Thông qua Tờ trình về Bộ máy giúp việc của TANDTC
Chính trị - Ngày đăng : 23:14, 14/05/2015
100% các đại biểu đã biểu quyết thông qua các Tờ trình của TANDTC về các nội dung trên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp
Tinh gọn bộ máy giúp việc của TANDTC
Tại phiên họp, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã trình bày Tờ trình tóm tắt về các Dự thảo Nghị quyết nêu trên. Theo đó, việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết về tổ chức bộ máy giúp việc của TANDTC được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu, rà soát lại bộ máy giúp việc của TANDTC hiện có; đánh giá kết quả công tác từng đơn vị trong hơn 10 năm qua; xem xét dự báo khả năng, điều kiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp... Đồng thời, đã tổ chức triển khai lấy ý kiến các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC; ý kiến của Chính phủ, các Bộ, ngành; Ủy ban Tư pháp...
Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của TANDTC, cơ cấu lãnh đạo giữ nguyên như hiện nay, gồm: Chánh án TANDTC; 5 Phó Chánh TANDTC trong đó 1 Phó Chánh án TANDTC kiêm Chánh án TAQSTW. Còn bộ máy giúp việc được quy định theo hướng tinh gọn, đồng thời bảo đảm phân định rõ các chức năng, nhiệm vụ trong bộ máy giúp việc, để bảo đảm giúp Chánh án TANDTC tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của TANDTC theo quy định.
Theo đó, bộ máy giúp việc của TANDTC dự kiến có 15 đơn vị cấp Vụ, cơ bản kế thừa các đơn vị chức năng như hiện nay nhưng có điều chỉnh về tên gọi cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị và lập thêm một số đơn vị mới, trên cơ sở điều chỉnh lại nhiệm vụ của một số đơn vị hiện nay. Bộ máy giúp việc được được chia làm 3 khối: Khối các đơn vị giúp việc về chuyên môn; khối hành chính, tư pháp và khối đơn vị sự nghiệp.
Theo Tờ trình, TANDTC đề nghị thành lập mới 3 Vụ giám đốc kiểm tra (Vụ giám đốc kiểm tra về hình sự, hành chính (Vụ I); Vụ giám đốc kiểm tra về dân sự và kinh doanh thương mại (Vụ II) và Vụ giám đốc kiểm tra về lao động, gia đình và người chưa thành niên (Vụ III). Các đơn vị này có nhiệm vụ chủ yếu giúp TANDTC trong công tác xét xử, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, kiểm tra công tác xét xử của TAND các cấp là kế thừa chức năng, nhiệm vụ của Ban Thư ký, các Tòa chuyên trách của TANDTC hiện nay.
Các đơn vị giúp việc về hành chính tư pháp, đổi tên 5 đơn vị để bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014; tinh giản bộ máy. Cụ thể, Văn phòng Tổng hợp được đổi tên từ Vụ Thống kê - Tổng hợp TANDTC hiện nay; Cục Quản trị được đổi tên từ Văn phòng TANDTC hiện nay (tại TANDTC sẽ không còn Văn phòng); Vụ Công tác phía Nam được đổi tên từ Cơ quan Thường trực TANDTC tại phía Nam trước đây; Cục Tài chính - Kế hoạch được đổi tên từ Vụ Kế hoạch - Tài chính TANDTC hiện nay và Viện Khoa học Tòa án được đổi tên từ Viện Khoa học xét xử TANDTC hiện nay.
Tờ trình của TANDTC cũng đề nghị giữ nguyên tên gọi nhưng điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ đối với 6 đơn vị, cụ thể như sau: Vụ Tổ chức - Cán bộ; Ban Thanh tra; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Thi đua - Khen thưởng; Tạp chí TAND (đơn vị sự nghiệp); Báo Công lý (đơn vị sự nghiệp). Lãnh đạo các đơn vị cấp Vụ (15 đơn vị) thuộc TANDTC có Vụ trưởng, không quá 3 Phó Vụ trưởng và tương đương.
Thông qua việc thành lập mới 3 Vụ giám đốc kiểm tra
Thẩm tra về Bộ máy giúp việc của TANDTC, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc của TANDTC gồm có các đơn vị giúp việc về chuyên môn, các đơn vị giúp việc về hành chính, tư pháp và các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc quy định như vậy là có cơ sở khoa học và phù hợp với nhiệm vụ mới của TANDTC, bảo đảm tinh gọn, phân định rõ các chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị trong bộ máy giúp việc.
Các ý kiến cũng tán thành việc thành lập các Vụ Giám đốc - kiểm tra để thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong công tác xét xử, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, kiểm tra công tác xét xử của TAND các cấp. Các đơn vị này kế thừa chức năng, nhiệm vụ của Ban Thư ký và một phần nhiệm vụ của 5 Tòa chuyên trách của TANDTC hiện nay; đồng thời được bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ mới, đã bảo đảm được yêu cầu thu gọn đầu mối, tổ chức tinh gọn, phù hợp với nhiệm vụ mới của TANDTC.
Ủy ban Tư pháp cũng đồng tình với Tờ trình của TANDTC về đề nghị thành lập Vụ Pháp luật trên cơ sở tách phần nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Viện Khoa học xét xử hiện nay (thành Viện Khoa học Tòa án), nhằm tập trung đầu mối, tăng chuyên môn hóa công tác xây dựng pháp luật, đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của TANDTC, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị giữ nguyên Ban Thanh tra như hiện nay.
Đối với Vụ Công tác phía Nam được đổi tên từ Cơ quan Thường trực TANDTC tại phía Nam trước đây, Ủy ban Tư pháp cho rằng, chỉ nên thành lập Văn phòng II của TANDTC tại phía Nam hoặc có thể thành lập Vụ Công tác phía Nam cho đúng với vị trí là đơn vị tham mưu, giúp việc.
Cùng với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc TANDTC (Viện Khoa học xét xử, Báo Công lý, Tạp chí TAND), TANDTC đề xuất thành lập Viện Khoa học Tòa án trên cơ sở kế thừa chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Viện Khoa học xét xử hiện nay để thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học về Tòa án; Tạp chí Tòa án và Báo Công lý giữ nguyên như hiện nay. Hai đơn vị này có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại TP. Hà Nội, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với Tờ trình của TANDTC đổi tên Viện Khoa học xét xử TANDTC thành Viện Khoa học Tòa án để tập trung làm tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về Tòa án (sau khi đã tách chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp Chánh án TANDTC thực hiện công tác xây dựng pháp luật chuyển cho Vụ Pháp luật). Viện Khoa học Tòa án hoạt động theo Luật Khoa học - Công nghệ và Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Về biên chế của các đơn vị trong Bộ máy giúp việc của TANDTC, theo Tờ trình, TANDTC đã xác định số lượng cán bộ, công chức cụ thể cho từng đơn vị trong Bộ máy giúp việc.
Ủy ban Tư pháp nhận thấy, theo quy định tại khoản 2 Điều 95 của Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì biên chế của các đơn vị trong Bộ máy giúp việc của TANDTC có liên quan đến tổng biên chế của các TAND do UBTVQH quyết định theo đề nghị của Chánh án TANDTC, sau khi có ý kiến của Chính phủ. Do UBTVQH chưa quyết định tổng biên chế của các TAND, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị nên Ủy ban Tư pháp đề nghị: Trước mắt, căn cứ vào tổng số biên chế hiện có của TANDTC đã được UBTVQH quyết định theo Nghị quyết số 473a/NQ-UBTVQH13 ngày 28/3/2012, trên cơ sở tính toán số cán bộ, công chức đã bố trí cho các đơn vị trong bộ máy giúp việc hiện tại, cũng như số cán bộ, công chức sẽ điều chuyển về công tác tại các TAND cấp cao, Chánh án TANDTC sẽ quyết định phân bổ biên chế cho từng đơn vị cho phù hợp.
Giải trình thêm về việc điều chỉnh tên gọi và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: Cơ cấu tổ chức bộ máy TAND hiện nay có sự kế thừa. Hiện nay có Vụ Thống kê - Tổng hợp và Văn phòng TANDTC nhưng tên gọi không phản ánh đúng thực chất nội dung công việc của hai đơn vị này. Vì vậy, việc đề nghị đổi tên là có cơ sở thực tế. Việc tách Viện Khoa học xét xử cũng vậy, thực tế trong Viện có 2 bộ phận làm 2 nhiệm vụ nên đề nghị tách ra thành Vụ Pháp luật và Viện Khoa học Tòa án cho phù hợp với công việc chuyên môn.
Về vấn đề này, các ý kiến trong UBTVQH đề nghị giữ nguyên Văn phòng TANDTC và Vụ Thống kê - Tổng hợp như hiện tại. Đồng thời, cần thiết thành lập 3 Vụ giám đốc kiểm tra (như đề xuất của TANDTC). Còn về số lượng cấp Phó của TANDTC, cần thực hiện theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã kết luận các vấn đề mà các đại biểu thảo luận, đồng thời nhận định: Thực tế do Luật Tổ chức TAND, chức năng nhiệm vụ của TANDTC thay đổi, các nhiệm vụ của TANDTC và Tòa chuyên trách hiện nay dồn xuống cho TAND cấp cao, bộ máy giúp việc này giảm nên TANDTC đề nghị thành lập 3 đơn vị (Vụ giám đốc kiểm tra I, II và III). Vụ III là Vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới theo Luật Tổ chức TAND về việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên. Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến trong UBTVQH đồng ý thành lập 3 Vụ này.
Về thành lập Vụ Pháp luật, các ý kiến cũng thống nhất nghiên cứu, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Khoa học xét xử hiện nay để tính toán cho phù hợp. Trên cơ sở đó, thành lập Vụ Pháp chế quản lý công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng các đề tài... riêng mảng công chức, đơn vị sự nghiệp công chuyển sang Học viện Tòa án làm công tác nghiên cứu các ứng dụng, chuyên sâu của ngành. Còn các Tòa chuyên trách, các đơn vị của TANDTC vẫn có thể tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học của TAND.
Về thanh tra Tòa án, vẫn giữ nguyên Ban Thanh tra ở TANDTC làm nhiệm vụ thanh tra toàn hệ thống chứ không thành lập Ban Thanh tra ở TAND cấp cao. Về Cơ quan Thường trực của TANDTC tại phía Nam, UBTVQH tán thành việc thành lập Vụ Công tác phía Nam.
Các ý kiến tán thành giữ nguyên Văn phòng TANDTC và Vụ Thống kê - Tổng hợp như hiện nay, nhưng đề nghị TANDTC khi thành lập các đơn vị này phải nghiên cứu, điều chỉnh lại nhiệm vụ, quyền hạn, chức năng của Văn phòng TANDTC cho phù hợp. Giữ nguyên Vụ Thi đua - Khen thưởng, Báo Công lý và Tạp chí TAND.
Sau phần kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, 100% các đại biểu đã biểu quyết thông qua Tờ trình của TANDTC về các nội dung trên. Về số lượng cấp Phó trong cơ cấu lãnh đạo TANDTC, UBTVQH biểu quyết thông qua số lượng 5 Phó Chánh án TANDTC, trong đó có Chánh án TAQSTW, đồng thời là Phó Chánh án TANDTC.