàn du lịch ASEAN.
Ngành Du lịch đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội du lịch tổ chức nhiều sự kiện nhằm phát động, công bố mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới và truyền thông thông điệp "Sống trọn vẹn tại Việt Nam" trong giai đoạn mở cửa thị trường.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Lồng ghép triển khai các hoạt động, xúc tiến quảng bá du lịch gắn với các sự kiện quan trọng, quy mô khu vực và quốc tế, gần đây nhất là Diễn đàn Du lịch ASEAN và Hội chợ Travex tại Indonesia, Hội chợ ITB Berlin 2023 tại Đức, với 700 biên bản ghi nhớ và cuộc đàm phán giữa những cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các công ty lữ hành với bạn bè quốc tế để cam kết và đưa khách quốc tế vào Việt Nam.
Nhiều hoạt động liên kết, quảng bá du lịch được nhiều địa phương tổ chức như: Hà Nội tổ chức Diễn đàn du lịch MICE, TPHCM tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế, Lễ hội Áo dài với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam", Đà Nẵng triển khai chương trình kích cầu du lịch với thông điệp "Tận hưởng Đà Nẵng", Hội nghị xúc tiến du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh năm 2023…
Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới kết nối với các thị trường nguồn của du lịch Việt Nam như Ấn Độ, Frankfurt (Đức), London (Anh), San Francisco (Mỹ)…
Điểm sáng nữa là chuyển đổi số: Hệ sinh thái du lịch thông minh từng bước được hình thành trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam-Vietnam Travel; thẻ Việt-Thẻ du lịch thông minh và nhiều sản phẩm công nghệ khác hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã làm việc với Bộ Công an để kết nối dữ liệu trên cơ sở đề án 06; chia sẻ dữ liệu để phát triển ngành du lịch trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử để thống kê chính xác về khách du lịch quốc tế, khách nội địa, khách lưu trú, khách thăm quan điểm đến…làm cơ sở hoạch định các chính sách về phát triển du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về phát triển Vùng, trong đó, tập trung:
Các địa phương chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên. (Ảnh minh họa)
Định vị vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá, bao gồm các lĩnh vực: Du lịch Văn hoá, lịch sử; du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao và các lĩnh vực khác phù hợp với thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch mục tiêu cũng như xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng.
Cơ cấu lại thị trường du lịch; nhất là tính toán lại thị trường khách, phân tích và dự báo trên cơ sở kế thừa thị trường khách truyền thống, tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng, chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số thị trường khác ngoài các thị trường truyền thống.
Các địa phương chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái-nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo.
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tại Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 06/1/2023), trong đó huy động tối đa nguồn lực xã hội, sự chuyên nghiệp của các tập đoàn lớn về du lịch để cùng nhau giới thiệu, quảng bá hình ảnh về một "Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hoà, mến khách, hội nhập và phát triển" đến với nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm trên thế giới.
Triển khai tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023- "Bình Thuận - Hội tụ xanh" và chuỗi các hoạt động hưởng ứng của các địa phương trong toàn quốc nhằm xây dựng và tạo điểm nhấn về sản phẩm, dịch vụ phục vụ các hoạt động quảng bá, xúc tiến hàng năm của Du lịch Việt Nam.
Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với đa dạng hoá thị trường, tập trung xúc tiến quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch trên cơ sở kết quả nghiên cứu thị trường. Huy động sự tham gia của các cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước.
Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong du lịch, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng, triển khai Đề án "Phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của Đề án 06".
Phát triển nguồn nhân lực du lịch, có chính sách thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại; tập trung đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực ngành, đảm bảo tính sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo đến ngành du lịch của mình để 63 tỉnh. (Ảnh minh họa)
Về kiến nghị, đề xuất: Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết sau Hội nghị, Nghị quyết sẽ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho các bộ, ngành, trong đó tháo gỡ về những điểm nghẽn trong chính sách miễn thị thực, xem xét, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, tạo thuận lợi hơn cho du khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Khẩn trương thực hiện mô hình chuyển đổi số gắn với kinh tế số; phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo đến ngành du lịch của mình để 63 tỉnh, thành đều có 63 sản phẩm du lịch mang tính bản sắc, chú trọng nhiều hơn đến công tác kết nối, liên kết để bảo đảm được các chỉ tiêu mà nhiều địa phương đã đề ra. Tăng cường công tác quản lý nhà nước để giúp nhân dân nâng cao nhận thức làm du lịch, phấn đấu đạt được mục tiêu mỗi người dân trở thành đại sứ du lịch thân thiện.