Giao lưu với tác giả cuốn sách “Người thầy”

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 13:33, 11/03/2023

Cuốn sách “Người thầy” được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh “thai nghén” hơn hai chục năm mới ra mắt. Chỉ sau 1 tháng, đã có gần 6.000 bản được phát hành. Đây là một trong những tác phẩm đang gây “sốt” thị trường xuất bản, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Phát hành gần 6.000 bản sau 1 tháng

Ngày 11/3, Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM phối hợp với NXB QĐND, Thành đoàn TP.HCM tổ chức buổi giao lưu giữa độc giả với tác giả cuốn sách “Người thầy”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Buổi giao lưu được tổ chức trong không khí ấm cúng tại Nhà Văn hoá Thanh niên TP.HCM. Có thể nói đây là buổi ra mắt sách khá đặc biệt bởi thu hút nhiều khách mời ở các độ tuổi khác nhau, gồm các tướng lĩnh cao cấp của quân đội, cán bộ hưu trí, đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố.

Giao lưu với tác giả cuốn sách “Người thầy”

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giao lưu với độc giả về cuốn sách “Người thầy”

Mở đầu buổi giao lưu, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, khi cuốn sách ra đời, ông và NXB QĐND dự kiến không tổ chức ra mắt sách mà chỉ thắp hương,  tặng sách cho gia đình ông Ba Quốc, tức Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức và sau ngày giỗ của ông Ba Quốc, ông đã thực hiện điều đó, dưới sự chứng kiến của gia đình ông Ba Quốc.

Tuy nhiên, sau khi nghe NXB QĐND nói về chương trình gặp mặt với đoàn viên, thanh niên tại TP.HCM, ông lập tức đồng ý vì đây là một trong hai đối tượng ông luôn mong muốn gặp và đặt nhiều kỳ vọng.

Nói về cuốn sách “Người thầy” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Đại tá, Ths Phạm Văn Trường – Giám đốc, TBT NXB QĐND cho biết, cuốn sách đã tạo nên một “cơn sốt” trên thị trường xuất bản bởi vừa ra mắt bạn đọc tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 10/2 nhưng chỉ sau 1 tháng đã phát hành gần 6.000 bản.

Sau khi cuốn sách được phát hành lần đầu với số bản in hạn chế, bạn đọc khắp toàn quốc đã gọi điện, nhắn tin đặt mua hoặc trực tiếp đến NXB tìm mua, ai cũng mong muốn được sở hữu một bản in “Người thầy" sớm nhất.

Giao lưu với tác giả cuốn sách “Người thầy”

Các khách mời tham dự buổi ra mắt sách

Theo Đại tá, Ths Phạm Văn Trường, sở dĩ cuốn sách được bạn đọc quan tâm nhiều như vậy, đó là vì nhân vật trung tâm trong cuốn sách là ông Ba Quốc, một cán bộ tình báo hội tụ đầy đủ tài năng, phẩm chất của một điệp viên "chui sâu, leo cao" hoàn hảo, một nhà chỉ huy có tầm nhìn chiến lược, sắc sảo và quyết liệt, một người thầy nghiêm khắc nhưng vô cùng nhân văn, sâu sắc.

Cuốn sách dày 500 trang khổ lớn được chia thành 7 chương theo phong cách hiện đại, là truyện nhưng phi hư cấu, vừa giống thể tài hồi ức nhưng cũng mang phong cách tiểu thuyết chương hồi.

Đặc biệt, với lợi thế người trong cuộc, rất am hiểu công việc tình báo và mối quan hệ thầy trò gần gũi với nhân vật trong công việc cũng như cuộc sống sinh hoạt đời thường nên tác giả đã tìm ra một lối tiếp cận mới và phương pháp xử lý khối lượng thông tin ngồn ngộn một cách hoàn hảo, giúp độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về ngành tình báo và một trong những cán bộ tình báo xuất sắc của quân đội ta.

Giao lưu với tác giả cuốn sách “Người thầy”

Độc giả giao lưu với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về cuốn sách “Người thầy”

Những câu chuyện hết sức chân thực được tác giả thuật lại với lời văn dung dị, mộc mạc, nhưng qua đó vẫn làm toát lên phong thái lớn của ông Ba Quốc - một người thầy trên lĩnh vực công tác cũng như cuộc sống; thẳm sâu trong đó là thể hiện sự kính trọng, biết ơn của tác giả - người học trò đối với sự dìu dắt, chỉ bảo của thầy.

Người tình báo với nhiều đóng góp vĩ đại

Giao lưu với tác giả cuốn sách “Người thầy”

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh ký tặng sách cho các em nhỏ, đoàn viên thanh niên

Cuốn sách “Người thầy” kể về những đóng góp quan trọng của Thiếu tướng Đặng Trần Đức đối với ngành tình báo quốc phòng trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hơn 20 năm hoạt động trong lòng địch có lẽ là thời kỳ khó khăn, gay cấn, nguy hiểm mà ông phải chịu mất mát, hy sinh nhiều nhất. Đó là những câu chuyện về sự ứng phó nhạy bén, cơ trí, chuẩn xác để bản thân ông có thể tồn tại, hoạt động, thu thập thông tin giữa sào huyệt địch.

Chính vì vậy, ông đã thu thập, khai thác, lấy được rất nhiều thông tin quý giá của địch, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Giai đoạn hoạt động, chỉ huy mạng lưới tình báo trên chiến trường Campuchia, với những thông tin tình báo mà ta thu thập được, đã giúp bạn củng cố chính quyền, đè bẹp sự ngóc đầu trỗi dậy của bè lũ diệt chủng Pôn Pốt; giúp Đảng, Nhà nước ta đề ra những chiến lược giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nước láng giềng.

Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ trước, khi hệ thống XHCN của các nước Đông Âu và Liên Xô có dấu hiệu chệch hướng rồi sau đó là sụp đổ, ông đã định hướng cho tình báo ngoại, chỉ đạo các cán bộ tình báo xuất sắc chủ động xuất ngoại, kịp thời nắm bắt biến động chính trị và tìm hiểu căn nguyên của nó để giúp Đảng, Nhà nước ta có sự chủ động, linh hoạt trong xử lý mọi tình huống, giữ vững ổn định chính trị đất nước và tiếp tục phát triển trong bối cảnh thế giới hết sức căng thẳng.

Giao lưu với tác giả cuốn sách “Người thầy”

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chụp hình cùng tướng lĩnh quân đội các thời kỳ, lãnh đạo TP.HCM…

Bên cạnh những đóng góp quan trọng đối với ngành tình báo quốc phòng, "Người thầy” còn nói về sự mất mát, hy sinh thầm lặng của cá nhân ông và gia đình, người thân.

Đó là bà Phạm Thị Thanh, người vợ đầu cùng các con Giang, Thành ngoài Bắc, họ phải cắn răng chịu đựng “lời ong tiếng ve”, cảnh bần hàn thiếu thốn khi chồng, cha bí mật vào Nam hoạt động tình báo.

Đó là bà Ngô Thị Xuân cùng các con trong Sài Gòn phải đối mặt với nguy hiểm rình rập hằng ngày hằng giờ khi biết và giúp ông xử lý tin tức tình báo, thậm chí phải chịu đòn roi của kẻ thù thay cha như anh Vũ khi ông bị lộ.

Vượt lên tất cả, họ đã chấp nhận hy sinh về vật chất cũng như tinh thần để chồng, cha mình toàn tâm toàn ý thực hiện lý tưởng, phụng sự Tổ quốc.

Trong tác phẩm, tác giả cũng cho bạn đọc cơ hội được “tiếp xúc” với một số nhân vật lịch sử nổi tiếng như: Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; các vị tướng đứng đầu ngành tình báo quân đội như: Đặng Vũ Chính, Nguyễn Như Văn; những nhà tình báo huyền thoại như: Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Văn Khiêm, Lê Hữu Thúy… hay những người chỉ huy trực tiếp và những đồng đội “vào sinh ra tử” như Trang Công Doanh, Nguyễn Ngọc Ân, Nguyễn Văn Sị...

Mỗi tên tuổi cùng câu chuyện cuộc đời và những điệp vụ, chiến công của họ đều lấp lánh xuất hiện trong mỗi chương phần của cuốn sách, góp phần làm cho tác phẩm thêm cuốn hút người đọc.

Chia sẻ về cuốn sách, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, có 2 điều cấm kỵ của ngành tình báo không bao giờ được tiết lộ, đó là phương thức của ngành tình báo và những câu chuyện cũ, nhạy cảm của ngành tình báo, do đó cuốn sách có những điểm không rõ, mập mờ.

Khi được hỏi về điều ông tâm đắc nhất với thầy Ba Quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tâm sự: “Trong tất cả những gì ông Ba Quốc bảo ban, ông dạy đã yêu cái gì phải yêu sống chết, yêu quyết liệt và sống chết vì tình yêu, yêu Tổ quốc sẵn sàng hy sinh, yêu gia đình sống chết vì gia đình, yêu nghề nghiệp sống chết vì nghề nghiệp, đó là điều thể hiện trong hàng chục năm tôi ở gần với ông Ba Quốc”.

Nhiều độc giả cũng bày tỏ mong muốn được đọc thêm nhiều câu chuyện về ngành tình báo, tình thầy trò giữa ông Ba Quốc và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong lần xuất bản tiếp theo.

Kim Sáng