Tin vắn thế giới ngày 4/1: Tổng thống Philippines kỳ vọng 'chương mới' trong hợp tác với Trung Quốc

Thế giới - Ngày đăng : 08:08, 04/01/2023

Tổng thống Philippines kỳ vọng 'chương mới' trong hợp tác với Trung Quốc; Hạ viện Mỹ chưa thể bầu được Chủ tịch mới; Bộ trưởng An ninh Israel tới khu phức hợp đền thờ gây nhiều tranh cãi với Palestine… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Tổng thống Philippines kỳ vọng 'chương mới' trong hợp tác với Trung Quốc

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, phát biểu ngày 3/1, trước khi lên đường thăm chính thức Trung Quốc trong 3 ngày, Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. nhấn mạnh ông sẽ mở ra một chương mới trong hợp tác chiến lược toàn diện giữa Philippines và Trung Quốc.

Tổng thống Marcos mong muốn sẽ đưa quan hệ Manila-Bắc Kinh "lên một tầm cao mới, hy vọng sẽ mang lại nhiều triển vọng và cơ hội hòa bình và phát triển cho người dân của cả hai nước".

Tin vắn thế giới ngày 4/1: Tổng thống Philippines kỳ vọng 'chương mới' trong hợp tác với Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. gặp nhau tại Bangkok, Thái Lan ngày 17/11/2022. Ảnh: Manila Times

Hạ viện Mỹ chưa thể bầu được Chủ tịch mới

Hạ viện Mỹ ngày 3/1 đã quyết định dừng phiên họp đến trưa 4/1 theo giờ địa phương sau khi không thể bầu chọn ông Kevin McCarthy, thủ lĩnh phe thiểu số của đảng Cộng hòa, trở thành Chủ tịch mới của cơ quan lập pháp này.

Theo đó, ông McCarthy đã thất bại trong cả hai lần bỏ phiếu để trở thành Chủ tịch Hạ viện, sau khi những nghị sĩ theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa, đại diện chưa đầy 1/10 số Hạ nghị sĩ của đảng này, đã phản kháng chống lại ông, qua đó đẩy phe đa số mới tại Hạ viện Mỹ vào tình trạng hỗn loạn. Trong cả hai lần bỏ phiếu, ông McCarthy đều không giành được đủ 218 phiếu cần thiết, khi có tới 19 nghị sĩ đảng Cộng hòa lựa chọn bỏ phiếu cho các ứng cử viên khác.

Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực với Indonesia

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ngày 2/1 đã chính thức có hiệu lực đối với Indonesia khi nước này thực hiện các quy định thương mại mới với các thành viên khác của thỏa thuận thương mại tự do này.

Gần 70% các nhà kinh tế dự đoán kinh tế Mỹ suy thoái nhẹ trong năm 2023

Kết quả một cuộc khảo sát mới được tạp chí Wall Street Journal công bố cho thấy gần 70% các nhà kinh tế được hỏi đã dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ bị suy thoái trong năm 2023 khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Đến nay, RCEP đã có hiệu lực đối với 14/15 thành viên. RCEP - gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và 5 đối tác thương mại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, đã có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.

Tạp chí đã khảo sát các nhà kinh tế tại 23 tổ chức tài chính lớn có hoạt động hợp tác với Fed và hầu hết đều cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ xảy ra một cuộc suy thoái trong năm 2023. Chỉ có 5 tổ chức tài chính dự báo sẽ không xảy ra một cuộc suy thoái trong năm nay hoặc năm tới.

Israel cam kết giữ nguyên hiện trạng đền thờ Al-Aqsa

Ngày 3/1, một quan chức tại Văn phòng thủ tướng Israel cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu cam kết “nghiêm chỉnh giữ nguyên hiện trạng" tại khu phức hợp tọa lạc đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi trước đó cùng ngày, Bộ trưởng An ninh Israel Itamar Ben-Gvir tới khu phức hợp tọa lạc đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa đã làm dấy lên sự lên án của các nước Arab.

Bộ trưởng An ninh Israel tới khu phức hợp đền thờ gây nhiều tranh cãi với Palestine

Truyền thông Israel đưa tin ngày 3/1, Bộ trưởng An ninh Israel Itamar Ben-Gvir đã tới thăm khu phức hợp tọa lạc đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa mà Israel gọi là Núi Đền ở Jeruslem - thánh địa thiêng liêng đối với cả người Do Thái và người Hồi giáo - động thái này được cho là có nguy cơ cao làm leo thang căng thẳng giữa Israel và Palestine.

Mỹ loại Burkina Faso khỏi chương trình ưu đãi thuế quan

Mới đây, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã ra thông báo chính thức về việc nước này loại Burkina Faso khỏi chương trình ưu đãi thương mại vì những lo ngại sâu sắc "sự thay đổi vi hiến" Chính phủ ở quốc gia này.

Đạo luật cơ hội và tăng trưởng châu Phi (AGOA) cho phép các quốc gia châu Phi cận Sahara quyền tiếp cận miễn thuế thị trường Mỹ nếu đáp ứng các yêu cầu cụ thể, bao gồm cả việc đạt được những tiến bộ chính trị. Theo đó, USTR cho rằng Burkina Faso đã không đáp ứng các yêu cầu của AGOA và Washington sẽ làm việc với Ouagadougou để đưa ra “các tiêu chuẩn rõ ràng” cho lộ trình khôi phục thương mại.

Bulgaria ký thỏa thuận vận chuyển khí đốt dài hạn qua Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 3/1, Bulgaria đã ký thỏa thuận dài hạn để tiếp cận mạng lưới trung chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một động thái nhằm đảm bảo nguồn cung thay thế sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt từ tháng 4/2022.

Thỏa thuận giữa nhà điều hành khí đốt quốc doanh Bulgargaz của Bulgaria và công ty khí đốt quốc doanh Thổ Nhĩ Kỳ Botas sẽ cho phép quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này sử dụng mạng lưới của Botas để vận chuyển khí đốt.

Pakistan chật vật tìm cách tiết kiệm năng lượng

Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif ngày 3/1 cho biết chính phủ nước này đã yêu cầu toàn bộ các trung tâm thương mại và khu chợ, kể cả nhà hàng, phải đóng cửa vào lúc 20h30 hàng ngày.

Đây chỉ là một trong số nhiều biện pháp của kế hoạch tiết kiệm năng lượng mới được quốc gia Nam Á này áp dụng trong bối cảnh đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Nhiệm vụ mới của cơ quan tình báo quân đội Mỹ

Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia Mỹ (NGA) có nhiệm vụ mới là theo dõi các cơn bão.

NGA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và gần đây nhận nhiệm vụ lập bản đồ và phân tích bão. Nhiệm vụ được triển khai sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố bão Ian là một thảm họa lớn vào ngày 29/9/2022 đồng thời trao cho Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) quyền yêu cầu trợ giúp từ chính phủ liên bang để đối phó với cơn bão.

Tin vắn thế giới ngày 4/1: Tổng thống Philippines kỳ vọng 'chương mới' trong hợp tác với Trung Quốc

Các nhà phân tích NGA làm việc tại sân bay quốc tế Southwest Florida ngày 1/10/2022. Ảnh: Washington Post

Tấn công vũ trang vào nhà tù ở Mexico khiến 19 người thiệt mạng

Nhà chức trách Mexico ngày 2/1 thông báo vụ tấn công vũ trang vào nhà tù ở thành phố biên giới Juarez của Mexico đã khiến 19 người thiệt mạng, tạo điều kiện cho một trùm tội phạm trốn thoát cùng hơn 20 tù nhân khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mexico Luis Cresencio Sandoval cho biết một nhóm vũ trang đi trên xe bọc thép đã tiến hành các cuộc tấn công khi người nhà của các tù nhân đang xếp hàng vào thăm nhân dịp Năm mới 2023. Vụ việc khiến 10 lính canh, 7 tù nhân và 2 kẻ tấn công thiệt mạng. Ngoài ra, có 14 tù nhân và 1 lính canh bị thương; 5 kẻ tấn công bị bắt giữ.

Myanmar thu giữ 1,35 tấn ma túy dạng caffeine

Truyền thông nhà nước Myanmar ngày 3/1 dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết cảnh sát nước này đã thu giữ 1,35 tấn ma túy dạng caffeine ở bang Shan ở miền Đông nước này.

Dựa trên thông tin mật báo, cảnh sát chống ma túy Myanmar đã thu giữ lượng caffeine trị giá hơn 100 triệu kyat (khoảng 47.600 USD) từ một chiếc xe 12 bánh gần trạm kiểm soát ở thị trấn Tachilek thuộc bang Shan ngày 28/12/2022. Theo điều tra, số ma túy trên đang được vận chuyển vào thị trấn Kunhing cũng ở bang Shan. Cảnh sát đã bắt giữ 2 đối tượng tình nghi và đang tiếp tục điều tra.

Hy Lạp: Các nhân viên y tế từ chối tiêm vaccine ngừa COVID-19 được trở lại làm việc

Hiệp hội nhân viên bệnh viện công cho biết các nhân viên y tế Hy Lạp từ chối tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã trở lại làm việc từ ngày 2/1, sau 16 tháng bị đình chỉ.

Khoảng 2.000 nhân viên của các bệnh viện công và dịch vụ cứu thương đã trở lại làm việc sau khi Tòa án hành chính cao nhất của Hy Lạp, yêu cầu chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm các nhân viên y tế chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 đi làm. Tuyên bố của Liên đoàn lao động Bệnh viện công Panhellenic (POEDIN) cho rằng việc các nhân viên y tế đi làm lại sẽ "hỗ trợ lớn đối với hệ thống y tế, song thách thức từ việc thiếu hụt nhân sự vẫn còn tồn tại."

Bạch Dương