Du lịch biển đảo Việt Nam– nhìn thoáng để vươn xa
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 18:35, 14/05/2017
Sang Phuket (Thái Lan) thấy biển của họ thua xa nhiều bãi biển của Việt Nam. Đến Maldives, nhiều người sẽ bảo Phú Quốc của ta còn đẹp hơn. Còn nếu chưa mua tour qua Bali thì dành tiền đó đến Cát Bà, chả thua kém gì. Thế nhưng vì sao du lịch biển đảo của ta cứ chạy theo họ hụt cả hơi mà vẫn thua xa?
Bài học từ những hòn đảo láng giềng
Xin được bắt đầu từ Phuket—hòn đảo lớn nhất Thái Lan có diện tích 540km2, với 70% diện tích là rừng. Nhiều năm trước, Phuket là một thương cảng sầm uất. Còn bây giờ, Phuket là điểm đến “thiên đường” mà hễ nhắc đến Thái Lan là du khách sẽ nghĩ ngay đến hòn đảo này.
Điều gì khiến mỗi năm trung bình có khoảng 5,3 triệu khách đến Phuket, dù hòn đảo này năm 2004 từng nổi tiếng với thảm họa sóng thần? Câu trả lời rất đơn giản: họ biết cách quy hoạch du lịch.
Biển, đảo, rừng… của Phuket, nói như nhiều du khách đã đến đây, thì thua xa nhiều địa danh du lịch biển của Việt Nam. Nhưng người Thái Lan đã làm cho Phuket trở thành điểm đến hấp dẫn bởi các resort và các khu giải trí sang trọng.
Cuộc sống về đêm của Phuket cũng nhộn nhịp không kém gì trung tâm thủ đô Bangkok với các khu thương mại mua sắm giải trí sầm uất, các show ca múa nhạc, xiếc thú….
“Mỏ vàng” chính là đây khi khách du lịch không tiếc tay chi tiền để có những trải nghiệm. Chỉ một bãi biển Patong thôi mà người Thái có thể mở rộng cả một khu phố du lịch trải dài vài km với rất nhiều những loại hình dịch vụ du lịch khác nhau.
Đấy là Phuket, còn Maldives – xứ đảo mà cả thế giới ngưỡng mộ gọi là thiên đường hạ giới thì sao? 40 năm trước, Maldives từng bị đánh giá không có tiềm năng du lịch, khi không có ngân hàng, sân bay, không nước ngọt, không điện. Nhưng sau cuộc gặp gỡ lịch sử của nhà thám hiểm người Ý - George Corbin và người đàn ông Maldives - Ahmed Naseem, Maldives đã “biến hình” trở thành hòn đảo của những gì xa hoa nhất.
Họ bắt đầu đầu tư, xây dựng, nâng cấp “đảo hoang”. Những năm 1990, cuộc cách mạng đầu tiên làm thay đổi ngành công nghiệp du lịch tại Maldives chính là các bungalow được xây dựng trên mặt nước. Sau đó những resort 4 - 5 sao mọc lên.
Những hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt, hệ thống xử lý chất thải hình thành. Nhà hàng dưới lòng đại dương được xây dựng. Trên tổng số 200 đảo có người sinh sống của Maldives, 99 đảo là resort.
Mỗi năm Maldives thu hút khoảng 750.000 du khách, hơn gấp đôi dân số trên đảo. Đừng vội xem thường con số này khi bạn chưa “search” giá một đêm nghỉ tại resort hạng sang ở Maldives là bao nhiêu. Trung bình năm, ngành du lịch Maldives đóng góp khoảng hơn 28% cho GDP.
Niềm tin từ sự “vượt vũ môn” của Cát Bà
Có lẽ không nên so sánh sự phát triển của những hòn đảo thiên đường kia với Phú Quốc hay Cát Bà của Việt Nam. Cũng không nên lấy làm buồn mãi khi du lịch Việt Nam thua xa cả Lào (7 triệu dân đón gần 4 triệu khách) và Campuchia (15 triệu dân đón 5,6 triệu khách).
Hãy nhìn vào những sự thay đổi của các vùng đất giàu tiềm năng du lịch của chúng ta, như Cát Bà chẳng hạn, và củng cố niềm tin rằng, một ngày nào đó, du lịch của chúng ta sẽ “đi bằng cả hai chân” như Thái Lan, nghĩa là tận dụng được lợi thế của tự nhiên và sáng tạo ra những sản phẩm mới độc đáo, hấp dẫn, đẳng cấp.
Cát Bà sẽ trở thành một đảo du lịch sinh thái thông minh, với quy hoạch bài bản của các chuyên gia WATG, nhà tư vấn thiết kế hàng đầu thế với hơn 6 thập kỷ làm việc tại 160 quốc gia ở khắp các châu lục.
Bản quy hoạch của WATG thể hiện một trách nhiệm cao với môi trường, với thiên nhiên Cát Bà khi hoạch định rõ 4 vùng giới hạn phát triển, gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt; Vùng đệm- khu vực phục hồi sinh thái; Vùng cần bảo vệ và Vùng có thể phát triển.
Hải Phòng đã thống nhất về chủ trương quy hoạch tổng thể đó, khi nhìn thấy rõ Cát Bà tương lai sẽ thoát khỏi sự phát triển manh mún, tự phát, mạnh ai nấy làm như hiện nay.
Hơn thế nữa, Cát Bà sẽ trở thành một điểm đến thông minh, thân thiện với môi trường đầu tiên của Việt Nam, thậm chí là ở châu Á, không sử dụng những phương tiện giao thông dùng xăng dầu. Thay vào đó là Hệ thống xe điện, các phương tiện công cộng dùng năng lượng mặt trời, điện …
Gần 17.000 dân đảo sẽ được sử dụng các phương tiện giao thông công cộng miễn phí. Đường điện sẽ được ngầm hóa, trường học, bệnh viện, chợ cá cũng sẽ được xây mới, quy hoạch lại.
Đặt sự phát triển trong lợi ích của cộng đồng, gắn bảo tồn thiên nhiên với phát triển những sản phẩm mới lạ, đẳng cấp khác biệt, tương lai của Cát Bà đang được hoạch định bài bản và có tầm, đưa quần đảo trở thành một điểm đến xứng tầm quốc tế.