Yên Hồ - Miền đất học

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 15:54, 01/02/2013

Xã Yên Hồ (Đức Thọ-Hà Tĩnh) đời Trần gọi là Bà Hồ, sang đời Lê gọi là Bình Hồ. Đời Tây Sơn (1789) để tránh tên húy của Quang Trung, nên đổi Bình Hồ thành Yên Hồ.

Quê hương của nhiều tiến sĩ

Một thầy địa lí người Trung Quốc cho rằng Yên Hồ có thế đất Điểu linh (Con chim linh thiêng) hai cánh là hai làng Nội Diên và Yên Phúc, Diên Vượng là cái đầu đang uống nước sông La. Con sông La trong xanh vòng quanh nối với sông Minh thơ mộng, ôm hai làng Nội Diên và Yên Phúc phía trong, cùng xóm Đồng Dâu phía ngoài lại tạo nên thế chữ “Tâm”, đây là cái thế bền vững muôn đời.

 

Đất đai do phù sa hai con sông này bồi đắp nên nông nghiệp Yên Hồ ngày càng phát triển, làng xóm trù phú, cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc. Cùng với nghề nông, Yên Hồ xưa còn là làng rèn lâu đời, nổi tiếng với nghề dệt vải, trồng dâu, nuôi tằm. Do nghề nghiệp, con gái Yên Hồ đươc ca tụng rất nhiều về sự đoan trang, chung thuỷ, xinh đẹp bằng các câu như “Muốn ăn xôi nếp đỗ chà - Muốn xem gái đẹp thì ra Yên Hồ”, hoặc “Trai Đông Thái, gái Yên Hồ”. 

 

Yên Hồ - Miền đất học

Nhà thờ Nguyễn Biểu

 

Từ lối cây đa xóm Phúc tiến đi ra, nằm giữa vùng Đồng ràng là Dăm Bút và Dăm Nghiên. Dăm Ngòi Bút dài 90m hai đầu nhọn hình bút lông, ở giữa phình ra rộng 6m. Phía trước là Dăm Nghiên hình tròn, cao so xung quanh 1m, hình lòng chảo. Khi trời mưa, nước đọng ở giữa trông như cái nghiên mực. Cùng với sự tích ruộng tiền đò, đây là biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người dân Yên Hồ, nơi học hành thi cử đỗ đạt bậc nhất nam Châu Hoan xưa.   

 

Yên Hồ có Đào Tiêu đậu Trạng nguyên năm Ất Hợi (1275) đời Trần Thánh Tông và Đoàn Xuân Lôi đậu Khôi nguyên năm Giáp Tý (1384), đời Trần Phế Đế. Tiếp đến có Nguyễn Biểu đậu Thái học sinh vào cuối thế kỷ XIV. Thời Lê - Nguyễn, Yên Hồ lại có nhiều người đậu đại khoa tiến sỹ như Nguyễn Tắc Trung, Phạm Nại, tiến sỹ Nguyễn Phong; tiến sỹ Nguyễn Doãn Huy, tiến sỹ Lê Đắc Toàn.

 

Thời tân học, Yên Hồ cũng có nhiều người đi học sớm và nhiều người thành đạt, trong đó có các giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), Hoàng Xuân Nhị (1914-1990), Hoàng Xuân Chinh, Võ Quý, Trần Văn Bính, Trần Đức Thiệp, Trần Đức Lịch, Nguyễn Văn Đính, Hoàng Quốc Kỷ, Võ Thanh Sơn… là những trí thức tiêu biểu.  Thế hệ trẻ Yên Hồ cũng nối tiếp được truyền thống cha anh đi trước với những thành tích đáng nể với số lượng trên 80 giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Đây thực sự là miền đất học.

 

Vùng đất lịch sử

 

Yên Hồ từng là nơi vua Trùng Quang lên ngôi xây dựng kinh đô Bình Hồ chống giặc Minh xâm lược, tính đến nay là 600 năm (1409-2009). Ngoài đền, chùa ở đây còn có nhiều dấu tích về cuộc kháng chiến của vua Trùng Quang đời Hậu Trần với luỹ đất, các dấu tích địa danh như: Làng Dài, Cồn Án, Bến Xưởng, Cồn Kho, Dăm Đồng Ràng, Dăm Sát, ghi dấu một thời bi hùng của dân tộc. Trong thời kì kháng chiến chống thực dân, Yên Hồ là nơi đóng quân của nhiều đơn vị chiến đấu, là kho chứa nhiều vũ khí, quân nhu quan trọng góp phần làm nên chiến thắng của quân dân ta.

 

Về với vùng đất lịch sử này thì không thể không ghé qua nhà thờ Nguyễn Biểu (được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2001). Đền được tu sửa nhỏ nhiều lần. Năm 2011 được Nhà nước cho đại trùng tu với kinh phí khoảng 7,5 tỷ VND. 

 

Nguyễn Biểu (?-1413) làm quan vào đời Hậu Trần, quê ở làng Bình Hồ. Ông đỗ Thái học sinh cuối thời Trần (có người cho rằng đỗ cùng khoa với Nguyễn Trãi - 1400), làm quan đến chức Điện tiền Thái sử (Ngự sử). Năm 1413, quân Minh đánh vào Nghệ An, vua Trùng Quang chạy vào Hóa Châu, sai ông đi sứ giảng hòa, gặp Trương Phụ cầu phong, cốt thực hiện kế hoạch hoãn binh, kéo dài thời gian cho Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị xây dựng lực lượng. Tướng Minh khi đó là Trương Phụ đóng quân ở Núi Thành, đã rất khinh bạc tiếp ông và truyền dọn ra một mâm cỗ đầu người ép Nguyễn Biểu phải ăn để thị oai. Nguyễn Biểu đã ung dung ngồi vào mâm, nói rằng: "Mấy thuở được ăn thịt người phương Bắc", nói đoạn, lấy đũa khoét đôi mắt, chấm muối ăn. Vừa ăn, vừa ngâm bài thơ Cỗ đầu người khiến Trương Phụ cũng phải kính phục, toan tha cho ông về.

 

Hàng tướng là Phan Liêu lúc ấy ton hót với Phụ rằng Nguyễn Biểu nói: "Năng sảm nhân đầu, năng sảm Phụ" (có khả năng nuốt được cỗ đầu người, tất cũng có khả năng nuốt tươi được Trương Phụ). Trương Phụ giận lắm, đưa câu ấy ra bắt ông phải đối lại. Đối được mới cho về, không đối được thì chém. Nguyễn Biểu ung dung đối lại rằng: "Hựu tồn ngô thiệt, hựu tồn Trần" (còn ba tấc lưỡi của ta, nhà Trần vẫn còn). Trương Phụ giận lắm, đổi ý không tha nữa, lại sai cắt lưỡi của ông. Kế đó, Phụ sai trói ông vào chân cầu, để cho nước thủy triều lên cao dìm chết. Tương truyền ở dưới chân cầu ông dùng móng tay vạch vào thân cầu bảy chữ: "Thất nguyệt, nhất nhật Nguyễn Biểu tử" (Nguyễn Biểu tử tiết ngày 01 tháng 7).

 

Nhân dân miền Nghệ An - Hà Tĩnh lập miếu thờ, suy tôn ông là Nghĩa vương. Các triều đại sau cũng đều truy phong ông làm Phúc thần.

 

Vua Lê Thái Tổ sau khi chiến thắng quân Minh đã cho lập đền thờ ông ở Nội Diên, phong là Nghĩa Liệt Hiển ứng Uy linh Trợ thuận đại vương, tức Nghĩa sỹ Đại Vương. Vua Lê Thánh Tông sai lập miếu thờ Nghĩa sĩ ở Bình Hồ. Đến cuối thế kỷ 18 đền bị cháy, sau cơn binh lửa vua Gia Long lại có sắc phong, năm Kỷ Tị (1869) nhân dân trùng tu lại đền.  Ngày 1/7 âm lịch hàng năm chính quyền, ngành văn hóa, dòng tộc và nhân dân làm lễ tưởng niệm, rước kiệu.

 

Về với Yên Hồ, ta càng thấy sự đổi mới của một miền đất hứa - nơi có những con người chân chất, thật thà gắn với dòng La xanh thẳm để rồi đâu đó còn văng vẳng câu thơ: “Đất Yên Hồ cảnh thú vui thay! Vốn xưa thiên địa đắp xây vun trồng”.

 

S.H