Cứu hộ và nuôi dưỡng các loài rùa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Đời sống - Ngày đăng : 22:15, 13/03/2023

Các Kiểm lâm viên thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên đã phát hiện được nhiều loài rùa đã có tên trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo tồn, đồng thời đã tiến hành 7 đợt điều tra thực địa trên 28 tuyến với tổng chiều dài hơn 184 km, đặt 59 bẫy ảnh trong khu vực nghiên cứu.

Theo số liệu của  Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa), trong 3 năm triển khai dự án “Điều tra bảo tồn, cứu hộ và nuôi dưỡng các loài rùa (giai đoạn 2020-2023), các kiểm lâm viên thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn đã phát hiện nhiều loài đã có tên trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo tồn.

Cứu hộ và nuôi dưỡng các loài rùa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Rùa Hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons) có mai màu nâu hoặc màu hạt dẻ, chính giữa lưng có một vệt dài, mảnh màu vàng.

Cụ thể như 4 cá thể rùa Hộp trán vàng miền Bắc, 2 cá thể rùa đầu to, 2 cá thể rùa núi viền và các loài rùa đất Speng lơ, rùa Sa nhân, rùa Bốn mắt, a ba trơn mỗi loài phát hiện được 1 cá thể.

Cũng trong 3 năm triển khai dự án, Ban Quản lý đã tiến hành 7 đợt điều tra thực địa trên 28 tuyến với tổng chiều dài hơn 184 km, đặt 59 bẫy ảnh trong khu vực nghiên cứu. Đơn vị in 200 cuốn tài liệu cấp phát cho người dân thuộc 5 xã, 6 trường học trên địa bàn; tổ chức 5 buổi tập huấn nâng cao nhận thức cho chính quyền địa phương với 230 người tham dự về bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn các loài Rùa nói riêng.

Đồng thời tổ chức 11 hội nghị tại các thôn thuộc vùng đệm để tuyên truyền về bảo tồn các loài Rùa và các loài động vật hoang dã với hơn 1.000 lượt người tham gia; phối hợp với các đơn vị tổ chức 3 lớp tập huấn cho 60 lượt cán bộ Khu Bảo tồn nắm vững về phương pháp, kỹ năng điều tra, nhận dạng loài, điều tra sinh cảnh về hiện trạng các loài Rùa.

Cứu hộ và nuôi dưỡng các loài rùa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Một cá thể Rùa đầu to quý hiếm được phát hiện, bảo tồn

Hiện Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên phối hợp Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội thực hiện việc tái thả hơn 100 cá thể thuộc 18 loài động vật hoang dã trở về tự nhiên, trong đó, có 27 cá thể Rùa Hộp trán vàng miền Bắc, hai cá thể Rùa Sa nhân, 12 cá thể Rùa Đầu to, 21 cá thể rùa Bốn mắt...

Các cá thể động vật hoang dã được tái thả đều được giải cứu từ các vụ buôn bán, nuôi nhốt, sau một thời gian cứu hộ, chăm sóc và kiểm tra sức khỏe, đảm bảo tiêu chí được tái thả về với thiên nhiên.

Dự án “Điều tra bảo tồn, cứu hộ và nuôi dưỡng các loài rùa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020-2023” được triển khai đã góp phần bảo vệ bền vững các hệ sinh thái đặc trưng của các khu rừng Xuân Liên, duy trì ổn định và phục hồi phát triển các loài rùa quý hiếm.

Qua đó, đưa ra các phương án bảo tồn phù hợp nhằm bảo vệ, duy trì sự tồn tại của các loài rùa, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của tự nhiên.

Cứu hộ và nuôi dưỡng các loài rùa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Cứu hộ và nuôi dưỡng các loài rùa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên  điều tra và giám sát các loài rùa

Cứu hộ và nuôi dưỡng các loài rùa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên tổ chức nhiều chương trình Tuyên truyền bảo vệ rừng và động vật hoang dã đến với các em học sinh trên địa bàn

Quốc Huy