Tình yêu nghề giúp nữ Thẩm phán vượt qua trở ngại, thách thức

Tòa án địa phương - Ngày đăng : 10:34, 08/03/2023

Để trở thành một Thẩm phán là một chặng đường khó khăn, nhưng để trở thành một nữ Thẩm phán còn khó khăn hơn nữa", đó là chia sẻ của Thẩm phán Nguyễn Thị Nhung, TAND quận Ba Đình, Hà Nội, với phóng viên Báo Công lý.

Phóng viên: Được biết để trở thành một Thẩm phán là chặng đường khó khăn, đặc biệt là với nữ giới. Vậy, cơ duyên nào để bà trở thành một nữ Thẩm phán bản lĩnh như ngày hôm nay?

Thẩm phán Nguyễn Thị Nhung: Đúng như anh nói, để trở thành một Thẩm phán đúng là một chặng đường khó khăn, rất nhiều tiêu chí cần phải đạt được, có rất nhiều kỳ thi cần phải trải qua. Và khó khăn hơn nữa là trở thành một nữ Thẩm phán. Bởi vì chúng tôi còn có thiên chức của một người phụ nữ. Không những đòi hỏi chuyên môn phải nắm chắc, bản lĩnh phải vững vàng mà còn phải dung hòa được giữa công việc cơ quan và gia đình.

Tình yêu nghề giúp nữ Thẩm phán vượt qua trở ngại, thách thức

Thẩm phán Nguyễn Thị Nhung

Tôi không dám tự nhận mình là Thẩm phán bản lĩnh, tuy nhiên, khi chúng tôi làm công việc này không chỉ hiểu biết pháp luật mà còn phải học, phải nghiên cứu nhiều ngành nghề khác. Ví dụ năm 2019 tôi có giải quyết vụ án dân sự tranh chấp đòi tiền giữa 2 cá nhân theo hợp đồng nổ phá đá cấp 4 trên tuyến đường Hồ Chí Minh từ Km 194 đến Km 215. Đơn vị tính không được ghi rõ trong hợp đồng là mét khối hay mét dài, dẫn đến tranh chấp về số tiền thanh toán.

Đối với vụ án này, đòi hỏi Thẩm phán phải tìm hiểu công việc thi công cầu đường cũng như những hợp đồng tương tự đã từng ký, đối tượng nào được thực hiện việc nổ mìn v..v...Điều đó giúp cho Thẩm phán trong quá trình hòa giải, xét xử đưa ra được những phán quyết đúng đắn nhất, nhận được sự tin tưởng, tôn trọng của các đương sự có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực họ tranh chấp. Hơn nữa khả năng hòa giải thành cũng cao hơn rất nhiều.

Quá trình rèn luyện đó giúp chúng tôi ngày càng vững vàng, cứng cáp hơn, dám đương đầu với mọi thử thách cũng như với mọi vụ án khó.

Phóng viên: Bà có thể chia sẻ những khó khăn đã gặp và bằng cách nào để bà có thể vượt qua được những khó khăn đó?

Thẩm phán Nguyễn Thị Nhung: Công việc nào cũng có những khó khăn do đặc thù của nghề, Thẩm phán cũng vậy. Xác định được như vậy nên tâm thái của chúng tôi rất bình thản khi đón nhận những khó khăn và bình tĩnh để vượt qua mọi thử thách.

Hơn thế, tình yêu với nghề giúp chúng tôi cảm thấy đỡ vất vả hơn khi đối mặt với những trở ngại. Khó khăn trong khi giải quyết vụ án thường nằm ở những vụ án dân sự, kinh doanh thương mại. Nó khó ở chỗ mỗi vụ án lại có tính chất phức tạp khác nhau.

Liên quan đến tranh chấp đất đai thì đương sự thường chống đối không hợp tác, công tác xác minh, ủy thác kéo dài, mất thời gian…Tuy nhiên, chúng tôi đều dành sự tâm huyết, hiểu biết và kỹ năng thuyết phục, mục đích cuối cùng là cho ra kết quả một vụ án thấu tình đạt lý. Đây cũng chính là cách mà chúng tôi vượt qua khó khăn.

Tình yêu nghề giúp nữ Thẩm phán vượt qua trở ngại, thách thức

Thẩm phán Nguyễn Thị Nhung trao đổi với PV Báo Công lý

Phóng viên: Vậy những trăn trở trong quá trình "cầm cân nảy mực" thì sao, thưa bà?

Thẩm phán Nguyễn Thị Nhung: Tôi luôn trăn trở với nghề, với từng vụ án mà tôi giải quyết. Trong số đó, những vụ án liên quan đến quan hệ huyết thống, giữa những người trong cùng gia đình với nhau khiến tôi trăn trở lớn nhất.

Những điều luật áp dụng vào từng vụ án là cứng nhắc nhưng tình cảm con người lại không như vậy. Làm thế nào để thấu tình đạt lý là mong muốn lớn nhất của những người làm luật và những Thẩm phán như tôi.

Năm 2021 tôi giải quyết vụ án tranh chấp chia thừa kế giữa nguyên đơn là 2 người con gái và bị đơn lại chính là mẹ đẻ của họ. Điều khiến tôi trăn trở không phải vì việc chia tài sản, mà tôi trăn trở làm sao có thể hòa giải được cho họ, làm sao để gắn kết mối quan hệ mẹ con.

Từ những mong muốn và tâm huyết đó, tôi đã thuyết phục được họ tại phiên tòa để hòa giải với nhau. Đó chính là món quà vô giá, là động lực để chúng tôi vượt qua khó khăn trong quá trình làm nghề.

PV: Thời gian qua, xu thế chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác xét xử trực tuyến của Tòa án. Theo bà, điều này mang lại ý nghĩa và những thuận lợi gì cho Tòa án nói chung và các Thẩm phán nói riêng?

Thẩm phán Nguyễn Thị Nhung: Công nghệ hiện nay đang phát triển rất mạnh. Do đó, nếu thích ứng và bắt nhịp được với việc áp dụng công nghệ số sẽ mang lại rất nhiều giá trị to lớn. Tôi cũng muốn nói rõ hơn là xét xử trực tuyến hiện nay mới chỉ áp dụng được ở một số địa phương, một số vụ án chứ chưa được đồng bộ hóa với các cơ quan chức năng khác, hoặc nhiều địa phương có điều kiện khó khăn.

Đối với Tòa án, việc xét xử trực tuyến giúp đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; Giảm thiểu thời gian đi lại, thời gian tổ chức; Tiết kiệm chi phí cho ngành cũng như cho Nhà nước cũng như người dân.

Như tôi đã nói ở trên, việc đó đảm bảo an toàn hơn cho các Thẩm phán xét xử, thuận tiện hơn cho cá nhân tôi khi thực hiện nhiệm vụ. Việc áp dụng công nghệ số/chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với rất nhiều lĩnh vực. Và hệ thống Tòa án cũng bắt nhịp khá nhanh. Điều đó cho thấy năng lực và tầm nhìn của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao.

PV: Được biết, ngoài là một nữ Thẩm phán bản lĩnh trên "công đường", luôn hoàn xuất sắc nhiệm vụ của được giao, bà còn tham gia nhiều các hoạt động đoàn thể của đơn vị. Theo bà, những hoạt động đó mang lại những giá trị tích cực gì cho cơ quan và xã hội?

Thẩm phán Nguyễn Thị Nhung: Ngoài công việc chuyên môn, tôi còn tham gia công tác công đoàn và nhiều hoạt động khác.

Với vai trò Chủ tịch BCH Công đoàn, ngoài nhiệm vụ chính của công đoàn, tôi cùng anh chị em trong Ban Chấp hành tham gia rất nhiều các hoạt động đoàn thể của đơn vị như: Công tác từ thiện, một số hoạt động thăm hỏi, động viên, quan tâm tới đời sống cán bộ, nhân viên...để thể hiện tình cảm của lãnh đạo và anh chị em trong đơn vị với nhau.

Hoạt động tham quan vào hè, hướng về nguồn khác như tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn…là nguồn cổ vũ, động viên công đoàn viên, giúp họ giải tỏa được những áp lực trong công việc thường ngày. Mặt khác, các hoạt động đó tạo sự gắn kết của cả tập thể, tạo ra những nét văn hóa của riêng TAND quận Ba Đình chúng tôi.

Tình yêu nghề giúp nữ Thẩm phán vượt qua trở ngại, thách thức

Thẩm phán Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Công đoàn TAND quận Ba Đình trao quà cho người già có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Và đương nhiên, mỗi cá nhân khi được thụ hưởng điều đó sẽ tạo ra môi trường đoàn kết tập thể, công đoàn viên sẽ làm việc chăm chỉ, nhiệt tâm hơn. Chúng tôi hoàn thành tốt công việc, sẽ mang lại lợi ích chung cho xã hội.

PV: Xin cảm ơn bà!

Mạnh Hùng