Thái Nguyên là tỉnh thứ 5 được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh
Đời sống - Ngày đăng : 21:52, 15/03/2023
Theo đó, Thái Nguyên có dư địa trên 6.000 ha đất phục vụ phát triển công nghiệp (trong đó 4.245 ha là đất phát triển khu công nghiệp, 2.057 ha đất phát triển cụm công nghiệp). Đây là tiềm năng, lợi thế để Thái Nguyên thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử và công nghiệp thân thiện môi trường.
Một góc trung tâm thành phố Thái Nguyên
Hiện nay, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã, đang được đầu tư hạ tầng đồng bộ sẵn sàng đón các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang nghiên cứu cơ hội đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên.
Theo Quy hoạch, đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Tỉnh Thái Nguyên có 4.245 ha là đất phát triển khu công nghiệp
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.