Quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý các cấp, ngành
Chính trị - Ngày đăng : 18:35, 07/03/2023
Thủ tướng: Quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, các lĩnh vực.
Chiều ngày 7/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt đại diện nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan Trung ương và trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng và toàn thể phụ nữ Việt Nam trong nước và ngoài nước, chị em nữ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Thủ tướng nêu rõ, ngay từ thuở bình minh của lịch sử dân tộc, phụ nữ nước ta đã nêu cao tinh thần yêu nước, bất khuất, khí phách quật cường mà hình ảnh tiêu biểu là Bà Trưng, Bà Triệu và nhiều bậc tiền bối khác. Trong các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc, những tấm gương luôn tỏa sáng của nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Chiên, Võ Thị Thắng… cùng sự hy sinh cao cả của các Mẹ Việt Nam Anh hùng là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; được Bác Hồ kính yêu dành tặng cho phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".
Ngày nay, dù ở bất kỳ hoàn cảnh và vị trí, vai trò công tác nào, phụ nữ Việt Nam luôn phát huy cao độ giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp đó, đoàn kết, năng động, sáng tạo, "giỏi việc nước, đảm việc nhà", có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong phòng chống đại dịch COVID-19, để nước ta chuyển đổi thành công trạng thái từ chống dịch bằng biện pháp hành chính sang chống dịch bằng các biện pháp khoa học, có sự đóng góp quan trọng của phụ nữ.
Thủ tướng cũng cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới. Điều đó được thể hiện xuyên suốt qua các chủ trương, đường lối, chính sách, nhất là Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 16 của Trung ương, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư…, Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới… (trên thực tế, Việt Nam là một trong số hiếm hoi các quốc gia trên thế giới có 2 ngày trong năm để tôn vinh phụ nữ - ngày 8/3 và 20/10).
Đóng góp bền bỉ, to lớn của các thế hệ phụ nữ ngày càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp
Năm qua, mặc dù trong bối cảnh với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực, quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và sự cố gắng của chính chị em, công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới đã có nhiều kết quả tích cực. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh về một số kết quả cụ thể:
- Về phụ nữ tham gia hoạt động chính trị: Tỉ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và chất lượng. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội nước ta chiếm 30,3%, xếp thứ 64 trên thế giới, thứ 4 ở Châu Á và đứng đầu các nước Đông Nam Á, với năng lực, tầm nhìn, tư duy đổi mới. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 50%, tiệm cận với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025. Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã phân công đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương giữ chức Thường trực Ban Bí thư, là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận cương vị này.
- Về tham gia hoạt động khoa học: Số lượng cán bộ trí thức nữ tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng; có nhiều thành công trong nước và quốc tế, được thế giới ghi nhận, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, có nhiều tập thể và cá nhân được trao giải thưởng Kovalevskaia cao quý (trong 37 năm qua đã có 21 tập thể và 52 nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực đã được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia)…
"Và hôm nay chúng ta tổ chức trao 2 giải Kovalevskaia cho 10 nhà khoa học nữ có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc. Tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương Tập thể nữ Bộ môn Hóa dược, Khoa Công nghệ Hóa dược, Trường Đại học Dược Hà Nội và GS.TS. Lê Minh Thắng (Đại học Bách khoa Hà Nội). Đây là những tấm gương điển hình nữ về đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đại diện cho trí tuệ, khát vọng của các thế hệ người Việt Nam chúng ta", Thủ tướng nêu rõ.
- Sự đóng góp của chị em phụ nữ ở các lĩnh vực khác là rất lớn, từ các tầng lớp nông dân, công nhân, người lao động, văn nghệ sĩ, công chức, viên chức, giáo viên, nhà báo, luật sư, doanh nhân, đến các vận động viên, cán bộ ngoại giao, lực lượng vũ trang, quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc...
- Trong mỗi gia đình, phụ nữ là người giữ ấm, giữ lửa, là nguồn lực, động lực phát triển gia đình và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, của xã hội.
Những đóng góp bền bỉ, to lớn của các thế hệ nối tiếp thế hệ phụ nữ ngày càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và tiếp tục khẳng định lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tươi đẹp, rực rỡ".
“Những kết quả đạt được về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nước ta năm qua đã được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam xếp 83/146 về chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới, tăng 4 bậc so với năm 2021. Chúng ta là một trong 14 quốc gia đã trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu cao. Trong những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới và những kết quả của năm 2022, có sự đóng góp quan trọng của phụ nữ Việt Nam”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự buổi gặp mặt
Đồng thời Thủ tướng cũng chỉ rõ, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác này. Nhận thức và thực hiện về bình đẳng giới có mặt còn hạn chế. Nhiều phụ nữ nghèo gặp khó khăn trong tiếp cận kiến thức mới, đào tạo nghề, thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lao động nữ dễ bị tổn thương, bị mất việc làm, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Không ít lao động nữ xuất khẩu, giúp việc gia đình, lấy chồng nước ngoài còn đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro. Việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ, bảo đảm nhà trẻ, trường học cho con em công nhân ở các khu công nghiệp còn hạn chế, nhất là việc bảo đảm nhà ở xã hội. Môi trường an toàn cho trẻ em chưa thực sự được bảo đảm, nhất là liên quan tới kỹ năng sinh tồn, chống đuối nước, cháy nổ, tai nạn, bạo lực, ma túy học đường. Bạo lực gia đình vẫn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để. Định kiến giới và những rào cản về văn hóa vẫn đang ảnh hưởng đến sự phát triển chung của phụ nữ...
Thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm
Thủ tướng nhấn mạnh, việc bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia, thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một nhiệm vụ mang tính dài hạn, liên tục, cần sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể và cả xã hội.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới…". Để phát huy tài năng, trí tuệ, lòng nhân ái và truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc phục hồi và phát triển KTXH; đồng thời thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Các cấp lãnh đạo đi sát hơn, thiết thực hơn, thì phong trào phụ nữ chắc rộng hơn, mạnh hơn nữa".
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, hội phụ nữ, thực hiện tốt các trọng tâm sau:
Tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực chất các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Tập trung thực hiện hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; 3 chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến công tác phụ nữ, bình đẳng giới. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong đó đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Bình đẳng giới, Luật Dân số; hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và các văn bản có liên quan.
Quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu.
Bộ Nội vụ triển khai hiệu quả Đề án Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023-2025.
Tạo môi trường, điều kiện để phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối (blockchain)…; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít carbon, kinh tế tri thức...
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia tiếp tục lựa chọn và tôn vinh các tập thể, cá nhân nữ tiêu biểu có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, có giá trị thiết thực, tạo động lực, truyền cảm hứng, có tính lan tỏa cao trong đời sống xã hội. Trong đó, lưu ý quan tâm đến các khoa học nữ trẻ, dân tộc thiểu số có nhiều triển vọng.
Đối với các cấp Hội phụ nữ, cần tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được thời gian qua, tăng cường tính chủ động, sáng tạo, để thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng, truyền thống nhân hậu, đảm đang, trí tuệ và cống hiến sẽ được kế thừa, nuôi dưỡng và phát triển trong mỗi người phụ nữ Việt Nam. Phẩm chất tốt đẹp ấy là sự hội tụ của trí tuệ, bản lĩnh, tảo tần, sự hy sinh để nuôi dưỡng tình yêu thương, hạnh phúc cho mỗi thành viên trong gia đình và đóng góp cho xã hội, cộng đồng. Phẩm chất ấy sẽ mãi tỏa sáng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng hùng cường và thịnh vượng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.