Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tăng cường hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược, triển khai ODA thế hệ mới
Chính trị - Ngày đăng : 09:36, 07/03/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Thư ký Ban An ninh quốc gia Nhật Bản Akiba Takeo
Thủ tướng đánh giá chuyến thăm rất có ý nghĩa, đúng vào năm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Thủ tướng khẳng định, trong tổng thể đường lối đối ngoại của Việt Nam, Nhật Bản luôn ở vị trí ưu tiên cao, Việt Nam nhất quán coi Nhật Bản là đối tác chiến lược tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung, ủng hộ và mong muốn Nhật Bản phát huy vai trò, đóng góp ngày càng tích cực ở khu vực và trên thế giới, trong đó có vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2024, Chủ tịch G7 trong năm 2023, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Thủ tướng cho biết Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Chia sẻ thêm về đường lối đối ngoại của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, xuất phát từ lịch sử phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh để giành độc lập, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam rất yêu chuộng và thấu hiểu giá trị của hòa bình, khẳng định sự cần thiết của việc bảo đảm tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có việc không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải; đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến, hành động vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, đồng thời ủng hộ các nỗ lực, sáng kiến, hợp tác của các nước vì mục tiêu này; trước các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, cần phát huy đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, vì một Trái đất bình yên, người dân được ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Thư ký Ban An ninh quốc gia Nhật Bản vui mừng nhận thấy, 50 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được hai nước dày công vun đắp đã không ngừng phát triển mạnh mẽ và đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất với sự tin cậy chính trị ở mức cao.
Giao lưu đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên; đầu tháng 2/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Kishida Fumio đã điện đàm trực tuyến; trong hơn một năm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã gặp nhau 4 lần. Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn phía Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó có hỗ trợ về vaccine.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường với nhiều thách thức mới tác động trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển, trong đó có Việt Nam, đặt ra yêu cầu hai nước cần tăng cường quan hệ, phát huy hiệu quả hơn nữa các cơ chế hợp tác và phối hợp chặt chẽ hơn về các vấn đề chiến lược ở khu vực, chung tay góp phần xử lý các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân.
Thủ tướng đề nghị hai bên cần phối hợp tổ chức tốt các sự kiện quan trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trên tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả".
Thủ tướng cho biết Việt Nam mong được đón Nhà vua và các lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản sang thăm Việt Nam trong năm 2023. Thông qua ngài Tổng Thư ký, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Nhà vua, Hoàng hậu, các thành viên Hoàng gia, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện Nhật Bản.
Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tiếp tục cụ thể hóa, triển khai nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; tăng cường hợp tác thực chất trong các lĩnh vực; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, nhất là trong phát triển hạ tầng chiến lược, sớm triển khai ODA thế hệ mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu…, hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả.
Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi, chia sẻ tầm nhìn chiến lược về tình hình quốc tế, khu vực; ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, cơ chế đa phương; ứng phó hiệu quả những thách thức, biến động nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực; tiếp tục phối hợp thúc đẩy liên kết kinh tế, tự do thương mại tại khu vực…
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục quan tâm, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và người Nhật Bản tại Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc, phát huy vai trò cầu nối, đóng góp tích cực hơn nữa cho quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.
Tổng Thư ký Ban An ninh quốc gia Nhật Bản Akiba Takeo khẳng định quan hệ Việt Nam – Nhật Bản rất đặc biệt, có vai trò quan trọng; cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian đón tiếp, đánh giá cao những đóng góp của Thủ tướng trong thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Ông Akiba Takeo cho biết phía Nhật Bản mong muốn tăng cường quan hệ hơn nữa với Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mong muốn sớm được gặp lại Thủ tướng Phạm Minh Chính; bày tỏ hoàn toàn ủng hộ các đề xuất, chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp và sẽ báo cáo với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, phối hợp với các cơ quan chức năng của hai nước để triển khai, tiếp tục đóng góp để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước lên tầm cao mới.
Ông cũng đánh giá cao và cho biết phía Nhật Bản đã tham khảo, học hỏi được nhiều điều từ đường lối đối ngoại, hội nhập của Việt Nam; tin tưởng vị thế và uy tín của Việt Nam sẽ tiếp tục được nâng cao, đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại cuộc gặp, hai bên trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhấn mạnh tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật, đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương trong quan hệ quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên biển, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.