Tiến Minh: 'Nói tôi hết thời là bậy bạ'

Thể thao - Ngày đăng : 16:00, 24/02/2012

Nếu hết thời sao tôi vẫn trụ vững được trong top 10? Có một sự nhầm lẫn rất lớn của nhiều người là họ chỉ nhìn vào kết quả thắng hay thua để đánh giá một tay vợt. Hoàn toàn sai lầm...'

Làng thể thao nội không có nhiều VĐV có tài năng đạt đến đẳng cấp thế giới và ít dính đến scandal như tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh.

Tôi hài lòng với những gì mình có

- Tại giải cầu lông đồng đội vô địch châu Á vừa qua, anh đã giành chiến thắng trước tay vợt số 3 thế giới Chen Long của Trung Quốc, phải chăng phong độ của anh đang được cải thiện?

- Chen Long - hạng 3 thế giới, là đối thủ đã nhiều lần đánh bại tôi trong quá khứ, cũng như đã vượt qua Lee Chong Wei 2 lần trong năm ngoái, đoạt 3 chức vô địch Superseries ở Trung Quốc, Nhật Bản và Đan Mạch. Thế nên, chiến thắng trước Chen Long là điều rất tuyệt vời, nó là hệ quả từ việc tôi đã thay đổi lối chơi sau những thất bại liên tiếp năm ngoái.

- Anh lý giải vì sao mình đã liên tục thất bại trong những giải đấu cuối năm 2011 sau khi đã vô địch giải Việt Nam mở rộng?

- Có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, lối đánh của tôi không đa dạng, dễ bị bắt bài. Việc này có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Một phần do sức ì của tôi quá lớn, một phần do tôi không được tập luyện với các tay vợt có nhiều cách đánh khác nhau để tìm ra cách khắc chế. Nói chính xác là tôi thiếu những quân xanh đẳng cấp. Nguyên nhân thứ 2 là hiện tại cầu lông thế giới có quá nhiều VĐV trẻ tiến bộ quá nhanh mà bản thân tôi không thể biết hết họ, đáng ngại hơn họ phần lớn đều đến từ những nền cầu lông rất phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản hay Malaysia.

- Thời điểm đó có một luồng ý kiến cho rằng anh đã đến “ngưỡng”, không còn đủ sức thi thố ở những sân chơi đẳng cấp quốc tế?

- Tôi không phủ nhận mình thi đấu không thành công ở thời điểm cuối năm, nhưng nói tôi hết thời là bậy bạ. Nếu hết thời sao tôi vẫn trụ vững được trong top 10. Có một sự nhầm lẫn rất lớn của mọi người (tôi không nói tất cả, nhưng đại đa số) là họ chỉ nhìn vào kết quả thắng hay thua để đánh giá một tay vợt. Hoàn toàn sai lầm. Tôi dẫn chứng thế này, tôi vô địch giải Việt Nam mở rộng, nhưng tiền thưởng và điểm thưởng chưa chắc đã bằng khi tôi dừng bước tại vòng 1/16 hay vòng 1/8 của các giải Superseries hay vô địch thế giới. Những giải đấu này đều là tập hợp của những VĐV xuất sắc nhất thế giới, thế nên việc tôi bị loại bởi những tay vợt giỏi nhất không có gì đáng buồn cả.

Tiến Minh: 'Nói tôi hết thời là bậy bạ'

Tiến Minh hiện đang đứng top 9 thế giới.

- So về điều kiện với những tay vợt trong top 10 thế giới, anh cho mình một điểm cộng hay trừ?

- Điều kiện của cầu lông Việt Nam không thể bì được so với Trung Quốc, Malaysia, Indonesia hay Đan Mạch. Vì thế, tôi rất hài lòng với những gì mình đã đạt được trong suốt sự nghiệp khi đã có những danh hiệu quốc tế, đã trụ vững trong top 10. Anh thử nói xem, anh chỉ bỏ ra 1 đồng tiền đầu tư mà thu được đến 10 đồng anh có hài lòng không? Tôi không có ý ghen tị hay trách móc ai nhưng với thực trạng của cầu lông Việt Nam hiện tại, làm được như tôi đã là quá giỏi.

- Nói thế, anh cho mình còn cơ hội phát triển?

- Tất nhiên, tôi đã ở vị trí số 1 Việt Nam quá lâu và sau tôi là cả một khoảng trống mênh mông. Nếu tôi “an phận” thì chẳng ai trách tôi được. Nhưng tôi vẫn nỗ lực hết mình ngay cả khi không có được một HLV đẳng cấp riêng cho mình. Tôi hy vọng sau khi HLV Asep chia tay, cầu lông TP.HCM sẽ kiếm được một tướng mới tài năng giúp tôi và các VĐV khác hoàn thiện mình hơn.

Không muốn PR cho bản thân

Tiến Minh: 'Nói tôi hết thời là bậy bạ'

Tiến Minh: 'Nói tôi hết thời là bậy bạ'.

- Anh vừa bước sang tuổi 29 (Tiến Minh sinh ngày 12/2/1983 - PV), vậy anh đã tính đến chuyện hôn nhân?

- Hiện tại, tôi chỉ tập trung thi đấu và không biết khi nào sẽ dừng lại, bởi hôn nhân là chuyện của cả một đời. Tìm được một người hiểu mình là chuyện rất khó.

- Nói thế có nghĩa anh vẫn chưa có bạn gái?

- Điều đó là tùy cách hiểu của anh (cười), nhưng tôi không muốn nói nhiều đến chuyện này.

- Tại sao vậy, khi mà mọi người đều rất muốn biết bởi anh là một người của công chúng?

- Những chuyện liên quan đến thành tích, thi đấu đã khiến tôi đủ mệt. Tôi không muốn bị phân tâm bởi những vấn đề riêng tư. Tôi khác với một số VĐV khác, không muốn PR bản thân (dù không cố ý) theo cách phô bày những chuyện tình cảm cá nhân. Ngay từ khi vào nghề tôi đã tâm niệm sẽ xây dựng hình mẫu của một VĐV trong sáng, chuẩn mực.

- Cụ thể là gì?

- Tôi có xuất phát điểm tốt, từ một gia đình có điều kiện kinh tế. Nếu theo con đường học vấn hay kinh doanh có lẽ Tiến Minh bây giờ đã rất khác. Nhưng tôi chọn thể thao khi mà đãi ngộ ở Việt Nam không tương xứng. Không có nhiều người chọn con đường đi giống tôi. Khi bạn có điều kiện, bạn cần nỗ lực gấp bội để vươn đến đỉnh cao ở môn thể thao mà mình theo đuổi. Tôi nghĩ suốt quá trình từ một “cậu ấm” đến một VĐV cầu lông nổi tiếng thế giới vẫn giữ được mình trong cuộc sống nhung lụa là hình mẫu đáng để mọi người học tập

- Thế anh không sợ sau khi anh giải nghệ, cái tên Tiến Minh sẽ dần trôi vào quên lãng?

- (Cười) Đó gần như là quy luật ở bất cứ môn thể thao nào không chỉ riêng cầu lông. Nhưng tôi chắc chắc mọi người sẽ có những hoài niệm đẹp về Tiến Minh khi là một VĐV…

Giữa hai con đường

- Anh dự định đánh cầu lông đến bao giờ?

- Tháng 6/2013 hợp đồng tài trợ của tôi với Yonex và Victor sẽ hết. Đến khi đó nếu có thương hiệu nào muốn gắn bó với tôi với đãi ngộ tốt hơn, tôi sẽ xem xét cầm vợt tiếp, còn không tôi sẽ cân nhắc việc giải nghệ.

- Liệu anh có đoạn tuyệt với nó?

- Chắc chắc là không, ít nhất trong vài ba năm tới. Tôi rất muốn làm một HLV giỏi, bởi hiện tại ở Việt Nam chỉ có 2 HLV đẳng cấp Châu Á. Nhưng để làm được điều này, còn phải xem tôi sẽ nhận được gì, có tương xứng với công sức mình bỏ ra hay không?

- Anh đã có sự chuẩn bị nào để trở thành một HLV chưa?

- Nói thẳng là chưa, đặc biệt là chuyện đi học để lấy bằng.

- Có con đường khác để anh chọn?

- Kinh doanh theo nghiệp của gia đình. Bố mẹ, anh chị em tôi đều kinh doanh rất giỏi, nhưng tôi lại là tay mơ ở lĩnh vực này, khi không có sự lựa chọn nào khả dĩ hơn tôi mới dấn thân theo nghiệp kinh doanh.

- Vì sao?

- Tôi không muốn mạo hiểm ở lĩnh vực mình không hiểu rõ, bởi dù sao khi từ giã nghiệp VĐV tôi vẫn có quyền chọn cho mình cách sống “an toàn” hơn bằng một nghề khác.

Theo Infonet