Tin vắn thế giới ngày 8/2: Nhiều nước EU yêu cầu thắt chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn khủng hoảng di cư
Thế giới - Ngày đăng : 07:34, 08/02/2023
Nhiều nước EU yêu cầu thắt chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn khủng hoảng di cư
8 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/2 đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các đường biên giới chung của khối để ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng di cư quy mô lớn khác.
Trong bức thư chung gửi Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, 8 quốc gia gồm Áo, Đan Mạch, Estonia, Hy Lạp, Latvia, Litva, Malta và Slovakia nêu rõ: “Đã đến lúc châu Âu phải đưa ra cách tiếp cận chung đối với tất cả các tuyến đường di cư liên quan để giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp”. Bức thư cũng đề nghị hỗ trợ tài chính bổ sung trong ngân sách hiện có nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới hiệu quả hơn.
Ảnh minh họa
Thủ tướng Anh cải tổ nội các
Ngày 7/2, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tiến hành cải tổ nội các nhằm thúc đẩy việc thực hiện các cam kết, trong đó có mục tiêu phát triển kinh tế.
Cụ thể, Thủ tướng Sunak đã chia tách chức năng của hai bộ là Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp (BEIS) và Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS) thành 4 bộ mới, trong đó có Bộ Khoa học và Đổi mới.
Tổng thống Ukraine được mời dự hội nghị thượng đỉnh EU
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã chính thức mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trực tiếp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) dự kiến được tổ chức tại thủ đô Brussels của Bỉ trong tuần này.
Trên mạng xã hội Twitter, phát ngôn viên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Barend Leyts, thông báo: “Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trực tiếp tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU. Vì lý do bảo mật, sẽ không cung cấp thêm thông tin”.
Quốc hội Ukraine tăng chi tiêu cho ngân sách 2023
Quốc hội Ukraine hôm 7/2 đã thông qua những sửa đổi đối với ngân sách nhà nước năm 2023, tăng chi tiêu nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và chuyển thêm tiền vào các dự án tái thiết và phục hồi sau cuộc xung đột với Nga.
Bà Roksolana Pidlasa, người đứng đầu Ủy ban ngân sách Quốc hội, cho biết các khoản chi tiêu nhà nước đã được tăng thêm 5,5 tỷ hryvnia (150 triệu USD). Khoản tăng này bao gồm các quỹ tài trợ và hiện đại hóa các bệnh viện ở thủ đô Kiev và thành phố Lviv phía Tây, đồng thời xây dựng lại những cây cầu bị hư hại trong xung đột.
Tổng thống Iran ký ban hành luật về tư cách thành viên SCO
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 7/2 đã ban hành sách lệnh thực thi luật về tư cách thành viên của Iran trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).
Theo trang web của văn phòng Tổng thống Iran, sắc lệnh trên đã được ban hành trong thư Tổng thống Raisi ký gửi Bộ ngoại giao Iran. Hồi tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf đã trình luật về tư cách thành viên SCO của Iran lên Tổng thống Raisi để phê chuẩn lần cuối và thực hiện.
Tổng thống Tunisia bổ nhiệm Ngoại trưởng mới
Tổng thống Tunisia Kais Saied ngày 7/2 đã cách chức Ngoại trưởng Othman Jerandi, đồng thời bổ nhiệm cựu Đại sứ nước này tại EU Nabil Ammar lên thay thế.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tunisia đang nỗ lực xử lý tình trạng bất ổn chính trị xảy ra sau khi ông Saied nắm quyền vào năm 2021, cũng như tìm kiếm viện trợ nước ngoài để tránh một cuộc khủng hoảng tiềm tàng trong lĩnh vực tài chính công.
Mỹ phê chuẩn thương vụ tên lửa 10 tỷ USD với Ba Lan
Mỹ ngày 7/2 thông báo đã chấp thuận thương vụ bán tên lửa tầm xa và rocket cũng như nhiều khí tài quân sự khác có trị giá lên tới 10 tỷ USD, với Ba Lan, quốc gia đồng minh trong NATO.
Cụ thể, gói vũ khí trên gồm 18 bệ phóng của Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS), 45 tên lửa thuộc Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) có tầm bắn 297 km và hơn 1.000 tên lửa thuộc Hệ thống tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS).
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) tham gia cuộc tập trận quân sự gần Liepaja, Latvia ngày 26/9/2022. Ảnh: Reuters
Ba Lan chuẩn bị đối phó với dòng người di cư từ Nga, Belarus
Hãng thông thống tấn Ba Lan (PAP) ngày 6/2 đưa tin, nước này sẽ sớm bắt đầu xây dựng hàng rào điện tử ở biên giới với tỉnh Kaliningrad vì lo ngại người di cư từ Nga và Belarus tràn sang châu Âu.
Hàng rào sẽ bao phủ khoảng 200 km biên giới trên đất liền và bao gồm một hệ thống camera, máy theo dõi. Người phát ngôn của Lực lượng Biên phòng Ba Lan Anna Michalska cho biết công việc xây dựng sẽ bắt đầu vào tháng 3 tới.
Phi công New Zealand bị phiến quân Papua bắt giữ làm con tin
Ngày 7/2, các tay súng phiến quân ở khu vực miền Đông bất ổn Papua của Indonesia đã bắt giữ một phi công người New Zealand làm con tin sau khi phóng hỏa một máy bay thương mại nhỏ vừa hạ cánh xuống một khu vực miền núi Nduga.
Người phát ngôn cảnh sát tỉnh Papua, ông Ignatius Benny Adi Prabowo, cho biết giới chức đang điều tra vụ việc, trong khi cảnh sát và quân đội được cử đến khu vực trên để xác định vị trí của phi công và 5 hành khách.
Ít nhất 24 người thiệt mạng trong ngày giao tranh thứ hai tại Somaliland
Các nguồn tin y tế ngày 7/2 xác nhận ít nhất 24 người đã thiệt mạng và 53 người khác bị thương trong ngày giao tranh ác liệt thứ hai tại khu vực ly khai Somaliland của Somalia, sau khi giới lãnh đạo địa phương thông báo ý định tái gia nhập Liên bang Somalia.
Somaliland đã tách khỏi Somalia vào năm 1991, song không được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi và vấp phải sự phản đối của một số trưởng lão bộ tộc ở miền Đông Somaliland - những người ủng hộ quyền kiểm soát của Mogadishu.
Israel, Đức ký thỏa thuận hợp tác chinh phục Mặt Trăng
Trung tâm Hàng không Vũ trụ quốc gia Đức (DLR) ngày 7/2 đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty SpaceIL của Israel nhằm thực hiện sứ mệnh hạ cánh xuống Mặt Trăng, có tên gọi là “Beresheet-2”.
Cơ quan Không gian Israel (ISA) cho biết thỏa thuận hợp tác trên bao gồm nội dung tích hợp thuật toán dẫn đường do DLR phát triển vào dự án Beresheet-2, cho phép tàu vũ trụ của Israel hạ cánh xuống Mặt Trăng.
Trái đất nhìn từ Mặt trăng. Ảnh minh họa: NASA
Hàn Quốc cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm cấp thị thực cho du khách đến từ Trung Quốc
Theo hãng tin Yonhap, ngày 7/2, Giám đốc Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (KDCA) của Hàn Quốc, bà Jee Young-mee, cho biết Seoul đang cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cấp thị thực đối với du khách từ Trung Quốc sớm hơn dự kiến, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại quốc gia láng giềng đang cải thiện.
Phát biểu họp báo, Giám đốc KDCA Young-mee nêu rõ giới chức Hàn Quốc nhận thấy số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đang giảm ổn định và cho đến nay chưa ghi nhận biến thể mới nào của virus SARS-CoV-2 tại đó. Bà Young-mee cho biết Hàn Quốc sẽ duy trì xét nghiệm COVID-19 đối với du khách đến từ Trung Quốc cho đến ngày 28/2 tới.
Australia triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 5
Nhóm tư vấn kỹ thuật về tiêm chủng của Australia (ATAGI) đã khuyến nghị tất cả những người từ 18 tuổi trở lên, những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc mắc bệnh trong 6 tháng qua có thể tiêm mũi mới nhất từ ngày 20/2.
Trước đó, chỉ những người trưởng thành tại Australia bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng mới được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 5. Tuy nhiên, ATAGI cho rằng những người đã tiêm đủ 4 mũi vaccine ngừa COVID-19, kể cả những người trên 65 tuổi, vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong do vậy cần được tiêm mũi tăng cường trong năm 2023.