Chủ tịch Quốc hội: Gắn kết chặt chẽ hai nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản trên 4 nhóm lĩnh vực

Chính trị - Ngày đăng : 06:31, 08/03/2023

Bàn bạc để triển khai Chương trình hành động giai đoạn 9 của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong giai đoạn tới Chương trình hành động phải kết nối và gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản trên 4 nhóm lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội: Gắn kết chặt chẽ hai nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản trên 4 nhóm lĩnh vực

Quang cảnh cuộc tiếp

Chiều 07/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc tiếp Đoàn công tác của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) thăm và làm việc tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973-21/92023).

Tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn

Phát biểu tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Đoàn công tác của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN), các Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đến thăm Việt Nam trong bối cảnh hai nước kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản và 20 năm Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản; đánh giá cao kết quả Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, với chủ đề "Khả năng mới của mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản hướng tới tương lai" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) đồng tổ chức.

Vui mừng đón tiếp Đoàn tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là cơ hội để hai bên cùng trao đổi nhằm tăng cường, thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực.

Bày tỏ vinh dự khi Chủ tịch Quốc hội dành thời gian tiếp Đoàn tại Nhà Quốc hội vào đúng dịp ghi dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt của KEIDANREN Ichikawa Hideo kì vọng và tin tưởng trên cơ sở nền tảng kết quả hợp tác đã có, quan hệ hợp tác hai nước ngày càng phát triển.

Thông tin về kết quả Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam – Nhật Bản vừa diễn ra, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt của KEIDANREN Ichikawa Hideo cho biết tại hội thảo, hai bên đã xác nhận kết quả trong thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 8 và cho rằng có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo, sự quan tâm ủng hộ của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam. Cùng quan điểm, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt của KEIDANREN, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Sojitz Fujimoto Masayoshi cũng gửi lời cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Nhật Bản tại Việt Nam ổn định kinh doanh và ngày càng phát triển.

Các Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của KEIDANREN cũng cho biết, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn nhất là trong các lĩnh vực hợp tác nhân lực kĩ thuật cao, ICT, IOT mở ra cơ hội phát triển cho cả hai bên và góp phần thặt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác hai nước. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động và khó có thể dự báo trước thì việc hợp tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp hai nước cần hợp tác mạnh mẽ hơn nữa  để cùng nhau vượt qua thách thức, phát triển phù hợp với tình hình mới, thời đại mới.

Các Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt của KEIDANREN chia sẻ, Việt Nam là thị trường vô cùng hấp dẫn với nguồn nhân lực trẻ, trình độ cao, thị trường tiêu thụ lớn và hấp dẫn đối với Nhật Bản, với mong muốn tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp Nhật Bản mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội và các lãnh đạo của Việt Nam để hai bên cùng nhau khai thác thêm nhiều tiềm năng hợp tác phát triển.

Tán thành với nhiều ý kiến của Đoàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ Quốc hội Việt Nam và cá nhân mình ánh giá cao vai trò của Keidanren nói chung, của Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt và cá nhân các vị Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Đồng thời, đánh giá cao kết quả của Chương trình hành động giai đoạn 8 trong khuôn khổ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản thời gian qua đã triển khai thực hiện bài bản, với hơn 84% các hạng mục đã được triển khai tốt, đúng tiến độ và đưa vào cuộc sống. Trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác lập pháp như sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp của Việt Nam.

Không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đìn Huệ nêu rõ, Việt Nam – Nhật Bản là hai nước có Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng mà ít quốc gia có thể có được, trên cơ sở tin cậy chính trị đã có, hai bên có cơ sở để tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư nhất là trong bối cảnh thế giới nhiều thay đổi phức tạp, biến động bất thường như hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định cam kết của Quốc hội Việt Nam, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện khung khổ pháp luật, chính sách, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục làm ăn lâu dài, ổn định và phát triển tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội: Gắn kết chặt chẽ hai nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản trên 4 nhóm lĩnh vực

Chủ tịch Quốc hội: Trong giai đoạn tới Chương trình hành động phải kết nối và gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản trên 4 nhóm lĩnh vực

Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành nhiều quyết sách kịp thời, có những chính sách đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19, tung ra gói kích thích kinh tế cả về tài khóa và tiền tệ với quy mô khoảng 8%GDP. Nhờ vậy, kinh tế Việt Nam nhanh chóng có được sự phục hồi, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động và người dân.

Quốc hội Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều kì họp bất thường để giải quyết nhiều vấn đề cấp bách. Trong đó có ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia…là căn cứ cho Chính phủ và cấp dưới ban hành các quy hoạch cấp dưới, quy hoạch ngành định hướng cho phát triển kinh tế - xã hội trong đó có Quy hoạch điện VIII. Thời gian tới, Quốc hội dự kiến đưa vào chương trình nghị sự Quy hoạch không gian biển quốc gia để xem xét thông qua.

Trong nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội Việt Nam đã rà soát đề ra 137 nhiệm vụ lập pháp quan trọng, chưa kể các nhiệm vụ phát sinh để tiếp tục hoàn thiện môi trương đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để nội luật hóa quy định của OECD về thuế tối thiểu toàn cầu. Thuế tối thiếu toàn cầu là nội dung tác động sâu sắc đến môi trường đầu tư, kinh doanh, tác động lớn đến các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu lớn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết trong năm 2023 – 2024, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội sẽ xem xét thông qua một số luật quan trọng như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổil); Luật các Tổ chức tín dụng; Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Phát triển doanh nghiệp…Chủ tịch Quốc hội đề nghị KEIDANREN với vị trí quan trọng của mình trong quan hệ với các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, quan tâm nhiều hơn, có thêm nhiều đóng góp, tham gia ý kiến tham vấn với Quốc hội Việt Nam trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện các dự án luật quan trọng này, xa hơn nữa là hợp tác tích cực hơn trong quá trình hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh bên cạnh tháo gỡ vướng mắc, giải quyết tồn đọng, khó khăn của từng doanh nghiệp thì điều quan trọng hơn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tổ chức hiệp hội tham gia đóng góp với Việt Nam trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp theo tinh thần “đôi bên cùng có lợi”.

Gắn kết chặt chẽ giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản trên 4 nhóm lĩnh vực

Trong bối cảnh hai nước đang cùng nhau thảo luận, bàn bạc để triển khai Chương trình hành động giai đoạn 9 của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong giai đoạn tới Chương trình hành động phải kết nối và gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản trên 4 nhóm lĩnh vực.

Một là, kết nối chiến lược phát triển kinh tế, các khung khổ luật pháp và chính sách của hai nước.

Hai là, hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng, hạ tầng cho chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, giao thông và các lĩnh vực quan trọng khác.

Ba là, kết nối để tăng cường năng lực sản xuất của mỗi nước, thông qua kết nối giữa các doanh nghiệp để từ đó hình thành chuỗi  sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Chủ tịch Quốc hội cho biết, phía Việt Nam rất cần và quan tâm đến việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài để chia sẻ kinh nghiệm, năng lực quản trị, công nghệ, định hướng hợp tác lâu dài giữa các doanh nghiệp.

Bốn là, kết nối trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Nhấn mạnh nội dung này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn KEIDANREN và các doanh nghiệp Nhật có tiếng nói với Chính phủ và Quốc hội Nhật Bản trong thúc đẩy hợp tác về lao động giữa hai nước. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh hợp tác lao động mà không chỉ là tu nghiệp sinh và cho biết đây là vấn đề được trao đổi từ lâu, mong muốn Nhật Bản sớm tháo gỡ những vướng mắc để hai bên có hợp tác thực sự về lao động theo quy định của pháp luật lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản. Thực tế, Việt Nam có hợp tác lao động với rất nhiều nước ở mức độ cao như Hàn Quốc là minh chứng rõ ràng nhất cho năng lực trong lĩnh vực lao động của Việt Nam.

Cho biết thêm, 4 nội dung chiến lược kết nối này không phải là nội dung mới mà là những nội dung được hai bên thống nhất trong Tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2012, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại nội dung này với mong muốn hai bên tiếp tục kiên trì, tích cực triển khai thực hiện các cam kết. Vì vậy, Chương trình hành động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản thời gian tới cần tập trung hướng đến thực hiện những vấn đề này.

Cùng với đó là những vấn đề về chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng là những vấn đề cần được tiếp tục bàn thảo. Đây là những nội dung được Quốc hội Việt Nam quan tâm, được Quốc hội Việt Nam chọn làm chủ đề của thảo luận tại Diễn đàn Nghị sĩ trẻ toàn cầu trong khuôn IPU do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức vào cuối năm. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn thời gian tới hai bên có thêm nhiều thời gian, nhiều hoạt động để thảo luận sâu hơn những vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng với quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, sự ủng hộ, góp sức của các doanh nghiệp Nhật Bản, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và các doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng châu Á Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển.

Ngọc Mai