Xét xử “siêu lừa” Hà Thành: Cựu Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng phủ nhận việc giúp bị cáo
Pháp đình - Ngày đăng : 11:42, 14/03/2023
Sáng 14/3, phiên toà xét xử “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm trong vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của ba ngân hàng: VietABank, PVcomBank, NCB và 4 cá nhân bước sang ngày làm việc thứ 6, tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.
Bị cáo Quản Trọng Đức - thời điểm phạm tội là Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, kiêm Trưởng Phòng giao dịch Đông Đô, ngân hàng VietABank (VAB).
Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành trả lời các câu hỏi trước HĐXX
Đức bị cáo buộc bàn bạc với Nguyễn Thị Thu Hương - Chuyên viên quan hệ khách hàng Phòng Khách hàng doanh nghiệp - VAB Đông Đô và thống nhất phát hành Hợp đồng tiền gửi sở hữu, trái quy định của ngân hàng này.
Thực hiện xác nhận tạm khóa tài khoản của Công ty MHD (Công ty Thành nhờ Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Jeongho Lanmark góp vốn) nhưng không phong tỏa trên hệ thống; Duyệt đề xuất cấp tín dụng đối với các khoản vay vượt hạn mức của Phòng Giao dịch Đông Đô.
Hành vi của Đức giúp Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm thực hiện 19 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của VAB số tiền hơn 245 tỷ đồng và của 4 cá nhân khác tổng cộng 63 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, Đức phủ nhận việc sửa nội dung trên hợp đồng khách hàng doanh nghiệp thành khách hàng cá nhân. Bị cáo thừa nhận việc ký trên hồ sơ song nội dung Thu Hương hay ai sửa thì bản thân không biết.
"Việc ký đó, theo bị cáo là đúng quy định của ngân hàng", Đức trình bày và phủ nhận các tội danh VKS cáo buộc.
Theo bị cáo, suốt giai đoạn điều tra, có một lần, bị cáo được tiếp xúc với một bản hợp đồng và thấy nội dung trên đó đã sửa lại và Đức khẳng định không làm việc này. Từ đó, bị cáo muốn được đối chất với Thu Hương về việc trên. Ngoài ra, Đức cũng muốn đối chất với một số cựu nhân viên dưới quyền ở phòng giao dịch về việc chỉ đạo họ làm sai hoạt động ngân hàng.
Trước đó, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nhung - Giao dịch viên Phòng giao dịch Đông Đô khai, mỗi khi Thành đến ngân hàng đều làm việc trong phòng họp. Giám đốc Quản Trọng Đức nói Thành là khách hàng của Thu Hương, phải chăm sóc khách VIP, phòng giao dịch phải có trách nhiệm hỗ trợ.
Các bị cáo trước HĐXX
''Nhiều lần bị cáo yêu cầu khách hàng phải ra quầy giao dịch ký trực tiếp theo đúng quy định của ngân hàng nhưng bị anh Đức mắng, bảo thế là cứng nhắc. Vì thế bị cáo chỉ so chữ ký trên các giấy tờ giống nhau thì bị cáo tin''- bị cáo Nhung khai tại toà.
Bị cáo Bùi Thị Na, Đỗ Thị Liên cùng là thủ quỹ phòng giao dịch Đông Đô đều khai bị Quản Trọng Đức và Thu Hương nhiều lần gây áp lực và mắng ngay trước quầy giao dịch, hỏi ''có làm được việc không''?.
Bị cáo Bùi Thị Na vừa khóc vừa trình bày bị cấp trên dọa đuổi việc ngay trong thời kỳ thai sản.
Cũng tại phiên toà, Nguyễn Thị Hà Thành trong khi trả lời luật sư có đề cập đến việc chi phần trăm cho ngân hàng để được vay tiền và giải ngân.
Luật sư hỏi bị cáo Thành: "Nếu không chi ra, bị cáo có được vay tiền, giải ngân dễ dàng không?", "Không", Thành đáp.
Trong phần thẩm vấn của luật sư, Nguyễn Thanh Tùng - người bị cáo buộc giúp sức cho Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt hơn 271 tỷ đồng của 3 ngân hàng trên khai, bản thân có hơn 7 triệu cổ phần tại Công ty MHD.
Trình bày với chủ toạ phiên tòa, Tùng cho hay, số cổ phần này thực tế của Thành và bị cáo chỉ là người đứng tên. Ngoài ra, toàn bộ hơn 7 triệu cổ phần tại MHD đã được bị cáo thế chấp cho VAB. Tuy nhiên, theo Tùng, trong số cổ phần trên có 3,5 triệu cổ phần đang tranh chấp với một cá nhân.