Tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với cơ quan lập pháp nước sở tại
Chính trị - Ngày đăng : 13:07, 13/03/2023
Quang cảnh buổi tiếp
Sáng 13/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026.
Cùng dự cuộc tiếp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thị Thu Hà; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Hoàng Xuân Hoà; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu...
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nghe Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và các Trưởng cơ quan đại diện báo cáo về chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ nhằm thực hiện đường lối Đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân.
Triển khai đồng bộ các kênh đối ngoại
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, ngoại giao đóng góp rất tích cực để đất nước có được cơ đồ, vai trò, uy tín và vị thế trên trường quốc tế như ngày nay. Ngược lại, vị thế, vai trò, uy tín của đất nước hiện nay cũng tạo điều kiện cả về thế và lực, tạo môi trường thuận lợi cho công tác ngoại giao. Bảo bối của ngoại giao các nước và nhất là Việt Nam chúng ta chính là sức mạnh tổng hợp.
Trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh sức mạnh tổng hợp này là sự kết hợp của sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Vì vậy, phải tiếp tục nâng tầm ngoại giao để đóng góp tích cực hơn vào việc nâng cao hơn nữa uy tín, vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là người đại diện cho Đảng và Nhà nước tại sở tại, triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam. Do đó, cần luôn quán triệt sâu sắc và triển khai tốt các nhiệm vụ, định hướng lớn của công tác đối ngoại đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII, Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất (tháng 12/2021), Nghị quyết 34 của Bộ Chính trị về một số về một số định hướng, chủ trương, lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, và các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Đối ngoại là công việc hệ trọng nhận được sự quan tâm của nhân dân và cử tri cả nước. Quốc hội là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời là cơ quan lập pháp cao nhất của Nhà nước. Đối ngoại quốc hội kết nối nguyện vọng của nhân dân ta với nhân dân các nước, kết nối chính sách và tầm nhìn phát triển của Việt Nam với các đối tác. Với ý nghĩa đó, đề nghị các đồng chí triển khai đồng bộ các kênh đối ngoại, trong đó có đối ngoại quốc hội trên tinh thần tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cần tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Quốc hội ta với cơ quan lập pháp nước sở tại để thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với các Nghị sỹ của nước sở tại."
Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động, tích cực sâu rộng hơn nữa tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương trong đó có các diễn đàn liên nghị viện, thực hiện Chỉ thị số 25 ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 15 ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu trong triển khai hoạt động ngoại giao kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội: Cần tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Quốc hội ta với cơ quan lập pháp nước sở tại để thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với các Nghị sỹ của nước sở tại.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài góp phần tích cực vào bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia “từ sớm, từ xa”, bảo vệ sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, quan trọng phải luôn ghi nhớ và thực hiện một cách kiên trì, bền bỉ.
Theo Chủ tịch Quốc hội hiện nay các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó có các cơ quan đối ngoại đang tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, các Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phải nằm lòng nhiệm vụ này để áp dụng cho công tác của Cơ quan đại diện trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài: "Nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, nhất là trong bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Cần xem đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên.
Thực hiện tốt Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Với đặc thù công tác ngoài nước, các đồng chí có lợi thế lớn so với Nhà trong việc tiếp cận, nắm bắt thông tin và chính sách của các nước, các đối tác của ta. Mong các đồng chí tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng nhà nước pháp quyền, công tác giám sát của Quốc hội, xây dựng pháp luật cũng như kinh nghiệm phòng ngừa và xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế của nước bạn, từ đó góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập sâu rộng của đất nước".
Đặt lợi ích quốc gia lên trước hết và trên hết
Chủ tịch Quốc hội cho biết, về chính sách đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở ngoại giao, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn dành sự quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như các chế độ, chính sách đối với cán bộ để tương xứng với thế và lực mới của đất nước, xứng đáng là nền ngoại giao của một nước 100 triệu dân.
Đối với các địa bàn châu Âu (Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan), Chủ tịch Quốc hội mong muốn, trưởng các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài tích cực phối hợp, thúc đẩy để 15 nước châu Âu còn lại phê chuẩn EVIPA và Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Tại các địa bàn Châu Phi, châu Mỹ và Nam Á như Nam Phi, Nigeria, Angeria, Angola, Canada, Brazil, Venezuela, Bangladesh cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản; tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới, tận dụng thế mạnh của ta trong hợp tác về nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho ngành chế biến nông sản của Việt Nam, đặc biệt là hạt điều từ các nước châu Phi. Đồng thời, không ngừng củng cố, xây đắp quan hệ hữu nghị, hợp tác để làm cơ sở vận động sự ủng hộ của các nước bạn đối với lợi ích của ta trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương khác.
Tại các địa bàn Đông Nam Á (Malaysia, Brunei) là láng giềng gần gũi, phải coi trọng duy trì quan hệ đoàn kết gắn bó, song phương và trong khuôn khổ ASEAN; tăng cường tham vấn phối hợp về những vấn đề chung có tác động đến lợi ích an ninh sát sườn của ta và của khu vực, trong đó có các vấn đề trên biển; cùng các nước xây dựng môi trường khu vực hòa bình, ổn định, thuận lợi để phát triển.
Nhấn mạnh lại một lần nữa, ngoại giao cũng chính là cuộc sống, dựa trên các nguyên tắc chung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý các Trưởng cơ quan đại diện cần quan tâm đến vấn đề tuân thủ pháp luật Việt Nam cũng như sở tại của cán bộ cơ quan đại diện.
“Ngoại giao cũng chính là cuộc sống. Chúng ta vừa phải có trách nhiệm, mềm dẻo nhưng đồng thời cũng phải giữ vững nguyên tắc - ở đây là đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, là lợi ích quốc gia, dân tộc; tự tin, kiên định với tiền đồ tương lai đất nước mình nhưng đồng thời cũng phải tranh thủ hết sức sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.