Trở lại vấn đề báo nêu: “Nam Việt triệu tổ” - hiểu sao cho đúng?

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 21:00, 19/07/2013

Báo Công lý đã đăng bài “Đền Thượng - Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ): “Nam Việt triệu tổ” - hiểu sao cho đúng?”, bài báo đã được một số báo mạng đăng lại, trong đó có Infonet.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như đông đảo bạn đọc quan tâm.

Vì vậy, Báo Công lý đã có công văn chuyển nội dung bài báo đến một số cơ quan chức năng để có được thông tin đầy đủ, khách quan và khoa học về vấn đề liên quan đến di tích quan trọng, gắn liền với niềm tự hào và đại đoàn kết dân tộc này.

 

Trở lại vấn đề báo nêu: “Nam Việt triệu tổ” - hiểu sao cho đúng?

Nghi môn đền Thượng với bốn chữ “Nam Việt triệu tổ”   Ảnh: Bảo Thư

 

Ngày 2/7/2013 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội khóa XIII có Công văn số 807/UBVHGDTTN13 do Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến ký, gửi đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh. Công văn có đoạn viết: “Sau khi bài báo có tựa đề “Đền Thượng - Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ): “Nam Việt triệu tổ” - hiểu sao cho đúng?” được đăng trên Báo Công lý, nhiều bạn đọc quan tâm, mong được minh định những băn khoăn, thắc mắc mà bài báo đặt ra.

 

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban VHGDTNTN&NĐ trân trọng chuyển đề nghị của Báo Công lý tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về di sản văn hóa để nghiên cứu, trả lời Báo Công lý và thông báo kết quả cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội” .

 

Báo Công lý trân trọng cảm ơn Ủy ban VHGDTNTN&NĐ đã quan tâm sâu sát đến vấn đề báo nêu.

 

Dưới đây là ý kiến của một số bạn đọc về vấn đề trên.

 

Nên viết lại thành "Việt Nam triệu tổ" 

 

“Nam Việt triệu tổ - hiểu sao cho đúng ?” là một bài đặt vấn đề hay của tác giả Bảo Thư. Để giải quyết vấn đề bài báo đặt ra, trước tiên là cần phải xác định được thời gian xây đền Thượng và bốn chữ “Nam Việt triệu tổ”, có chính xác là ngôi đền được xây vào thời nhà Nguyễn, và đúng là bốn chữ  này được viết từ khi xây đền không?

 

Về ý nghĩa của bốn chữ Hán này thì có hai cách hiểu:

 

1/ “Triệu tổ” có nghĩa là Tổ đầu tiên, Tổ bắt đầu. Nam Việt là tên nước, lịch sử nước ta chỉ có một quốc hiệu Nam Việt thời Triệu Đà mà sách sử đã chép và tác giả có dẫn chứng. Nếu hiểu theo nghĩa này thì câu trên là "Tổ bắt đầu của nước Nam Việt" (mà tổ của Nam Việt đương  nhiên là Triệu Đà).

 

2/ Nam Việt là "người Việt ở phương Nam", phương Nam là phía Nam Trung Hoa. Nếu hiểu theo nghĩa này có điều gì đó lấn cấn, tại sao lại phải tự nhận là người Việt ở phương Nam? Có nghĩa là lấy Trung Hoa làm chuẩn, trong khi thời nhà Nguyễn nước ta đã có chủ quyền, bằng chứng là vua quan nhà Nguyễn đã ký hòa ước với người Pháp.

 

Hai cách hiểu trên đây đều không ổn. Nước Nam Việt là do Triệu Đà lập, ít nhiều ông ta cũng là người Hán, trong khi thời Nguyễn ngay từ vua Gia Long lên ngôi nước Việt đã có tên là Việt Nam, tại sao thờ Vua Hùng mà nhà Nguyễn không đặt "Việt Nam Triệu Tổ" - Tổ đầu tiên của nước Việt Nam, như thế có lẽ chính xác và hợp lý hơn?

 

Nếu không tìm được tài liệu lịch sử nào ghi rõ ràng, chính xác chữ "Nam Việt", tôi thiết nghĩ nên đổi lại vị trí hai chữ thành "Việt Nam triệu tổ" cho có ý nghĩa hơn.

 

Phạm Ngọc Hiệp (16/4 Kỳ Đồng, Quận 3, TP Hồ Chí Minh)   

 

Nam Việt là quốc hiệu thời Triệu Đà nên cần thay đổi

 

Báo Công lý đã phát hiện và đưa ra công luận một vấn đề rất hay mà lâu nay các cơ quan chức năng (quản lý và nghiên cứu) không nhìn thấy. Rõ ràng ở đền thờ các vua Hùng mà đề “Nam Việt triệu tổ “ là không phù hợp.

 

Như chúng ta đã biết, năm 208 TCN,  Thục Phán – thủ lĩnh của người Âu Việt ở miền núi, sau khi kháng chiến chống nhà Tần thắng lợi, đã thống nhất các tộc người Âu Lạc, Lạc Việt, lập nên nhà nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, thay thế nhà nước Văn Lang của các vua Hùng, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Cổ Loa là một trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng của nước ta thời đó.

 

Năm 207 TCN, Triệu Đà nhân lúc nhà Tần suy yếu và sụp đổ, đã nổi lên chiếm giữ ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận lập ra nước Nam Việt, xưng là Nam Việt Vũ Vương và dùng nhiều âm mưu thủ đoạn để thôn tính nước Âu Lạc ở phía Nam... Sau nhiều lần đem quân đánh chiếm Âu Lạc không thành, Triệu Đà lập kế xin giảng hòa, cầu hôn con gái An Dương Vương là Mỵ Châu cho con trai mình là Trọng Thủy, rồi cho Trọng Thủy sang ở rể, để đánh cắp các bí mật quân sự và chia rẽ nội bộ nước Âu Lạc... 

 

Năm 179 TCN, triều đình Âu Lạc mất cảnh giác, bị Triệu Đà mang quân sang đánh chiếm, An Dương Vương phải tự tử. Nước Âu lạc bị thôn tính,  sáp nhập vào nước Nam Việt của Triệu Đà, bị lệ thuộc và chia làm hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân – tức Bắc Bộ và Trung Bộ hiện nay...

 

Như vậy, Nam Việt là quốc hiệu của Triệu Đà, mà Âu Lạc bị sáp nhập vào, không phải là quốc hiệu của ta. Vì thế vấn đề bài báo đặt ra rất cần được xử lý một cách khoa học, phù hợp với lịch sử cũng như với lòng tự tôn dân tộc.

 

Là một người con của đất Tổ Phú Thọ, tôi mong rằng, bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” ở nghi môn đền Thượng được sửa đổi, kể cả trường hợp được làm từ lúc xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, chứ chưa nói đến có sự nhầm lẫn. “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”  nên lịch sử thì phải chân thực. Nếu cứ để như vậy thì con cháu cứ u u minh minh mãi không khi nào hết. Hậu duệ của các Vua Hùng cần minh bạch, rõ ràng... để tỏ rõ tinh thần tự hào dân tộc và tri ân tiên tổ, tiền nhân. 

 

Ths. Lê Duy Hảo (Xã Đào Xá, Phong Châu, Phú Thọ)                                   

 

Một vấn đề rất lý thú và mang tính khoa học

 

Bài viết của tác giả Bảo Thư đã nêu lên một vấn đề rất lý thú và mang tính khoa học. Qua cách trình bày về vấn đề Quốc hiệu cùng những sự kiện lịch sử có liên quan có thể thấy tác giả là người tâm huyết và am hiểu về lịch sử Việt Nam. 

 

Với sự tinh tường và nhạy bén tác giả đã đặt ra những nghi vấn, thắc mắc rất hay về bốn chữ Hán “Nam Việt triệu tổ” trên Nghi môn ở đền Thượng trong khu di tích Đền Hùng. Nếu hiểu “Nam Việt triệu tổ” là “tổ muôn đời của nước Nam” (theo tác giả nói đây là cách giải thích BQL di tích) chắc chắn là không đúng. Nếu dịch “Nam Việt triệu tổ” là “Tổ muôn đời của nước Nam Việt” (theo cách dịch chữ Hán thông thường) thì lại càng không ổn. “Triệu tổ” là vị tổ khởi đầu, vấn đề đáng chú ý là hai chữ “Nam Việt”.

 

Nam Việt là quốc hiệu thời Triệu Đà, điều này không thể phủ nhận trong các sách sử Việt Nam và Trung Quốc. Tôi đồng ý với cách suy luận của tác giả. Triệu Đà là người Hán, đã thành lập nên nước Nam Việt vào năm 207 TCN rồi đánh bại An Dương Vương, chiếm nước Âu Lạc vào năm 179 TCN, sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt. Triệu Đà sau này cũng ra mặt chống lại triều đình nhà Hán nhưng cũng chỉ mang ý cát cứ mà thôi.  

 

Trong lịch sử Việt Nam cũng có thời kỳ người ta xếp Kỷ nhà Triệu (thời kỳ Triệu Đà trị vì) vào phần ngoại kỷ (Ngô Sĩ Liên trong sách Đại Việt sử ký toàn thư ). Việc Nguyễn Trãi cho nhà Triệu là một triều đại trong “Bình Ngô đại cáo” như tác giả viết trong bài báo cũng là sự thật. Như vậy vấn đề nhà Triệu và Triệu Đà có thể vẫn cần phải nghiên cứu thêm, nhưng theo quan điểm nghiên cứu KHXH nói chung và Sử học nói riêng hiện nay thì thời kỳ nước Nam Việt của Triệu Đà là thời kỳ người Việt bị thống trị. Tuy nhiên, dù quan điểm về nhà Triệu và Triệu Đà thế nào thì cũng không liên quan đến Đền Hùng, nơi thờ các Vua Hùng, quốc tổ của Việt Nam.

 

Trở lại với những dòng chữ Hán trên bức Nghi môn ở đền Thượng ta thấy đền Thượng được xây dựng từ thời Nguyễn, và đã qua vài lần trùng tu, nên việc khảo lại những nét chữ mờ hoặc đắp nổi hay ảnh tư liệu chắc không khó. Tác giả có nhắc đến việc sau khi lên ngôi (tháng 10 năm Nhâm Tuất 1802) Vua Gia Long đã cho sứ thần sang nhà Thanh xin đặt Quốc hiệu là Nam Việt. Sự kiện này được ghi lại trong các sách sử nhà Nguyễn, chúng tôi sẽ bàn đến vào một dịp khác. Tôi thấy tác giả khi ngẫm nghĩ, suy luận đã rất tỉnh táo khi phán đoán rằng : “Có thể khi xây dựng đền Hùng nhà Nguyễn đã dùng chữ Nam Việt để nhắc lại ý định của Vua Gia Long ngày trước”.

 

Tóm lại, theo ý kiến riêng của tôi, trong quá trình trùng tu, nâng cấp khu di tích đền Hùng, nơi được coi là chốn Tổ linh thiêng của cả dân tộc, nhà nước đã đổ tiền đầu tư khá nhiều, những nhà quản lý văn hóa nên có một chiến lược đầu tư thích đáng và khoa học. Trong vô vàn công việc cần thiết, chúng tôi cho rằng cần rà soát lại toàn bộ các di vật, bảng hiệu, câu đối, hoành phi, tế khí  vv… để xem cái gì có giá trị về mặt văn hóa và tâm linh phù hợp với mục đích biểu dương lòng yêu nước, hướng về cội nguồn, đoàn kết dân tộc… thì giữ lại, cái gì không phù hợp thì sửa đổi, loại bỏ (tránh lặp lại hiện vật như “hòn đá lạ” mà báo chí đã nhắc tới rất nhiều, tồn tại nhiều năm mà không ai biết, không ai chịu trách nhiệm). Hàng chữ “Nam Việt triệu tổ” cũng cần phải được nghiên cứu cho thỏa đáng, để tìm ra cách xử lý phù hợp, xứng đáng với vị trí đặc biệt quan trọng của Đền Hùng. 

 

TS Trương Thị Yến (Viện Sử học) 

 

BTK