Đề xuất quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất là của Tòa án

Đời sống - Ngày đăng : 14:47, 09/03/2023

Nhấn mạnh việc khiếu kiện về đất đai thường rất gay gắt, phức tạp, kéo dài, khó dứt điểm, chuyên gia đề nghị Luật Đất đai sửa đổi quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất là của Tòa án, bỏ thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính và bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính trong việc cung cấp hồ sơ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của người dân hoặc của Tòa.

Sáng 9/3, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu tập tham dự đã trung thảo luận, góp ý các nội dung trọng tâm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.

Đề xuất quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất là của Tòa án

Các đại biểu tham dự hội nghị

Chuyên gia Bùi Văn Phòng, Trung tâm Bảo trợ tư pháp tỉnh Thái Bình, nguyên Phó Chánh Thanh tra tỉnh Thái Bình, đã nêu một số kiến nghị sửa đổi về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Trong đó, đề xuất quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất là của Tòa án.

Theo ông, khiếu kiện về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã và đang diễn ra gay gắt, phức tạp, việc thu hồi đất gặp nhiều khó khăn làm cho việc triển khai dự án phát triển kinh tế xã hội không đảm bảo.

Nguyên nhân chủ yếu là việc thu hồi đất không thực hiện công khai, khách quan, dân chủ, người dân không được biết quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mục đích thu hồi đất nhập nhèm; giá đền bù thấp, phương án tái định cư, hỗ trợ người dân khi bị thu hồi không rõ ràng minh bạch.

Ông cho rằng, căn nguyên dẫn đến tình trạng khiếu kiện là do có sự “vênh” giữa Luật và Nghị định. Dẫn chứng cụ thể, ông Phòng nêu: Chương 6, Luật đất đai năm 2013 có 33 điều quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối chiếu với Nghị định số 47/2014 ngày 15/5/2014; Nghị định 148/2020 ngày 18/12/2020 có sự khác biệt giữa Luật và Nghị định.

Theo quy định của Luật đất đai năm 2013, các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp sẽ được Nhà nước bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Thế nhưng Khoản b, Điều 5, Nghị định số 47/2014 ngày 15/5/2014 lại quy định: Đối với đất nông nghiệp sử dụng có nguồn gốc do được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có).

“Từ nội dung trên có thể thấy đã có sự đối lập giữa Luật và Nghị định. Luật thì quy định “bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền”, ông Phòng nhấn mạnh và cho rằng Luật đất đai không có điều khoản nào quy định việc thu hồi đất nông nghiệp thì không được đền bù nhưng đến Nghị định thì lại quy định ngược lại: “không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phi đầu tư vào đất còn lại (nếu có)”.

Đề xuất quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất là của Tòa án

Chuyên gia Bùi Văn Phòng, Trung tâm Bảo trợ tư pháp tỉnh Thái Bình, nguyên Phó Chánh Thanh tra tỉnh Thái Bình

Ông cho rằng, sự trái ngược giữa Luật và Nghị định nói trên dẫn đến hậu quả là người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp nhưng không được đền bù đất có cùng mục đích sử dụng hoặc nếu không có đất thì được đền bù bằng tiền. Điều mà người nông dân bị thu hồi đất cần là Nhà nước đền bằng đất, nếu trả bằng tiền thì phải tương xứng chứ không thể chỉ nhận được mức đền bù đất nông nghiệp với giá “bèo” như Nghị định nên khiếu kiện xảy ra là tất yếu.

Từ thực trạng trên, ông Phòng kiến nghị: Luật sửa đổi cần tách bạch rõ nội hàm về 3 mục đích thu hồi đất: Cụ thể, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia công cộng; thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội; thu hồi đất giao cho nhà đầu tư phân lô, bán nền. Trên cơ sở tách bạch, làm rõ mục đích thu hồi đất nói trên, nhà nước xây dựng đơn giá đền bù hợp với mục dích thu hồi ,người dân dễ dàng chấp nhận và khắc  phục cơ bản lợi ích nhóm trong thu hồi đất.

Nhấn mạnh việc khiếu kiện về đất đai thường rất gay gắt, phức tạp, kéo dài, khó dứt điểm do đó đề nghị: Luật sửa đổi quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất là của Tòa án, bỏ thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính (Điều 203) và bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính trong việc cung cấp hồ sơ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của người dân hoặc của Tòa.

Giải thích về lý do đề xuất quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất là của Tòa án, ông Phòng cho hay, do trình độ hiểu biết pháp luật của người dân hiện nay đã có bước tiến đáng kể so với cách đây 10 năm, họ sẵn sàng lựa chọn khởi kiện ra Tòa.

Ngoài ra, việc giao thẩm quyền cho Tòa còn tránh được xung đột giữa Tòa và cơ quan hành chính địa phương bởi lẽ khi Chủ tịch huyện hoặc Chủ tịch tỉnh đã ra quyết định giải quyết, người dân không đồng ý mới kiện ra Tòa thì phần thiệt chỉ thuộc về người dân. Mặt khác, khi bản án của Tòa có hiệu lực pháp luật  thì có thể coi như khiếu kiện tranh chấp đất đã giải quyết dứt điểm.

Đề xuất quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất là của Tòa án

Bà Phạm Thị Tuyết, Trưởng phòng, Kiểm sát viên cao cấp Viện KSNDTC

Góp ý tại hội nghị, bà Phạm Thị Tuyết, Trưởng phòng, Kiểm sát viên cao cấp Viện KSNDTC đã nêu đề xuất sửa đổi Luật đất đai thông qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự và kiểm sát thi hành án.

Theo bà, Nhà nước cần bổ sung thêm quy định về việc giao cho tổ chức thẩm định độc lập, tiến hành thẩm định giá đất thị trường, bảo đảm tính khách quan và công bố khi lấy kiến người dân về việc thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường tái định cư.

Đối với quy định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cần xem xét quy định cho thuê đất trong trường hợp hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm. Thời gian này thường ngắn, làm mất tính ổn định, do vậy đề nghị giữ nguyên quy định cũ, không cho phép chuyển nhượng thế chấp trong trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm.

Bà Tuyết đồng tình với nội dung xác định giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất được đưa ra trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), điều này sẽ góp phần tạo sự đồng thuận giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Nêu ý kiến tại hội nghị, luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Công ty luật TNHH An Đức, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: Kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiều quy định còn chưa thống nhất với các quy định khác nên cần thiết sửa đổi Luật Đất đai để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm phù hợp với quy định và quản lý sử dụng đất.

Đề xuất quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất là của Tòa án

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo

Góp ý vào Điều 145 dự thảo Luật liên quan đến cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, cho rằng, dự thảo Luật nên quy định theo hướng: tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận bao gồm nhà ở, công trình xây dựng không phải là nhà ở, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận. Trường hợp sau khi cấp Giấy chứng nhận mà tài sản bị tiêu hủy, phá dỡ thì việc chứng nhận quyền sở hữu tài sản không còn hiệu lực pháp lý; đồng thời phải thực hiện đăng ký biến động.

Dựa trên kết quả khảo sát thực tế tại một số địa phương, TS Tạ Thị Minh Lý – Chủ tịch Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam đề nghị Luật Đất đai sửa đổi nên có quy định phù hợp đối với diện tích đất thổ cư tối đa được sở hữu cho một hộ gia đình.

Trong quá trình thực hiện tách sổ, tách hộ đã gặp vướng mắc, nhiều hộ gia đình cha mẹ trao quyền thừa kế về đất đai cho các con, nhiều trường hợp đất ở chia cho 3-4 người con thì diện tích đất ở quá nhỏ không đủ điều kiện làm sổ đỏ. TS Tạ Thị Minh Lý đề nghị tăng hạn mức đất ở để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 03/01/2023, kéo dài cho đến ngày 15/3/2023. Kế hoạch lấy ý kiến nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời, huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của Nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Việt An