Từ nay tới 31/3 phải giao được hết vốn cho chương trình phục hồi kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 18:17, 13/02/2023

Ngày 13/2, tại Phiên họp thứ 20, UBTVQH đã xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2).

Báo cáo việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án chương trình trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Từ nay tới 31/3 phải giao được hết vốn cho chương trình phục hồi kinh tế

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp.

Nghị quyết đã quy định mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và phân bổ vốn, các cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án đầu tư công thuộc Chương trình và một số nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư phát triển; tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng với thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực.

Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện.

Việc xây dựng, hoàn thiện các danh mục nhiệm vụ, dự án Chính phủ trình UBTVQH là rất nghiêm túc, chặt chẽ, kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí, đối tượng, mục tiêu quy định tại Nghị quyết số 43/202/QH15.

Về mức vốn, Bộ trưởng cho biết, sau khi giao đợt 1, tổng số vốn còn lại của Chương trình chưa phân bổ, giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 28.862 tỷ đồng. Trong đó, 25.530 tỷ đồng của 169 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư. 3.332 tỷ đồng  chưa phân bổ chi tiết, chưa thông báo cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong tổng số 169 dự án với số vốn là 25.530 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo vốn từ Chương trình để hoàn thiện thủ tục đầu tư nêu trên, có 129 dự án với số vốn dự kiến là 14.710,315 tỷ đồng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định. Chính phủ trình UBTVQH cho ý kiến về 129 dự án thuộc Chương trình với số vốn dự kiến là 14.710,315 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn.

Cùng với đó, Chính phủ xin ý kiến điều chỉnh giảm 8.528 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT thực hiện 4 dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc để điều chỉnh tăng tương ứng cho 10 địa phương thực hiện các dự án thành phần đã được Thủ tướng Chính phủ phân cấp. Trên cơ sở đó, 10 địa phương thực hiện giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công của Chương trình năm 2023 cho từng dự án thành phần do mình quản lý.

Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, sau khi thẩm tra, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục theo quy định của Nghị quyết 43, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với số vốn còn lại của Chương trình chưa đủ thủ tục đầu tư 14.151,685 tỷ đồng trước ngày 31/3/2023. Sau thời hạn trên, số vốn còn lại của Chương trình không thực hiện phân bổ tiếp.

Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn khi số vốn còn lại khá nhiều, khó có thể giải ngân hết trong năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ 3 trong 4 dự án này đã có nghị quyết của Quốc hội quy định trong đó xác định tỉ lệ vốn trung ương, vốn địa phương, yêu cầu Hội đồng nhân dân các tỉnh/thành phố có dự án đi qua có Nghị quyết cam kết bố trí vốn, tiến độ cụ thể.

Bên cạnh đó, số vốn còn lại chưa giao là rất nhiều thì việc giải ngân trong năm 2023 như tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội sẽ không khả thi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần rà soát lại các nhiệm vụ, dự án cho đúng tiêu chí đã được Quốc hội quyết định. Cần tính toán thêm về cơ cấu vốn và cho rằng đối với việc điều chỉnh tên dự án là quá trình tất yếu trong quá trình chuẩn bị và thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm.

Đối với các dự án của Trung ương, nhất là các dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tình hình thu ngân sách 2021-2022 tốt nhưng tình hình 2023-2025 có thể không được như dự kiến, một số địa phương phản ánh có khả năng cam kết vốn cho dự án quan trọng quốc gia có thể không đạt. Quốc hội đã có nghị quyết về vấn đề này, nên cần thực hiện đúng tinh thần nghị quyết. Do đó, cơ quan thẩm tra phối hợp với Chính phủ để rà soát lại các dự án, kiên quyết loại những dự án không đúng.

Từ nay tới 31/3 phải giao được hết vốn cho chương trình phục hồi kinh tế

Các đại biểu thảo luận

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cách thức sử dụng các nguồn vốn một cách tổng thể; đồng thời bảo đảm phù hợp với thực tiễn khách quan, linh hoạt vừa đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này.

Báo cáo giải trình thêm một số nội dung, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu, việc giao vốn Chương trình Phục hồi chậm có 3 nguyên nhân chính: Phải thực hiện theo đúng quy định Nghị quyết 43 về nguyên tắc, tiêu chí; thực hiện đúng thủ tục, trình tự theo quy định của Luật Đầu tư công; cuối cùng là đề xuất của bộ, ngành địa phương không sát thực tiễn, nên có những dự án chưa giao mà không giao được.

Bộ trưởng cũng khẳng định, việc giao vốn được thực hiện rất cẩn trọng, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, trình tự. Trong thời gian 2022-2023 sẽ xử lý hết nguồn vốn Trung ương thuộc Chương trình, còn nguồn vốn địa phương và vốn khác thì kéo dài tới 2024-2025, đảm bảo nguồn vốn Chương trình thực hiện đúng trong hai năm 2022-2023. Sẽ cố gắng thúc đẩy tiến độ để từ nay tới 31/3 phải giao được hết vốn. Còn nếu bộ, ngành nào địa phương nào không thực hiện thì thống nhất thực hiện nghiêm theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH đề nghị, Chính phủ khẩn trương rà soát để phân bổ đúng tinh thần nghị quyết số 43 của Quốc hội, sau 31/3/2023 sẽ không tiếp tục phân bổ vốn của Chương trình.

Quốc Huy