Tin vắn thế giới ngày 17/1: Thủ tướng Iraq ủng hộ quân đội nước ngoài hiện diện không giới hạn
Thế giới - Ngày đăng : 08:02, 17/01/2023
Thủ tướng Iraq ủng hộ quân đội nước ngoài hiện diện không giới hạn
Theo mạng tin Arab (Arabnews) ngày 16/1, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al-Sudani đã ủng hộ hiện diện “không giới hạn” của quân đội Mỹ và nước ngoài khác tại quốc gia này. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, ông Sudani nói: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần các lực lượng nước ngoài. Việc loại bỏ nhóm khủng bố Hồi giáo IS cần thêm thời gian”.
Những bình luận trên của ông Sudani được đưa ra trong bối cảnh các đảng ủng hộ ông và kiểm soát quốc hội đều liên kết với các phe ủng hộ Iran và rất thù địch với Mỹ. Iraq cũng phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên và điện của Iran.
Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani. Ảnh: Reuters
Ukraine trừng phạt nhiều cá nhân có liên quan đến Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh thi hành quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia về các lệnh trừng phạt đối với 198 cá nhân được cho là có liên quan đến Nga.
Các biện pháp trừng phạt này dự kiến có hiệu lực trong 10 năm. Những người có tên trong danh sách trừng phạt sẽ bị khoá tài khoản, đình chỉ các nghĩa vụ kinh tế và tài chính, chấm dứt trao đổi và hợp tác văn hoá, cấm nhập cảnh Ukraine, thu hồi các giải thưởng nhà nước Ukraine.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ưu tiên hợp tác năng lượng
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan đã có cuộc điện đàm thảo luận về một loạt các vấn đề hai bên cùng quan tâm như tình hình tại Ukraine, kế hoạch xây dựng trung tâm khí đốt của khu vực tại Thổ Nhĩ Kỳ và xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng trên Biển Đen.
Trong thông báo ngày 16/1, Điện Kremlin nhấn mạnh hợp tác giữa Moscow và Ankara trong lĩnh vực năng lượng là một trong số các ưu tiên của hai nước, bao gồm việc cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga và thiết lập một trung tâm khí đốt của khu vực ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng biển ở Biển Đen và cách thức tháo gỡ các rào cản đối với xuất khẩu phân bón và lương thực của Nga cũng như việc bình thường hóa quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Thụy Sĩ
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến sẽ cuộc gặp tại Zurich (Thụy Sĩ) vào ngày 18/1 tới, trao đổi quan điểm về phát triển kinh tế và tăng cường kênh tiếp xúc giữa hai nước.
Nguồn tin Bộ Tài chính Mỹ ngày 16/1 cho biết cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa bà Yellen và ông Lưu Hạc lần này là một phần trong cam kết của hai nước nhằm nỗ lực giảm căng thẳng trong quan hệ song phương sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia, vào tháng 11 năm ngoái.
EU có khả năng tránh được suy thoái sâu
Phát biểu với báo giới hôm 16/1 khi tham dự cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế khu vực đồng euro (EUROGROUP), Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni cho biết châu Âu đã đạt được những tiến bộ đáng khích lệ vì đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng. Giá năng lượng đã giảm đáng kể và lạm phát của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt đỉnh vào cuối năm 2022. Ông Gentiloni nói: "Vì vậy, có khả năng chúng tôi sẽ tránh được suy thoái sâu và có thể bước vào một thời kỳ suy thoái hạn chế hơn và sự thu hẹp nông của nền kinh tế".
Đức bảo vệ quyết định vận hành trở lại các nhà máy điện than
Phát biểu tại một hội nghị về năng lượng tại thủ đô Berlin ngày 16/1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck đã bảo vệ quyết định tạm thời đưa các nhà máy nhiệt điện than hoạt động trở lại.
Bộ trưởng Habeck cho rằng việc để các nhà máy nhiệt điện than tiếp tục hoạt động là cần thiết để giảm mức tiêu thụ khí đốt trong sản xuất điện, dù đây là một lỗi lớn về mặt chính sách khí hậu. Tất nhiên, cần cố gắng để các nhà máy điện than này hoạt động càng ngắn càng tốt.
Iran và Nga hợp tác phát triển tiền điện tử
Ngày 16/1 của hãng tin Vedomosti của Nga cho biết Iran và Nga đang hợp tác để cùng phát hành một loại tiền điện tử mới được đảm bảo bằng vàng để tránh sử dụng đồng USD.
Theo đó, mục tiêu của đồng tiền điện tử mới này là cho phép các giao dịch xuyên quốc gia thay vì các loại tiền tệ pháp định, chẳng hạn như USD. Loại tiền này dự kiến sẽ được sử dụng tại một đặc khu kinh tế ở Astrakhan, nơi Nga bắt đầu tiếp nhận các chuyến hàng của Iran.
Giữa loạt lệnh cấm của phương Tây, Nga thông báo tin bất ngờ về doanh thu năng lượng
Ngày 16/1, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết xuất khẩu năng lượng của nước này năm 2022 đã tăng trưởng bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, mang về thêm cho Moscow hàng chục tỷ USD.
Theo Đài RT, thông tin trên được ông Novak đưa ra tại một cuộc họp chính phủ cùng ngày. Trong đó, xuất khẩu dầu mỏ và khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) của Nga năm 2022 đã tăng 15% so với năm 2021. Xét về giá trị, doanh thu của Nga từ xuất khẩu năng lượng trong năm 2022 đã tăng khoảng 28% so với năm 2021, tương đương 2,5 nghìn tỷ rúp hay 36,6 tỷ USD.
Nga cho phép quá cảnh 300.000 tấn dầu từ Kazakhstan tới Đức
Bộ Năng lượng Nga đã phê duyệt việc vận chuyển lượng dầu lớn của Kazakhstan cho Đức.
Theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti, các nhà chức trách Nga mới đây đã cho phép lượng lớn dầu Kazakhstan được bơm qua các đường ống dẫn dầu chính của Moskva trong quý đầu tiên của năm 2023 để chuyển tới Đức.
Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan dẫn độ 130 phần tử khủng bố
Thụy Điển và Phần Lan cần trục xuất và dẫn độ 130 đối tượng mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa vào danh sách khủng bố - coi đây là điều kiện tiên quyết để Quốc hội nước này phê chuẩn tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của hai nước trên.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan đã đưa ra tuyên bố trên ngày 15/1, đồng thời cho rằng Thụy Điển cần có lập trường rõ ràng hơn đối với những phần tử mà họ coi là khủng bố. Ông khẳng định nếu Stockholm không giao nộp những người này, Ankara sẽ không thể phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO.
Trung Quốc nới lỏng quy định nhập cảnh với công dân Nhật Bản và Hàn Quốc
Các nhà ngoại giao, các quan chức chính phủ và doanh nhân của Nhật Bản và Hàn Quốc là nhóm đối tượng được cấp thị thực nhập cảnh Trung Quốc trong trường hợp khẩn cấp.
Kyodo dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 16/1 cho biết đây là quy định điều chỉnh của Trung Quốc nhằm áp dụng linh hoạt chính sách nhập cảnh mà nước này được công bố tuần trước.
Tìm thấy hộp đen của máy bay rơi tại Nepal
Hãng tin Reuters dẫn nguồn giới chức sân bay Kathmandu của Nepal cho biết, ngày 16/1, lực lượng chức năng đã tìm được cả thiết bị ghi âm buồng lái và hộp đen chiếc máy bay chở 72 người bị rơi một ngày trước đó ở thành phố ở thị trấn Pokhara, miền Trung Nepal. Cho đến nay đã xác định 67 người trên máy thiệt mạng.
Hiện trường vụ rơi máy bay tại Nepal
Tàu chở hàng từ Ukraine mắc cạn ở eo biển Bosphorus
Công ty vận tải biển Tribeca ngày 16/1 thông báo tàu chở hàng MKK 1, xuất phát từ Ukraine đến Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị mắc cạn tại eo biển Bosphorus thuộc thành phố Istanbul vào sáng cùng ngày.
Hình ảnh được các kênh truyền hình phát đi cho thấy con tàu treo cờ Palau chở theo 13.000 tấn đậu hạt bị mắc cạn gần bờ biển ở phía châu Á của eo biển Bosphorus. Cơ quan bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một số tàu lai dắt đã được triển khai cùng các tàu khác để hỗ trợ con tàu bị mắc cạn.
Hàng chục người chết và bị thương do tai nạn giao thông tại Senegal
19 người đã thiệt mạng và 24 người bị thương trong một vụ tai nạn giao thông đường bộ thảm khốc giữa một xe khách và xe tải xảy ra ngày 16/1 tại miền Bắc Senegal.
Theo lực lượng cứu hộ Senegal, tai nạn xảy ra gần Sakal, vùng Louga thuộc khu vực Papa Ange Michel Diatta. Trước đó một tuần, một tai nạn tương tự giữa hai xe khách tại Senegal đã cướp đi sinh mạng 40 người và khiến hơn 100 người bị thương.
Uzbekistan: Nổ khí gas ở khu chung cư gây thương vong
Một vụ nổ khí gas đã xảy ra tại tòa nhà chung cư 2 tầng ở vùng Sirdarya, miền Trung Uzbekistan, làm 2 người thiệt mạng và 1 người bị thương.
Cập nhật về vụ việc này, ngày 16/1, giới chức sở tại cho biết vụ nổ xảy ra một ngày trước đó và nguyên nhân là do rò rỉ khí gas. Hai căn hộ trong tòa chung cư đã bị hư hại nghiêm trọng.
Nổ nhà máy hóa chất ở Trung Quốc khiến nhiều người thương vong, mất tích
Theo Tân Hoa xã, nhà chức trách Trung Quốc ngày 16/1 cho biết ít nhất 2 người thiệt mạng, 34 người khác bị thương và 12 người mất tích trong vụ nổ xảy ra chiều 15/1 (giờ địa phương) tại một nhà máy hóa chất ở huyện Bàn Sơn thuộc tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc nước này. Những người bị thương đã được đưa tới bệnh viện chữa trị.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc tiếp tục giảm mạnh
Hãng tin Yonhap dẫn nguồn Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết ngày 16/1 nước này ghi nhận 14.144 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 64 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc ở Hàn Quốc lên 29.821.035 ca. Đây là ngày Thứ Hai hằng tuần có số ca mắc mới thấp nhất trong 12 tuần tại nước này.