Tin vắn thế giới ngày 9/3: Phe đối lập bao vây Quốc hội Gruzia, đụng độ dữ dội với cảnh sát
Chuyển động - Ngày đăng : 07:07, 09/03/2023
Phe đối lập bao vây Quốc hội Gruzia, đụng độ dữ dội với cảnh sát
Theo đài RT, hàng nghìn người biểu tình, một số đeo mặt nạ phòng độc và đội mũ bảo hiểm, đã bao vây Tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Tbilisi vào tối 8/3 (giờ địa phương), phản đối một đạo luật hạn chế các tổ chức phi chính phủ do nước ngoài tài trợ. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay, vòi rồng và đèn flash để giải tán họ.
Nối tiếp các cuộc đụng độ vào ngày 7/3, người biểu tình đã sử dụng bom xăng và pháo phụt để chống lại cảnh sát, gây ra phản ứng mạnh mẽ. Theo truyền thông địa phương, các nhà chức trách đang cố gắng giải tỏa tòa nhà quốc hội và đẩy lùi những người biểu tình.
Người biểu tình phản đối luật “đại diện nước ngoài” đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở khu vực Nhà Quốc hội Gruzia. Ảnh: RT
ASEAN - Mỹ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện
Tại Đối thoại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Mỹ lần thứ 35 vào ngày 7/3 tại trụ sở Ban thư ký ASEAN ở Jakarta, hai bên đã tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập trong Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 10 vào năm 2022.
Tại cuộc họp, Mỹ đã khẳng định sự ủng hộ vững chắc các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, hỗ trợ ASEAN phục hồi sau đại dịch COVID-19 và cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN thông qua việc tham gia tích cực vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Mỹ ủng hộ COC mang tính ràng buộc về pháp lý
Ngày 8/3, một quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ khẳng định Washington ủng hộ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta cùng 4 cơ quan truyền thông khác, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink nhắc lại rằng Washington ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp và giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Israel
Ngày 8/3, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Bộ trưởng Quốc phòng nước này Lloyd Austin đã đến Israel muộn hơn dự kiến và các cuộc gặp với giới chức lãnh đạo Israel đã phải thay đổi địa điểm.
Quan chức trên nêu rõ việc thay đổi địa điểm tổ chức các cuộc gặp được thực hiện theo đề nghị của Chính phủ Israel. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh gần đây xảy ra các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cải cách hệ thống tòa án của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Hàn Quốc: Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền có lãnh đạo mới
Tại Đại hội toàn quốc của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền của Hàn Quốc ngày 8/3, nghị sĩ Kim Gi-hyeon - một trong những nhân vật thân cận của Tổng thống Yoon Suk-yeol, đã được bầu làm lãnh đạo mới của đảng này với nhiệm kỳ 2 năm.
Cụ thể, ông Kim đã giành được 52,93% số phiếu bầu trực tuyến và qua điện thoại trong 4 ngày, từ ngày 4 - 7/3. Điều này đã khiến kết quả bỏ phiếu sau đó trong ngày đại hội diễn ra trở nên không cần thiết.
LHQ và Ukraine kêu gọi gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen
Ngày 8/3, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, trong đó cho phép Kiev xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng ở Biển Đen.
Phát biểu sau cuộc hội đàm với ông Guterres ở Kiev, Tổng thống Zelensky nêu rõ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là thỏa thuận cần thiết cho thế giới. Về phần mình, ông Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận này đối với an ninh lương thực và giá lương thực toàn cầu.
Lãnh đạo AUKUS sẽ nhóm họp vào tuần tới
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 8/3 xác nhận nhà lãnh đạo này sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Australia Anthony Albanese trong ngày 13/3 để thảo luận về Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS).
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Anh-Australia trong bối cảnh Australia chuẩn bị ký kết thỏa thuận mua tàu ngầm hạt nhân do Anh hoặc Mỹ chế tạo. Sự kiện này dự kiến diễn ra trong vòng 1 ngày tại thành phố San Diego, bang California (Mỹ) - nơi đặt trụ sở của một trong những căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ.
Ủy ban chống tham nhũng Malaysia triệu tập cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin
Cựu Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết ông đã bị triệu tới văn phòng của Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (MACC) vào ngày 8/3. Trong bài đăng trên Facebook, ông Muhyiddin Yassin cũng phủ nhận thông tin cho rằng ông bị bắt hôm 7/3.
Hôm 16/2, ông Muhyiddin Yassin cũng đã bị MACC triệu tập để làm rõ về hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ ringgit (hơn 200 triệu USD). Ông Muhyiddin Yassin tuyên bố không tham gia vào việc trao hợp đồng trên cho IRIS Corporation Berhad khi còn là Thủ tướng.
EU bước đầu nhất trí về kế hoạch mua chung đạn dược để hỗ trợ Ukraine
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/3 đã nhất trí tăng cường cung cấp đạn pháo và mua thêm đạn dược để hỗ trợ Ukraine, song vẫn phải tìm cách biến những mục tiêu này trở thành hiện thực.
Theo kế hoạch do Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell vạch ra, các quốc gia thành viên trong khối sẽ nhận được khoản ưu đãi tài chính trị giá 1 tỷ euro (1,06 tỷ USD) để gửi thêm đạn pháo tới Kiev, trong khi 1 tỷ euro khác sẽ được dành để tài trợ cho việc mua chung lô đạn pháo mới.
Binh sỹ Ukraine chất lên xe tải tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin do Mỹ cung cấp vào ngày 11/2/2022 trước khi xung đột bùng phát ít ngày. Ảnh: AFP/Getty Images
Báo động trên 100 vụ xả súng tại Mỹ trong 64 ngày
Ngày 7/3, tổ chức phi lợi nhuận Gun Violence Archive (GVA) chuyên theo dõi các vụ xả súng tại Mỹ cho biết chỉ trong 64 ngày đầu năm 2023, số vụ xả súng hàng loạt tại nước này đã vượt 100 vụ. Đây là thời điểm sớm nhất trong năm trong vòng một thập kỷ qua nước Mỹ ghi nhận số vụ xả súng hàng loạt ở mức 3 chữ số.
Báo cáo của GVA nêu rõ tình trạng bạo lực súng đạn ở Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng. GVA định nghĩa xả súng hàng loạt là vụ việc khiến ít nhất 4 người thiệt mạng hoặc bị thương, không tính đối tượng xả súng.
Đức khám xét tàu nghi chở thiết bị nổ liên quan vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc
Ngày 8/3, các công tố viên liên bang Đức cho biết các điều tra viên của nước này đã khám xét một con tàu bị nghi vận chuyển thiết bị nổ sử dụng trong vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) hồi tháng 9 năm ngoái.
Các cuộc khám xét diễn ra từ ngày 18 - 20/1 do nghi ngờ con tàu có thể được sử dụng để vận chuyển các thiết bị nổ đã phát nổ vào ngày 26/9/2022 tại các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 ở Biển Baltic. Các nhà điều tra vẫn đang phân tích các mẫu vật thu được trên con tàu.
FED cảnh báo áp lực lạm phát tại Mỹ lan rộng
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 8/3 cảnh báo rằng nước này vẫn phải đối mặt với áp lực lạm phát "lan rộng" - một ngày sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố ngân hàng trung ương đã sẵn sàng đẩy mạnh nhịp độ tăng lãi suất với mức tăng có thể cao hơn dự đoán nếu cần thiết, động thái khiến thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm.
Chile: Cướp tiền táo tợn tại sân bay khiến 2 người thiệt mạng
Các cơ quan chức năng của Chile ngày 8/3 cho biết hơn 10 đối tượng cướp có vũ trang đã tấn công lực lượng an ninh tại Sân bay Quốc tế Arturo Merino Benitez ở thủ đô Santiago với ý đồ cướp số tiền mặt trị giá 32,5 triệu USD. Mặc dù vụ cướp táo tợn không thành công, nhưng đấu súng đã khiến 1 nhân viên sân bay và một tên cướp thiệt mạng.
Cuba đã kiểm soát được đám cháy rừng kéo dài hơn 18 ngày
Nhật báo Granma - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba - cho biết nhờ sự đoàn kết phối hợp của hơn 2.000 cán bộ và người dân, vụ hỏa hoạn khởi phát hôm 18/2 khu vực Pinares de Mayarí, ở tỉnh miền Đông Holguín, đã không còn khả năng lan sang tỉnh lân cận Santiago de Cuba.
Theo các chuyên gia, vụ hỏa hoạn bùng phát trong bối cảnh hạn hán và gió mạnh đã ảnh hưởng đến gần 60 km2 rừng và đồng cỏ. Tổn thất chính trong sự cố này là môi trường tự nhiên, mặc dù đến thời điểm hiện tại chưa thể định lượng được.
Bãi biển tại 9 thành phố Philippines bị ô nhiễm sau vụ chìm tàu chở dầu
Hôm 28/2 vừa qua, khi đang chở 800.000 lít dầu nhiên liệu công nghiệp từ tỉnh Bataan (gần thủ đô Manila) đến tỉnh Iloilo ở miền Trung Philippines, tàu Princess Empress đã gặp vấn đề về động cơ và bị chìm ngoài khơi tỉnh Oriental Mindoro do biển động.
Tỉnh trưởng tỉnh Oriental Mindoro, ông Humerlito Dolor cho biết nhiên liệu diesel và dầu đặc từ tàu đã làm ô nhiễm vùng biển và bãi biển của 9 thành phố tỉnh Oriental Mindoro. Lượng dầu loang cũng được ghi nhận tại đảo Semirara, cách vị trí tàu chìm hơn 130 km.