Đẩy mạnh cải cách tư pháp góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN
Tòa án - Ngày đăng : 07:00, 26/02/2023
Bước tiến dài trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân
Phát biểu tại Hội thảo quốc gia với chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Phó Trưởng ban Chỉ đạo đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, nhấn mạnh: Kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 cho thấy, công tác cải cách tư pháp đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng; nền tư pháp nước ta đã có một bước tiến dài trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư pháp và cải cách tư pháp được nâng lên rõ rệt; Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, các nguyên tắc đặc thù về tổ chức và hoạt động tư pháp với tư cách là giá trị văn minh trong Nhà nước pháp quyền hiện đại được ghi nhận, thể chế hóa và thực hiện; Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp được kiện toàn, đổi mới; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp đã được nâng cao hơn; đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng; Nhiều hoạt động bổ trợ tư pháp được xã hội hóa, đạt kết quả tích cực; Hợp tác quốc tế về tư pháp được mở rộng; Việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp ngày càng được quan tâm; Phương thức lãnh đạo của Đảng, công tác giám sát của các cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp tiếp tục được đổi mới. Kết quả cải cách tư pháp đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham dự Lễ khánh thành Trung tâm tư liệu-Thư viện, Trung tâm giám sát và điều hành, Phần mềm trợ lý ảo, Nền tảng xét xử trực tuyến TAND
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải cách tư pháp thời gian qua vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập. Về nhận thức, vẫn còn tồn tại cách hiểu chưa thống nhất về nội hàm tư pháp; quyền tư pháp; cơ quan tư pháp; độc lập tư pháp; kiểm soát quyền lực tư pháp, cùng với đó là nhiều vấn đề hạn chế về thực tiễn.
Về hoạt động thực tiễn, một số nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp đề ra trong Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đến nay vẫn được cho là đúng đắn nhưng chưa được thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả; nhất là trong cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp; trong xây dựng và thực hiện cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong hoạt động tư pháp; trong đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp; công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề pháp lý quốc tế...
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong công tác tư pháp và cải cách tư pháp thời gian qua, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra nhiệm vụ: “Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”; đồng thời khẳng định: “Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”. Đây vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là mục tiêu, nhiệm vụ lâu dài của cải cách tư pháp, là nội dung “cốt lõi” của Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Những dấu ấn cải cách tư pháp trong TAND
Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đặt trọng tâm của cải cách tư pháp lấy Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm và tranh tụng là khâu đột phá. Trong hệ thống cơ quan tư pháp, Tòa án có vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp đã được Hiến định, là biểu tượng của công lý, công bằng, lẽ phải, là nơi thể hiện rõ nét nhất bản chất của Nhà nước pháp quyền. Phán quyết của Tòa án thể hiện chất lượng hoạt động và uy tín của hệ thống tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN. Do đó, trọng tâm của cải cách tư pháp cần tập trung cải cách tổ chức và hoạt động của Tòa án để Tòa án thực sự là trung tâm thực hiện quyền tư pháp.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban cán sự Đảng TANDTC đang triển khai nghiên cứu Chiến lược cải cách tư pháp trong TAND. Đây là một phần của Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Nội dung Chiến lược cải cách tư pháp trong TAND bao gồm đổi mới cả về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, thủ tục tố tụng.
Sau 20 năm thực hiện cải cách theo các Nghị quyết của Đảng, công tác cải cách tư pháp trong TAND đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo, uy tín và kết quả hoạt động của Tòa án với tư cách là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhìn lại những năm gần đây, các Tòa án luôn phải giải quyết khối lượng công việc năm sau cao hơn năm trước từ 8-10%/năm. Mặc dù số lượng biên chế của các Tòa án cơ bản không thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh tinh giản 10% biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhưng Tòa án các cấp đã rất nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội đề ra; hằng năm giải quyết, xét xử từ 95-98% số vụ việc thụ lý. Có được thành tích đó, bên cạnh những nỗ lực của toàn hệ thống Tòa án, còn phải kể đến yếu tố quan trọng là kết quả thực hiện cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án.
Quán triệt sâu sắc và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện thực hóa mục tiêu của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, thời gian qua, các hoạt động của Tòa án đã được đổi mới rõ rệt theo hướng phục vụ người dân tốt hơn.
Hệ thống pháp luật về tố tụng và tổ chức Tòa án đã được hoàn thiện theo hướng tăng cường tranh tụng, đảm bảo độc lập tư pháp, áp dụng thủ tục rút gọn đối với một số vụ việc đơn giản; cơ chế hòa giải, đối thoại các tranh chấp được tăng cường và triển khai hiệu quả; các thủ tục hành chính-tư pháp được đơn giản hóa tạo thuận lợi cho người dân; quy trình xử lý các yêu cầu của người dân được hiệu chỉnh theo cơ chế “một cửa”, đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả; đề cao sự tham gia tích cực, chủ động của người dân trong hoạt động tư pháp và tạo điều kiện để họ thực hiện và thụ hưởng đầy đủ các quyền trong tố tụng; các cơ chế kỹ thuật, pháp lý để tiếp cận công lý của người dân được đa dạng hóa; các phán quyết của Tòa án được công khai, đảm bảo tính nghiêm minh về pháp luật và định hướng hành vi của các chủ thể trong quan hệ pháp luật.
Chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất được trang bị tốt hơn, công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ được quan tâm, góp phần thúc đẩy nhiệt huyết cống hiến của đội ngũ Thẩm phán và cán bộ Tòa án. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp phục vụ Nhân dân như Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đề ra.
Một số quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp giai của TAND đoạn sau năm 2020 được xác định là: Kiên định, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, thống nhất và trực tiếp đối với cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp để bảo đảm thực hiện hiệu quả trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Xác định cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo; là nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ, giữ vững, phát huy thành tựu phát triển của đất nước thời gian qua; đẩy nhanh việc hoàn thiện các thiết chế của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Xây dựng nền tư pháp vì nhân dân phục vụ. Hoạt động tư pháp phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, lấy tinh thần phục vụ Nhân dân làm tôn chỉ, mục đích hoạt động. Tiếp tục đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động theo hướng đảm bảo trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đúng như bản chất “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” của nền tư pháp nước nhà. Coi đây là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của cải cách tư pháp.
Tăng cường niềm tin của người dân vào công lý và nền tư pháp. Hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ, bảo đảm các điều kiện về pháp lý và thực tế để người dân thực hiện đầy đủ, toàn diện các quyền của mình trong tố tụng; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân thông qua hoạt động tư pháp. Tiếp tục hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân theo hướng hạn chế tính hình thức, tăng cường tính Nhân dân, dân chủ; nghiên cứu, tiếp thu nhân tố hợp lý của chế định Bồi thẩm đoàn.
Phát huy vai trò và hoàn thiện cơ chế giám sát đặc thù của cơ quan dân cử, của công luận và của Nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Tận dụng những lợi thế của công nghệ, hướng tới xây dựng Tòa án thông minh; công khai, minh bạch hoạt động tư pháp; tăng cường khả năng tiếp cận công lý của người dân; giảm bớt thủ tục và chi phí xã hội không cần thiết…
Những giải pháp đẩy mạnh cải cách tư pháp trong TAND
Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng, tranh tụng… là những nguyên tắc phổ quát, căn cốt trong hoạt động xét xử được mọi quốc gia tuân thủ. Đây chính là phương cách hữu hiệu để bảo vệ công lý, lẽ phải, quyền con người, quyền công dân.
Những giải pháp đổi mới để thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tư pháp tiến bộ gồm: Tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử; Tổ chức các Tòa chuyên trách sơ thẩm khu vực tùy thuộc vào tính chất và quy mô các vụ việc phải giải quyết; Thực hiện quy trình phân án ngẫu nhiên; Tổ chức hợp lý việc quản lý Thẩm phán; điều kiện bảo đảm hoạt động của Tòa án và Thẩm phán không phụ thuộc vào cơ quan hành chính; Xây dựng cơ chế phòng ngừa sự can thiệp vào hoạt động xét xử; Kiện toàn cơ chế bảo vệ Thẩm phán đã thực thi nhiệm vụ đúng pháp luật; Xét xử công khai; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thụ lý và xét xử án; Quy định và bố trí phòng xét xử có sự tham dự của truyền thông; Công khai trên cổng thông tin điện tử các hoạt động của Tòa án; Đẩy mạnh tranh tụng tại tất cả các phiên tòa, không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, mọi vấn đề nêu ra trong tranh tụng phải được giải quyết đến cùng và ghi nhận trong bản án, căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra phán quyết; Bảo đảm công bằng trong từng thủ tục và công bằng trong phán quyết về vụ việc, không được và không cho phép bất cứ hành vi bất bình đẳng nào trong quá trình xét xử.
Bên cạnh đó là đổi mới chế định tham gia của Nhân dân vào hoạt động xét xử. Nhân dân tham gia vào hoạt động của Nhà nước nói chung, hoạt động tư pháp nói riêng là đặc tính của Nhà nước dân chủ, tiến bộ.
Xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh phải đồng thời sắp xếp bộ máy Tòa án tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, chuyên nghiệp và tận tụy. Quá trình hoạt động phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc để TAND hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nắm bắt các cơ hội do sự phát triển của công nghệ thông tin mang lại để xây dựng Tòa án điện tử theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường tính công khai, minh bạch…
Những giải pháp đẩy mạnh cải cách tư pháp trong TAND sẽ góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền tư pháp vì dân, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.