Chuyên gia dự báo về động đất ở Việt Nam

Đời sống - Ngày đăng : 10:28, 12/03/2023

Mấy năm gần đây động đất diễn ra khá liên tục ở Việt Nam và có chiều hướng tăng dần về tần suất. Mới đây, Viện Vật lý địa cầu đã đưa ra những thông số phân tích tình hình động đất của Việt Nam từ đầu năm 2023. Theo đó, các nhà chuyên gia cũng đưa ra dự báo và cách ứng phó với hiện tượng này.

Theo Viện Vật lý địa cầu, tính từ đầu năm 2023 tới nay, trong vòng hơn 2 tháng Việt Nam đã xảy ra gần 60 trận động đất, nhiều nhất ở Kon Tum. Trong đó, đáng chú ý có 4 trận ở huyện Kon Plông có thể cảm nhận được rung lắc với độ lớn từ 3.5 - 3.9.

Ngoài ra, một trận động đất hiếm gặp xảy ra hôm 8/3 tại huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc, địa phương nằm giáp với nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội. Cùng ngày, người dân tại huyện Mường Tè, Lai Châu cũng cảm nhận được sự rung lắc nhà cửa và đồ vật trong nhà khi xuất hiện trận động đất với độ lớn 4.4.

Theo đánh giá từ Viện Vật lý địa cầu, nguyên nhân chủ yếu xảy ra động đất tại Kon Tum là do kích thích hồ chứa, tức là áp suất cột nước của các hồ chứa nước kích thích đới đứt gãy địa chất ở đây gây ra.

Chuyên gia dự báo về động đất ở Việt Nam

Độ lớn của trận động đất được đánh giá theo thang đo moment 1-10 hoặc hơn. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Thời gian gần đây, tần suất động đất xảy ra liên tục nhưng hầu hết ở mức độ nhẹ. Còn các trận động đất ở khu vực khác tuy tần suất ít hơn nhưng lại có độ lớn mạnh hơn, có thể gây rung chấn nhiều khu vực lân cận. Bởi đây là động đất do các đới đứt gãy địa chất tự nhiên gây ra.

Bề mặt trái đất vốn được tạo thành từ các mảng kiến tạo địa chất. Sự tương tác giữa các mảng kiến tạo này tạo thành địa hình núi cao và các hoạt động địa chất khác như núi lửa hay động đất.

Các hiện tượng này sẽ hoạt động mãnh mẽ ở khu vực giáp ranh các mảng kiến tạo lớn với đường màu đỏ hay màu xanh trên bản đồ này. Việt Nam không nằm gần ranh giới mà nằm trong mảng kiến tạo Âu Á nên địa chất có phần ổn định hơn, các đới đứt gãy chỉ gây ra các trận động đất ở mức độ trung bình.

Theo bản đồ phân vùng nguy cơ của Viện Vật lý địa cầu, động đất độ lớn cao nhất có thể xảy ra ở Việt Nam sẽ không quá 6.8, tập trung ở Tây Bắc Bộ và Nghệ An, tương ứng với màu nâu đậm. Vùng màu nâu nhạt trong đó có Kon Tum hay các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh độ lớn động đất nếu xảy ra, cao nhất từ 5-5,9. Các khu vực còn lại trên cả nước nếu xảy ra chỉ ở mức độ nhẹ, dưới 5.

Động đất thường xảy ra rất nhanh. Bề mặt đất rung chuyển gây ra các chấn động mạnh chỉ đếm bằng giây nên việc dự báo rất khó. Viện trưởng Viện vật lý địa cầu đã chia sẻ thông tin chi tiết hơn về công tác dự báo và cảnh báo động đất ở Việt Nam.

Theo đó, ngay cả trên thế giới, dự báo thời điểm xảy ra động đất rất khó. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, quan trắc, phân vùng động đất vẫn thực hiện được. Ví dụ, các trận động đất lớn bao nhiêu và tần suất hoạt động như thế nào rất quan trọng.

Việt Nam nằm trong khu vực động đất ở mức độ trung bình, độ lớn từ 5-6. Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm khoa học Công nghệ Việt Nam có duy trì mạng trạm quan trắc quốc gia về động đất. Tức là những trận động đất có độ lớn hơn 3,5 đều có thể phát hiện được.

Tuy nhiên, để phát hiện độ rung lắc một trận động đất ảnh hưởng đến các ngôi nhà, đặc biệt là các nhà cao tầng, chúng ta nên thiết lập quan trắc bổ sung, đó là quan trắc nằm tại các nhà cao tầng nhằm phát hiện rung lắc. Như vậy, chúng ta sẽ tính toán được ảnh hưởng của trận động đất đến các nhà cao tầng. Chúng ta phải thực hiện việc kháng chấn ở mức độ phù hợp cho các đô thị lớn.

Theo thống kê, những trận động đất mạnh cũng chỉ kéo dài tối đa 3 phút. Nhưng động đất có thể kèm theo dư chấn sau đó lại không thể dự báo sớm chính xác thời điểm xảy ra. Thế nên, sự chủ động ứng phó là rất cần thiết, nhất là những vùng có nguy cơ cao xảy ra động đất như khu vực Tây Bắc và Kon Tum trong thời gian tới.

Sau đây là một số kỹ năng cơ bản để đảm bảo an toàn cho bản thân khi xảy ra động đất:

- Khi ở trong nhà, nếu thấy động đất xảy ra, để bảo vệ mình khỏi các đồ vật rơi vỡ, hãy chui xuống dưới gầm bàn và đợi khi rung chấn không còn.

- Không cố tắt lửa trên bếp vì bạn có thể bị bỏng nếu nước sôi bị đổ.

- Không sử dụng thang máy đề phòng mất điện bất ngờ.

- Hãy ngắt hết các cầu giao khi sơ tán ra khỏi nhà đề phòng hỏa hoạn do quên tắt các thiết bị điện.

- Nếu đang ở ngoài đường hãy chạy ngay tới vùng đất trống. Tránh xa các tòa nhà cao tầng, cây to và cột điện.

Đó là những kỹ năng người dân cần nắm được để ứng phó khi xảy ra động đất, nhất là bà con ở các khu vực nằm trong nguy cơ động đất cao.

Minh Anh