Gìn giữ nét văn hóa lễ hội Chùa Bà Đanh

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 06:40, 15/03/2023

Nằm cách thành phố Phủ Lý gần 7Km chạy hướng Quốc lộ 21B (QL21B) về phía Tây Nam, chùa Bà Đanh (có tên chữ là Bảo Sơn Tự) nằm bên tả ngạn dòng sông Đáy thuộc thôn Đanh Xá (xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Đây là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính, chùa Bà Đanh - núi Ngọc đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia từ ngày 20/7/1994.

Giống như nhiều ngôi chùa khác, chùa Bà Đanh thờ Phật theo phái Đại Thừa nhưng nét đặc sắc và riêng biệt của ngôi chùa chính là bức tượng Bà Chúa Đanh tọa thiền trên một chiếc ngai bằng gỗ được thờ ở bên trong hậu cung.

Bà Chúa Đanh chính là biểu tượng của pháp Phong, một trong 4 vị tự pháp (pháp Phong, pháp Vũ, pháp Lôi, pháp Điện) - một tín ngưỡng dân gian bản địa.

Gìn giữ nét văn hóa lễ hội Chùa Bà Đanh

Chùa Bà Đanh là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính.

Ngôi chùa ban đầu được xây dựng tranh tre nứa lá đơn sơ, đến năm Vĩnh Trị, đời Lê Hy Tông (1676- 1680) chùa mới được xây dựng lại cho khang trang.

Chùa Bà Đanh đã trải qua nhiều lần trùng tu, đặc biệt là năm 2008. Khi đó, chùa đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo lớn với nhiều hạng mục lớn nhỏ tạo thành quần thể kiến trúc liên hoàn với gần 40 gian nhà và các công trình phụ trợ ngoài khuôn viên chùa, tạo cho ngôi chùa cổ kính diện mạo khang trang, đẹp đẽ hơn gồm: Tam quan, tả vu hữu vu, ngôi chùa chính, điện mẫu, nhà tổ, nhà tăng ni.

Đến với chùa Bà Đanh, khách du lịch không chỉ được tham quan, vãn cảnh chùa, hòa mình vào không khí linh thiêng, thanh tịnh của chốn danh sơn cổ tự mà còn được thưởng ngoạn cảnh non xanh nước biếc. Trên có núi Ngọc, dưới có sông Đáy, cảnh trí nơi đây tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình say đắm lòng người.

Gìn giữ nét văn hóa lễ hội Chùa Bà Đanh

Không gian trong chùa luôn tĩnh lặng.

Nối giữa chùa Bà Đanh và núi Ngọc là không gian thiên nhiên vô cùng khoáng đạt với rất nhiều cây cổ thụ lâu năm như: cây lộc vừng, cây duối, cây đa… Núi Ngọc không cao lắm, đường lên núi rất dễ đi. Trên núi những khối đá muôn hình muôn vẻ nhô ra, lõm vào trông thật kỳ thú. Cây cối mọc xum xuê, tạo nên thảm thực vật phong phú. Đặc biệt ở đây có cây si già cổ thụ ngàn năm tuổi.

Đứng trên đỉnh núi, du khách sẽ có cảm giác như được tách biệt khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống thường ngày, để hòa mình vào sự yên tĩnh và thuần khiết của thiên nhiên, của cỏ cây, non nước mây trời.

Vào dịp mùa xuân, khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan cũng là lúc nhiều lễ hội dân gian ở nước ta tưng bừng vào hội. Lễ hội chùa Bà Đanh là một trong những lễ hội đầu xuân tiêu biểu của Kim Bảng nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung.

Gìn giữ nét văn hóa lễ hội Chùa Bà Đanh

Bà Vũ Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm văn  hóa, thông tin và thể thao huyện Kim Bảng.

Đã thành lệ từ bao đời, hàng năm vào ngày mồng 17 tháng 2 âm lịch, dân làng tổ chức lễ hội chùa Bà Đanh. Nhân dân địa phương và du khách vào chùa thắp hương lễ Phật cầu điều thiện, điều lành, mọi sự may mắn đồng thời vãn cảnh chùa, thưởng ngoạn non xanh nước biếc…

Chia sẻ với phóng viên, bà Vũ Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao huyện Kim Bảng, cho biết: Vào dịp lễ hội cùng với các nghi lễ trang nghiêm, thành kính là các trò chơi dân gian như chọi gà, kéo co, đua thuyền, cờ tướng, diễn các tích chèo cổ, hát các làn điệu dân ca. Những trò chơi này là những nét văn hóa vô cùng đặc sắc của người dân huyện Kim Bảng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo bà Hằng, người Việt tin rằng đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về chốn tâm linh sau những năm tháng vất vả trong cuộc sống thường ngày. Nhiều người đi lễ chùa để cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình đến lạ kỳ.

“Yếu tố tâm linh, nhu cầu tín ngưỡng và đặc biệt là cách ứng xử khoan dung đã tạo ra sự cuốn hút du khách đến lễ hội chùa Bà Đanh”, bà Hằng chia sẻ thêm.

Nguyễn Tuấn