Chưa ghi nhận thông tin có người Việt Nam bị ảnh hưởng trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria
Thế giới - Ngày đăng : 23:30, 06/02/2023
Ngày 6/2, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria) liên hệ với cơ quan chức năng sở tại và bà con cộng đồng người Việt tìm hiểu thông tin và sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp có công dân Việt Nam là nạn nhân của trận động đất xảy ra vào sáng cùng ngày. Cho đến cuối ngày 6/2, chưa ghi nhận thông tin có công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, công dân có thể liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân: Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ: +90 545 7858548, Đại sứ quán Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria): +989306459865, Tổng đài Bảo hộ công dân: +84.981848484.
Ngay sau trận động đất làm rung chuyển và làm sập nhiều tòa nhà ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã liên hệ ngay với các chính quyền địa phương để tìm hiểu thông tin nhằm làm tốt công tác bảo hộ công dân.
Cảnh đổ nát tại Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Nguyễn Phú Tân Hương, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết ngay sau khi động đất xảy ra, Đại sứ quán đã liên hệ ngay với Vụ phụ trách người nhập cư và Vụ Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như cảnh sát và chính quyền địa phương tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng động đất có người thương vong, gồm Kahramanmaras, Adiyaman, Gaziantep, Hatay, Diarbakir, Kilis, Osmaniye, Sanliurfa, Adana và Malatya, để tìm hiểu thông tin liệu có nạn nhân là người Việt Nam hay không.
Lực lượng chức năng đang vẫn gấp rút triển khai nhân viên cứu hộ, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn tới các khu vực bị ảnh hưởng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng ban bố tình trạng báo động cấp 4 yêu cầu hỗ trợ quốc tế trong thảm họa này, cũng như tạm dừng các chuyến bay dân sự tại sân bay Gaziante do có hư hại sau trận động đất.
Bà Nguyễn Phú Tân Hương nêu rõ do động đất cường độ mạnh, lại xảy ra vào rạng sáng, khi phần lớn mọi người đều ngủ say, nên có khả năng con số thương vong tiếp tục tăng cao. Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực tìm hiểu để có được thông tin một cách sớm nhất có thể.
Cơ quan Khảo sát địa chấn Mỹ (USGS) cho biết trận động đất xảy ra vào khoảng 4h17, giờ địa phương (8h17 theo giờ Việt Nam), với tâm chấn ở độ sâu 17,9 km tại tỉnh Gaziantep. Theo Cơ quan Ứng phó thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), trận động đất có độ lớn 7,4. USGS cũng phát hiện một trận động đất khác có độ lớn 6,7 xảy ra khoảng 15 phút sau đó ở gần địa điểm đầu tiên.
Theo thông tin mới nhất, Syria đã ghi nhận gần 400 người thiệt mạng và trên 1.000 người bị thương trong trận động đất có tâm chấn ở Thổ Nhĩ Kỳ này. Cộng với số nạn nhân thương vong ghi nhận trước đó tại Thổ Nhĩ Kỳ, tổng số nạn nhân thiệt mạng tại 2 nước trong trận động đất độ lớn 7,8 này đã lên tới gần 700 người, trong khi có trên 4.300 người bị thương.
Tính đến 14h21 theo giờ GMT (tức 21h21 theo giờ Việt Nam), The Guardian cho biết, tổng số người thiệt mạng do trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tăng lên ít nhất 2.300 người.
Theo cơ quan quản lý thiên tai của Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất 1.498 người đã thiệt mạng trên 10 tỉnh của nước này, cùng với 7.600 người khác bị thương.
Trong khi đó, số người chết tại các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Syria đã tăng lên hơn 430 người, với 1.280 người bị thương, theo dữ liệu từ Bộ Y tế. Còn ở vùng Tây Bắc của đất nước, nơi chính phủ không kiểm soát, các nhóm hoạt động ở đó cho biết số người chết ít nhất là 380, với hàng trăm người bị thương.
Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh, với nhiều người được cho là đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị sập.
Nằm trên vùng địa chất thuộc nhóm bất ổn nhất trên thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ từng chứng kiến nhiều trận động đất mạnh trong đó có trận động đất có độ lớn 7,4 xảy ra năm 1999 nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ đã khiến trên 17.000 người thiệt mạng. Lần gần nhất là trận động đất xảy ra tháng 10/2022 có độ lớn 7 tại vùng biển Aegea khiến 114 người thiệt mạng và trên 1.000 người bị thương.
Trước tình hình khẩn cấp hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế khắc phục hậu quả của thảm họa động đất này.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hệ thống các nhóm y tế khẩn cấp được "kích hoạt" để hỗ trợ chăm sóc y tế cho những người bị thương và bị tổn thương nhất do trận động đất.
Quan chức phụ trách xử lý thảm họa của Liên minh châu Âu (EU), ông Janez Lenarcic cho biết các nhóm cứu hộ từ Hà Lan và Romania đã sẵn sàng lên đường và Trung tâm điều phối ứng phó tình trạng khẩn cấp chịu trách nhiệm giám sát triển khai các đội cứu hộ. EU cũng đã kích hoạt Cơ chế bảo hộ công dân để ứng phó trong tình huống khẩn cấp hiện nay. Bỉ, Ba Lan, Tây Ban Nha và Phần Lan cũng đã thông báo sẵn sàng triển khai lực lượng cứu hộ.
Trong tuyên bố cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ chia buồn sâu sắc đến đất nước và người dân Thổ Nhĩ Kỳ trước những mất mát về người và thiệt hại về vật chất. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố sẵn sàng cung cấp trợ giúp cần thiết để Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả của thảm họa này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cam kết sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp cho nước này.
Chính phủ Ấn Độ cùng ngày thông báo hai nhóm cứu hộ của nước này gồm khoảng 100 nhân viên cùng các trang thiết bị và chó nghiệp vụ đã sẵn sàng tới khu vực thảm họa để tham gia vào các chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ. Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ cử các đội chuyên gia y tế và thuốc men tới Thổ Nhĩ Kỳ.