Đầu tư công - Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 07:30, 21/01/2023
Những năm qua, đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã góp phần quan trọng vào xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cung ứng tốt hơn các dịch vụ công, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Nhiều công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công hoàn thành đã giúp xử lý những điểm nghẽn, giải quyết những nhu cầu bức thiết về giao thông vận tải, thông tin truyền thông, phòng, chống và khám chữa bệnh, bảo tồm phát huy giá trị văn hóa… trong đời sống kinh tế, xã hội, thúc đẩy sự phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Đầu tư công góp phần quan trọng vào xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội...
Tại Hội thảo chuyên đề Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tuy chiếm tỷ lệ khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 5-6% GDP nhưng vốn đầu tư công đóng vai trò là nguồn vốn dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội phục vụ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một mặt vừa đóng góp trực tiếp vào tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm chi phí lưu thông, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế… một mặt vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế GDP cho đất nước.
Không chỉ vậy, đầu tư công còn gián tiếp đưa nguồn vốn vào thị trường để kích thích tổng cung, tổng cầu, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động và cải thiện cơ sở hạ tầng, gián tiếp giúp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mạnh hơn, nhất là sau những cú sốc về khủng hoảng, suy thoái, dịch bệnh...
Bước sang năm 2023, đầu tư công tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) nhận định: Trong bối cảnh thương mại quốc tế đang chững lại do nhiều thách thức, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023, không chỉ nhằm mục đích hỗ trợ tăng trưởng GDP của Việt Nam (chiếm gần 10% GDP danh nghĩa) mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI.
Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025). Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Vốn đầu tư công đóng vai trò là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội phục vụ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong ảnh, thi công một dự án cao tốc. Ảnh: LĐTĐ
MAS kỳ vọng đầu tư công sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho tăng trưởng và kích cầu đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa cho nhiều nhóm ngành nghề của nền kinh tế.
Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023, đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Trong đó, tập trung giải pháp như rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022 nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, có nhiều yếu tố tác động đến đầu vào của hoạt động đầu tư công.
Bên cạnh đó, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án.
Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.
Việc phân bổ phải bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt,...