Vụ án cố ý gây thương tích tại quận 5 (TP.HCM): TAND cấp cao chỉ ra nhiều vấn đề
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 14:40, 10/03/2023
Quyết định Giám đốc thẩm số 19/2022/HS-GĐT ngày 14/2/2022 của TAND cấp cao tại TP. HCM xác định: Ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1975, ngụ quận 12) và ông Trần Trung Trinh (SN 1972, ngụ quận 1) có mối quan hệ quen biết từ năm 2016. Do mâu thuẫn vay nợ nên ngày 06/4/2018, ông Thanh và ông Trinh xảy ra xô xát trước quán cà phê số 018 Lô F, Chung cư Nguyễn Trãi, quận 5.
Ông Thanh yêu cầu ông Trinh phải trả khoản nợ 400 triệu đồng, ông Trinh không đồng ý dẫn đến cự cãi. Lúc này, ông Thanh một tay nắm cổ áo, một tay đấm vào mặt ông Trinh, còn ông Trinh dùng tay đánh lại. Quá trình xô xát, ông Trinh ngã ngửa xuống đường. Người dân can ngăn, công an phường mời hai người về làm việc.
Tại cơ quan điều tra, ông Trinh khai: Khi xô xát, ông Thanh đạp trúng bụng làm ông té ngửa xuống đường, gây thương tích. Ông Thanh khai: Ông bị ông Trinh dùng chân đạp vào người, nhưng ông tránh được khiến ông Trinh tự té ngã xuống đường.
Bản kết luận giám định pháp y số 441/TgT.18 ngày 15/6/2018 của Trung tâm Pháp y - Sở Y tế TP. HCM nêu rõ: Không đủ cơ sở xác định vật gây thương tích. Chấn thương gối phải, có hình ảnh đứt dây chằng chéo trước gối phải. Chấn thương phần mềm ngón V bàn tay phải, tỷ lệ thương tích là 16%.
Ngày 10/9/2018, Trung tâm Pháp y có thêm Công văn số 441-GT2/TgT.18 giải thích: Sau khi bị ông Thanh đạp, ông Trinh té ngã xuống đường, làm gối phải bị xoắn vặn gây ra thương tích. Từ đó, Nguyễn Văn Thanh bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt hai năm tù, sau đó Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Nguyễn Văn Thanh tại phiên tòa
Ngày 21/5/2021, Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 14/2021/KN-HS, đề nghị Ủy ban Thẩm phán xét xử giám đốc thẩm hủy hai bản án để điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.
Ủy ban Thẩm phán nhận định: Trong khi ông Thanh, ông Trinh xô xát, việc ông Trinh bị ngã ngửa, bị đứt dây chằng chéo trước gối phải và chấn thương phần mềm ngón V bàn tay phải là có thật. Tuy nhiên, chưa có cơ sở để xác định bị cáo Thanh là người đã dùng chân đạp một cái vào bụng ông Trinh làm bị hại té ngã ngửa xuống đường gây ra thương tích. Ủy ban Thẩm phán nêu rõ: Lời khai của bị cáo và bị hại mâu thuẫn nhau, nhưng chưa được điều tra làm rõ đâu là sự thật khách quan mà vẫn kết tội bị cáo Nguyễn Văn Thanh là “chưa có cơ sở”.
Trong quá trình xét xử vụ án, giám định viên Mai Quang Trường giải thích “thương tích của bị hại là do cơ chế vặn xoắn”. Ủy ban Thẩm phán phân tích: Vấn đề đặt ra là việc ông Thanh đạp vào bụng ông Trinh như lời khai của bị hại thì có khả năng làm ông Trịnh ngã vặn xoắn gối phải như cơ chế hình thành vết thương mà giám định viên xác định hay không?
Theo lời khai của bị cáo Thanh, ông Trinh có đạp về phía người ông rồi bị mất thăng bằng (do đạp hụt) dẫn đến té ngã ngửa xuống đường. Trường hợp này ông Trinh có khả năng ngã vặn xoắn gối phải hay không? Xác định nguyên nhân gây ra thương tích cho ông Trinh với những vấn đề đặt ra nêu trên là cần thiết.
Chỉ ra nhiều mâu thuẫn, thiếu sót khác chưa được làm rõ, Ủy ban Thẩm phán quyết định hủy hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho VKS để điều tra lại.
Sau khi điều tra lại, ngày 22/9/2022, VKSND quận 5 ban hành Cáo trạng mới số 86/CT-VKS, tiếp tục truy tố Nguyễn Văn Thanh về tội “Cố ý gây thương tích”.
Theo dõi vụ án, Luật sư Phạm Văn Đức, Đoàn luật sư TP. HCM nêu quan điểm: Kết quả điều tra chưa làm rõ được các vấn đề được Ủy ban Thẩm phán chỉ ra trong quyết định giám đốc thẩm. Cáo trạng số 86 thể hiện nhiều mâu thuẫn và thiếu sót trong hồ sơ giám định vẫn chưa được làm rõ. Cụ thể, về cơ chế ngã “vặn xoắn” gối phải, nếu ông Trinh bị đạp vào bụng rồi ngã hoặc ông đạp hụt ông Thanh rồi tự ngã có gây ra “vặn xoắn” hay không? Thế nhưng, khi điều tra lại, phía Trung tâm pháp y chỉ có Công văn phúc đáp số 441.TgT.18 ngày 27/5/2022 cho rằng các nội dung trên “đã thể hiện rõ” trong Bản kết luận giám định pháp y số 441/TgT.18 ngày 15/6/2018 và các công văn trước đó (?)
Cáo trạng số 86 cho rằng: “Với tư thế anh Trinh mô tả thì gối phải của anh Trinh bị vặn xoắn khớp khi bị đạp ngã ra phía sau gây ra được thương tích tại gối phải”. Điều đó cho thấy việc xác định cơ chế gây thương tích đang dựa trên lời “mô tả” của bị hại (?).
Trong quyết định giám đốc thẩm, Ủy ban Thẩm phán còn yêu cầu làm rõ những lời khai mâu thuẫn, bởi dựa trên lời khai người làm chứng chưa có cơ sở kết tội. Khi điều tra lại, những người làm chứng gồm bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, ông Trần Tấn Vinh, ông Trịnh Văn Cu lại có lời khai khác nhau, mâu thuẫn.
Theo luật sư Đức, với những vấn đề đã được Ủy ban Thẩm phán chỉ rõ, cần tiến hành giám định lại để xác định thương tích bị hại có thật hay không. Nếu có phải làm rõ nguyên nhân, tiến hành thực nghiệm hiện trường, lấy lời khai bị hại , đối chất các nhân chứng …đề làm sáng tỏ vụ án.