Mắc liên cầu khuẩn lợn dù không ăn tiết canh

Sức khỏe - Ngày đăng : 00:21, 14/03/2023

Người đàn ông 51 tuổi không ăn lòng, tiết canh hay tham gia giết mổ lợn nhưng 2 tuần trước bỗng sốt cao, đau đầu. Các bác sĩ chẩn đoán ông nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Ngày 13/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc liên cầu lợn. Đây là ca nhiễm liên cầu lợn thứ 2 từ đầu năm tới nay.

Cụ thể, bệnh nhân là nam (51 tuổi, ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) có biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, tự điều trị tại nhà không đỡ. Sau 4 ngày, tình trạng đau đầu của bệnh nhân nặng lên kèm theo ý thức lơ mơ, kích thích.

Mắc liên cầu khuẩn lợn dù không ăn tiết canh

Biểu hiện bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Bệnh nhân được người nhà đưa vào điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 và có kết quả dương tính với vi khuẩn Streptococcus suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn). Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Đáng lưu ý, khai thác tiền sử bệnh nhân cho thấy ông không ăn lòng lợn, tiết canh cũng như giết mổ lợn trước đó.

Trường hợp mắc liên cầu khuẩn trước đó ở Hà Nội là người đàn ông ở quận Hà Đông, làm nghề bán tiết canh lòng lợn. Ông xác định nhiễm bệnh hồi tháng 2. Năm 2022, Hà Nội ghi nhận 4 ca, trong khi năm 2021 chỉ có 1 ca. 

Ngoài Hà Nội, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) hôm 8/3 cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận một số trường hợp mắc liên cầu khuẩn tại một số địa phương khác.

Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Hầu hết các ca bệnh liên cầu khuẩn lợn đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, nem chua… Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân là do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn tái sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.

Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Vì thế, để phòng bệnh, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay, nên đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống; rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.

Mắc liên cầu lợn, bệnh nhân có thể gặp biểu hiện, bệnh cảnh viêm màng não như: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá: sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiệu của viêm màng não.

Trường hợp nặng, bệnh nhân bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.

Chí Tâm