Khách sạn sang “ngóng” kích cầu du lịch
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 18:47, 21/07/2015
“Duy trì chính sách cấp Visa có thời hạn đối với công dân một số nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam là điều không hợp lý”, ông Kenneth Atkinson, Giám đốc điều hành Grant Thornton tại Việt Nam phát biểu tại buổi công bố kết quả chương trình Khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2015 mới đây.
Công suất hạng sang giảm
Chi phí và lợi nhuận theo phần trăm doanh thu (Nguồn: Grant Thornton Việt Nam)
Trong khi nhiều nước trên thế giới ngày càng thông thoáng hơn trong việc miễn Visa nhập cảnh để cạnh tranh thu hút du khách quốc tế, hiện Việt Nam được đánh giá là vẫn khá “chặt” trong chính sách này.
“Chính sách Visa của Việt Nam không thể so sánh với Lào, Campuchia,... bởi chúng ta còn lạc hậu hơn nước bạn”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) ông Vũ Thế Bình nói. Hiện Lào đã miễn Visa cho 40 quốc gia, Campuchia miễn cho 19 nước, Singapore (158 nước), Thái Lan (55 nước)...trong khi Việt Nam mới miễn Visa cho 16 nước và từ ngày 1/7 có thêm công dân của Ý, Đức, Tây Ban Nha, Anh và Pháp được miễn Visa với thời hạn lưu trú không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Không chỉ có Visa, ngành du lịch trong nước vẫn còn vướng không ít rào cản khác. Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu ra tới 6 nỗi “sợ” chính đối với du khách quốc tế khi tới Việt Nam, trong đó, làm giá, chặt chém và chưa đảm bảo an toàn vệ sinh là 2 vấn đề nổi cộm nhất đã tồn tại trong thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp triệt để.
Điều này cũng lý giải vì sao Việt Nam luôn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua thu hút du khách với chỉ 7,8 triệu lượt trong năm 2014 so với 24,7 triệu của Thái Lan và 27,4 triệu của Malaysia. Trong nửa đầu năm nay, chỉ có khoảng 3 triệu lượt khách đến Việt Nam, giảm tới 11,3% so với cùng kỳ 2014. Chính tình trạng này đã tác động tiêu cực tới một số ngành gồm cả ngành dịch vụ lưu trú.
Kết quả chương trình Khảo sát Ngành dịch vụ Khách sạn năm 2015 tại Việt Nam do Grant Thornton thực hiện trên 60 khách sạn 4-5 sao trong cả nước cho thấy, RevPAR, một chỉ số chính của ngành để đo lường lợi nhuận và việc sử dụng phòng, đã giảm nhẹ 1,8%, từ 60,42 USD trong năm 2013 xuống còn 53,91 USD trong năm qua. Nguyên nhân dẫn đến việc giảm RevPAR là do sự sụt giảm 2% công suất thuê phòng bình quân.
Trong khi công suất phòng bình quân tại Hà Nội tăng 6,7% cho khách sạn 4-5 sao, thì tại TP.HCM, công suất phòng giảm 6,7% so với năm trước đó. Ông Kenneth Atkinson cho biết, công suất phòng tại Hà Nội tăng chủ yếu do việc mở rộng cơ sở hạ tầng (tăng công suất khai thác sân bay và thêm nhà ga mới). Còn tại TP.HCM, công suất phòng giảm mạnh do môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh khi có nhiều khách sạn mới được đưa vào khai thác.
“Thách thức lớn là ngày càng nhiều khách sạn tham gia vào thị trường, do đó áp lực đối với chúng tôi là làm sao giữ được những nhân viên giỏi vì hiện ngày càng khó tuyển được nhân viên có chứng chỉ du lịch mà đáp ứng được nhu cầu của khách sạn 5 sao,” ông Zayne Boon, Tổng Giám đốc Khách sạn Pullman Saigon Center chia sẻ.
Kết quả khảo sát của Grant Thornton còn nêu rõ, về doanh thu, chi phí và hiệu suất của phân khúc khách sạn hạng sang trong năm qua đều kém hơn, với chỉ số EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) trung bình là 34%, giảm 5,5% so với 2013. Chỉ số này bị giảm là do các thay đổi trong cơ cấu chi phí, cụ thể là do chi phí quản lý tăng 2,7% và chi phí hoạt động khác cũng tăng 1,9%.
Giải pháp
Giá phòng bình quân, công suất thuê phòng bình quân và RevPAR (2012 - 2014) RevPAR = Doanh thu trên mỗi phòng sẵn có (Nguồn: Grant Thornton Việt Nam)
Vị lãnh đạo Grant Thornton Việt Nam nhấn mạnh, ngoài chính sách kích cầu du lịch bằng giải pháp có thể tiến tới miễn Visa cho công dân các thị trường trọng điểm, ngành du lịch trong nước cần chú trọng tăng cường giải pháp tiếp thị kỹ thuật số. Kết quả chương trình Khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2015 cho thấy, hơn 60% các khách sạn 5 sao tham gia khảo sát đều đồng tình với giải pháp này.
Ngoài ra, các khách sạn 4-5 sao trong nước có thể nghiên cứu kết hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam triển khai việc thu thêm phụ phí ở mức khoảng 0,5 USD đối với mỗi khách lưu trú để bổ sung cho nguồn ngân sách tiếp thị du lịch hàng năm. Ông Kenneth Atkinson cho biết, Singapore đã triển khai thu 1 SGD mỗi du khách quốc tế với mục đích tương tự.
Trong năm nay, cộng đồng kinh tế chung ASEAN sẽ bắt đầu đi vào hoạt động. Đối với các chuyên gia và toàn thể ngành du lịch, Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về Nghề Du lịch (MRA-TP) sẽ tạo thuận lợi cho việc hợp tác để nâng cao năng lực du lịch, kỹ năng của ngành du lịch, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Có tới 85% khách sạn tham gia khảo sát của Grant Thornton nói rằng, họ biết về MRA-TP được ký kết giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác, trong đó đa số là từ các khách sạn 5 sao. Trong khi đó, 15% khách sạn không biết gì về MRA-TP đều là từ miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc của Việt Nam.
Mới đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đã làm việc với nhiều đối tác và các doanh nghiệp để hỗ trợ họ tìm ra các kênh kinh doanh mới nhằm kích cầu du lịch ngay trong năm nay. Mục tiêu của sự hợp tác là để mở rộng phạm vi và tác động của các chiến dịch quảng bá, tiếp thị của Việt Nam, củng cố và mở rộng thương hiệu Việt Nam và tạo ra nhiều hoạt động kinh doanh hơn cho tất cả các bên liên quan.
Tỉ lệ khách du lịch năm 2014 (Nguồn: Grant Thornton Việt Nam)
Đặc biệt, tiếp thị du lịch là một phần mới trong cuộc khảo sát khách sạn năm 2015 của Grant Thornton. Kết quả cho thấy, chỉ có 35% khách sạn tham gia khảo sát áp dụng thương hiệu quốc gia “Du lịch Việt Nam-Vẻ đẹp bất tận” để quảng bá thương hiệu và có đến 65% khách sạn trả lời rằng họ không sử dụng thương hiệu trên để quảng bá. Đáng chú ý, các khách sạn 4 sao có mức độ quan tâm ít hơn đến thương hiệu du lịch quốc gia so với các khách sạn 5 sao. Theo đó, hiện chỉ có khoảng 20% số khách sạn 4 sao trong cả nước từng sử dụng thương hiệu quốc gia để quảng bá và tiếp thị nhằm thu hút du khách nội địa lẫn quốc tế.