Toà án trong những ngày đầu thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà

Chính trị - Ngày đăng : 06:00, 16/05/2015

Ngày 13/9/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Sắc lệnh thiết lập các Toà án quân sự.

Theo Điều 1 của Sắc lệnh này thì sẽ thiết lập các Toà án quân sự gồm: ở Bắc bộ tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình; ở Trung bộ tại Vinh, Huế, Quảng Ngãi; ở Nam bộ tại Sài Gòn, Mỹ Tho. Uỷ ban nhân dân Trung bộ và Nam bộ, trong địa hạt hai bộ ấy, có thể đề đạt lên Chính phủ xin mở thêm Toà án quân sự ở những nơi trọng yếu khác.

Về thẩm quyền xét xử, Toà án quân sự xử tất cả những người nào phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trừ trường hợp phạm nhân là binh sỹ thì thuộc về nhà binh tự xử lấy theo quân luật (Điều 2). Toà án quân sự xét xử tất cả các hành vi phạm tội được thực hiện trước hoặc sau ngày 19/8/1945. Ngoài ra, đối với những nơi ở xa các Toà án quân sự đã được thành lập theo Sắc lệnh này, thì trong những trường hợp đặc biệt, Chính phủ “có thể cho Uỷ ban nhân dân địa phương thành lập một Toà án quân sự có quyền xử trong một thời kỳ và theo đúng những nguyên tắc định trong Sắc lệnh này” (Điều 7).

Toà án trong những ngày đầu thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà

Một phiên tòa xét xử của Tòa án quân sự

Về thẩm quyền theo lãnh thổ trong Sắc lệnh này chưa được đề cập đến. Ngày 26/9/1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh ấn định địa phương thẩm quyền của các Toà án quân sự.

Chỉ mười sáu ngày sau khi thành lập các Toà án quân sự nói trên, do yêu cầu của nhiệm vụ xét xử, ngày 29/9/1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh đặt một Toà án quân sự tại Nha Trang. Đến ngày 28/12/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã ra Sắc lệnh số 77C thiết lập một Toà án quân sự tại Phan Thiết và giao cho Uỷ ban nhân dân Trung bộ ấn định thẩm quyền theo lãnh thổ của các Toà án quân sự Quảng Ngãi, Nha Trang, Phan Thiết.

Ngày 23/11/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 64 thiết lập một ban Thanh tra đặc biệt. Điều 1 Sắc lệnh quy định Ban Thanh tra đặc biệt có nhiệm vụ “đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của Uỷ ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ”. Điều 3 quy định: “Sẽ thiết lập ngay tại Hà Nội một Toà án đặc biệt để xử những nhân viên của các Uỷ ban nhân dân hay các cơ quan của Chính phủ do ban Thanh tra truy tố”. Toà án đặc biệt do Chủ tịch Chính phủ lâm thời làm Chánh án, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Hội thẩm (Điều 4). Toà án đặc biệt có toàn quyền định, có thể tuyên án tử hình. Những án tuyên lên sẽ thi hành trong 48 giờ (Điều 6) Ban Thanh tra và Toà án đặc biệt được lập ra chỉ có tính chất tạm thời (Điều 7).

Có thể thấy rằng trong mấy tháng đầu sau ngày giành được chính quyền về tay nhân dân, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ đã rất chú trọng xây dựng bộ máy Nhà nước vì nhân dân phục vụ nói chung, trong đó có Toà án nhân dân nói riêng.

còn nữa)

 

PV