Xây dựng bản đồ ranh giới, bảo tồn Khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà
Đời sống - Ngày đăng : 20:15, 11/03/2023
Cát Bà có thể coi như là trung tâm đa dạng sinh học lớn, có tài nguyên du lịch sinh thái nổi trội, là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ ba danh hiệu quốc gia và quốc tế gồm: Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu bảo tồn biển và Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đây là nơi cư trú của 4.048 loài động, thực vật rừng và biển với 154 loài được xếp vào nguy cấp, quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007, Sách đỏ Thế giới và Danh mục các loài sinh vật cần được bảo vệ. Trong đó, loài Voọc Cát Bà là loại linh trưởng chỉ còn tồn tại duy nhất ở Việt Nam.
Bản đồ ranh giới Khu Dự trữ sinh quyền quần đảo Cát Bà.
Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận ngày 2/12/2004 với diện tích 26.140ha (17.040ha phần đảo và 9.100ha phần biển), được chia thành 3 vùng: Vùng lõi (8.500ha), Vùng đệm (7.741ha) và Vùng chuyển tiếp (10.000ha).
Tuy nhiên, hiện số liệu theo Quyết định số 1194/QĐ-UB ngày 13/6/2005 của UBND TP Hải Phòng (v/v thành lập Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà); Quyết định số 1497/QĐ-UBND ngày 8/7/2005 của UBND thành phố (v/v ban hành Quy chế quản lý Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà) và số liệu trên bản đồ không đồng nhất.
Việc phân định ranh giới Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà và phân khu chức năng của sinh quyển theo quy chế chưa được phân định rõ ranh giới, xác định tọa độ các điểm đặc trưng ngoài thực địa; đồng thời Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 đã được thay thế bằng Luật Lâm nghiệp năm 2017; do vậy rất khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo và giải quyết các tranh chấp phát sinh.
Mặt khác, các phân khu của Vườn Quốc gia Cát Bà và phân vùng Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà hiện nay không đồng nhất, gây khó khăn trong công tác phối hợp tuần tra quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng cảnh quan, hệ sinh thái, loài và di truyền, ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu khoa học; nghiên cứu, giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững ở phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế.
Do đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai việc nghiên cứu, tổ chức rà soát, xây dựng bản đồ ranh giới Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải. Sau khoảng 2 năm triển khai, kết quả rà soát, xây dựng bản đồ ranh giới Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà đã được UBND thành phố phê duyệt.
Theo đó, Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà có tổng diện tích 26.418,9ha (thuộc địa bàn 7 xã, thị trấn: Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long, Việt Hải, Trân Châu, Xuân Đám, thị trấn Cát Bà và vùng biển giáp ranh địa giới hành chính huyện Cát Hải) gồm: 03 vùng lõi, 03 vùng đệm và 02 vùng chuyển tiếp. Tọa độ trung tâm của Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà là (X=2.300.891m; Y=630.617m).
Cụ thể, Vùng lõi có tổng diện tích 6.278,6ha. trong đó, Vùng lõi 1: Tây Bắc thuộc địa bàn xã Phù Long, diện tích 488,5ha; Vùng lõi 2: Đông Nam thuộc địa bàn xã Gia Luận, xã Trân Châu, xã Việt Hải, diện tích 5.629,7ha; Vùng lõi 3: Đông Nam thuộc thị trấn Cát Bà, diện tích 160,4ha.
Vùng đệm có tổng diện tích vùng đệm 8.797,1ha. trong đó, Vùng đệm 1 (đệm bao quanh) thuộc địa bàn xã Phù Long, xã Gia Luận, diện tích 1.902,4ha; Vùng đệm 2 (đệm trung tâm Việt Hải) thuộc địa bàn xã Việt Hải, diện tích là 238,3ha; Vùng đệm 3 (đệm bao quanh) thuộc địa bàn xã, Phù Long, xã Gia Luận, xã Trân Châu, xã Hiền Hào, xã Việt Hải, thị trấn Cát Bà, diện tích 6.656,4ha.
Vùng chuyển tiếp có tổng diện tích là 11.343,2ha. Trong đó: Vùng chuyển tiếp 1 (Bắc Gia Luận) thuộc địa bàn xã Phù Long, xã Gia Luận, diện tích là 2.249,0ha; Vùng chuyển tiếp 2 thuộc địa bàn xã Phù Long, Gia Luận, Trân Châu, Hiền Hào, Xuân Đám, Việt Hải, thị trấn Cát Bà; phần diện tích vùng biển giáp ranh địa giới hành chính huyện Cát Hải, diện tích là 9.094,2ha.
Quyết định của UBND thành phố phê duyệt kết quả rà soát, xây dựng bản đồ ranh giới Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà và các phân khu chức năng của Khu dự trữ sinh quyển sẽ đáp ứng mục tiêu quản lý, bảo tồn, sử dụng nguồn lợi thiên nhiên, đồng thời đảm bảo tính pháp lý để quản lý bền vững tính đa dạng sinh học động, thực vật nơi đây.