Hiến kế tận dụng Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn để phát triển du lịch
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 06:45, 18/09/2017
Tận dụng Lễ hội để phát triển du lịch
Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn đã vượt ra khỏi lễ hội của người dân Đồ Sơn, của Hải Phòng ở quy mô và giá trị văn hóa. Trong bối cảnh hiện nay, lễ hội nói chung và lễ hội dân gian nói riêng là những sản phẩm tinh thần đặc biệt, đáp ứng nhu cầu văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời là nguồn tài nguyên du lịch quý giá, vừa phục vụ việc khai thác kinh doanh du lịch, vừa góp phần quảng bá sự đa dạng văn hóa của cộng động các dân tộc Việt Nam. Vì vậy cần xác định lễ hội là nguồn lực và sản phẩm của du lịch. Từ đó có giải pháp quản lý phù hợp, tôn trọng và đề cao vai trò cộng đồng - nhà văn hóa Trần Hữu Sơn cho biết.
Ông Trần Hữu Sơn cũng đưa ra quan điểm: Cần nhìn nhận lễ hội chọi trâu Đồ Sơn chuyển sang cơ chế thị trường là tất yếu. Lễ hội phải tổ chức các dịch vụ, tăng nguồn thu nhưng không đặt vấn đề nguồn thu là trên hết dẫn đến tận thu. Nguồn thu lớn nhất của lễ hội là nguồn thu từ du lịch. Vì vậy cần có quan điểm xây dựng lễ hội theo hướng phát triển bền vững, vừa bảo tồn các giá trị của lễ hội vừa xây dựng được chuỗi sản phẩm có thương hiệu của Đồ Sơn - Hải Phòng.
Thực tế cho thấy việc nghiên cứu xây dựng lễ hội thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù Đồ Sơn có lịch sử du lịch vào loại sớm nhất nước ta. Nhưng đến nay, so với các khu du lịch khác (Sầm Sơn, Nha Trang, Mũi Né…), Đồ Sơn vẫn tụt hậu, chưa tìm được động lực phát triển. Có nhiều nguyên nhân nhưng một nguyên nhân quan trọng là Đồ Sơn chưa kêu gọi nguồn lực tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù.
Trong đó lễ hội chọi trâu là tài nguyên du lịch độc đáo cần nghiên cứu xây dựng thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù. Sản phẩm du lịch là tổng thể các loại hình dịch vụ, hàng hóa do người kinh doanh du lịch cung cấp cho du khách, đáp ứng nhu cầu của du khách – ông Trần Hữu Sơn nhận định.
Một vài hướng đi tham khảo
Là một người có nhiều năm nghiên cứu về lễ hội, nhà văn hóa Trần Hữu Sơn không ngần ngại “hiến kế” cho Đồ Sơn, Hải Phòng phát triển du lịch từ Lễ hội Chọi trâu.
Ông cho rằng sản phẩm du lịch lễ hội chọi trâu Đồ Sơn gồm hàng chuỗi sản phẩm có cấu trúc thành ba bộ phận chủ yếu: Bộ phận hạt nhân, bộ phận bổ trợ, bộ phận dịch vụ hoàn thiện.
Trong đó, bộ phận hạt nhân là cốt lõi mang dấu ấn đặc thù, đặc sắc với Lễ hội Chọi trâu, từ nghi lễ khai hội đến các kháp đấu trâu hấp dẫn. Đây là bộ phận quan trọng nhất có nhiều dịch vụ phục vụ du khách như dịch vụ dâng lễ, mua sắm đồ lễ cúng thần, dịch vụ chụp ảnh, dịch vụ bán vé vào xem các trận đấu,… Trong đó, dịch vụ bán vé là dịch vụ chủ đạo, phục vụ đông đảo người xem và là nguồn thu quan trọng nhất. Nó đáp ứng được nhu cầu bản chất của khách hàng. Nó trả lời cho câu hỏi: Khách du lịch đích thực mua cái gì?.
Ảnh minh họa. Chụp lại từ tranh khắc gỗ của Trần Nguyên Đán.
Còn bộ phận bổ trợ là các dịch vụ cần thiết khi khách hàng mua dịch vụ hạt nhân như các dịch vụ nghỉ, dịch vụ ăn uống, dịch vụ đi lại,… Tuy không phải là dịch vụ hạt nhân, cốt lõi nhưng loại dịch vụ này có khả năng tạo nguồn thu rất lớn, thậm chí nếu biết tổ chức, nguồn thu ở bộ phận này còn cao hơn nguồn thu từ bộ phận hạt nhân. Ở Đồ Sơn, các dịch vụ này trong lễ hội chọi trâu thường bị Ban Tổ chức coi nhẹ, chưa có chiến lược xây dựng sản phẩm riêng, hấp dẫn, vẫn mang tính chất tự phát.
Với bộ phận dịch vụ hoàn thiện, đây là bộ phận chăm sóc khách hàng, khuyến mại như ưu tiên sử dụng các dịch vụ ẩm thực, giảm giá tiền lưu trú, các dịch vụ mời chào du khách sử dụng trước và sau khi kết thúc lễ hội.
Đặc điểm của sản phẩm du lịch chọi trâu là buộc khách đến sân vận động để mua sản phẩm. Sản phẩm du lịch bao gồm các thành phần hữu hình (đồ lưu niệm, món ăn…) và vô hình (thái độ ân cần, niềm nở,…). Sản phẩm du lịch có thể là bầu không khí sôi động đầy kịch tính của các “kháp” đấu trâu hoặc là nụ cười người dân Đồ Sơn đón chào quý khách.
Nhà văn hóa Trần Hữu Sơn đưa ra ví dụ: Cần nghiên cứu xây dựng các chuỗi sản phẩm bổ trợ nhằm kéo dài thời gian lưu trú như xây dựng các chương trình nghệ thuật, lễ hội đường phố với chủ đề về trâu, triển lãm ảnh và công cụ huấn luyện chọi trâu, dịch vụ tham quan, trải ngiệm, chăm sóc trâu. Bởi như vậy thì buổi tối hôm trước lễ hội có thể tổ chức dạ hội hay triển lãm hoặc tất cả những hoạt động văn hóa về trâu để kéo được khách về. Rồi đến sáng hôm sau lại có một nghi lễ từ sớm để khách ở xa phải đến thật sớm hoặc nếu không ngủ lại từ hôm trước thì chưa chắc đã được xem. Như vậy sẽ tận dụng được lễ hội để phát triển du lịch.
Ông Sơn cũng chia sẻ, Hội Văn nghệ Dân gian – nơi ông đang làm sẵn sàng đồng hành, tư vấn và làm thử nếu Hải Phòng thấy cần thiết.