Tuyển sinh 2023: Bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất theo năng lực thí sinh
Giáo dục - Ngày đăng : 13:51, 04/03/2023
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyển sinh đối với học sinh, gia đình và toàn xã hội. Tuyển sinh không chỉ là việc riêng của mỗi trường đại học mà là sân chơi chung của các trường đại học trong hệ thống, là trách nhiệm của toàn ngành. Trách nhiệm của Bộ GDĐT, các Sở GDĐT, các trường THPT, các cơ sở GDĐH phải bảo đảm tính công bằng, sự tin cậy, bình đẳng trong hệ thống, tạo cơ hội tốt nhất cho người học trong các kỳ tuyển sinh.
Được đổi mới nhiều năm nay, nhất là từ năm 2015, 2016, công tác tuyển sinh đã dần đi vào ổn định như mong muốn của toàn xã hội, đúng theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.
So với trước, công tác thi và tuyển sinh đã trở nên nhẹ nhàng, giảm bớt áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, ngày càng công bằng hơn, tạo cơ hội thuận lợi cho thí sinh lựa chọn ngành học tốt nhất.
Mùa tuyển sinh 2023 sẽ bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất theo nguyện vọng và năng lực thí sinh; cải tiến kỹ thuật để thuận tiện cho thí sinh và công tác xét tuyển.
Hội nghị Tuyển sinh 2023 sẽ đánh giá kết quả đạt được, tác động của đổi mới; đồng thời nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá thấu đáo những vấn đề bất cập, những khó khăn, hạn chế trong toàn bộ công tác tuyển sinh, từ việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cho tới xây dựng các phương thức tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, các hệ thống phần mềm hỗ trợ, công tác nhập học.
Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy cho biết, Quy chế Tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN (Quy chế) ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT đã đưa ra các nguyên tắc, khung cơ bản, yêu cầu tối thiểu, đảm bảo tính công bằng, minh bạch cho cả thí sinh và các cơ sở đào tạo (CSĐT).
Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất, thực hiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến thuận tiện, được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực.
Các CSĐT được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các CSĐT tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố. Bộ GDĐT có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả CSĐT phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các CSĐT điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh.
Tuy nhiên, một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, một số CSĐT đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; một số khó khăn trong truy nhập Hệ thống nộp lệ phí trực tuyến. Những hạn chế trong xét tuyển sớm, các cơ sở, lĩnh vực tuyển kém và nguyên nhân cũng được nghiêm túc nhìn nhận và chỉ rõ trong báo cáo.
Năm 2023, công tác tuyển sinh về cơ bản giữ ổn định, áp dụng Quy chế tuyển sinh 2022. Cùng với việc áp dụng chính sách điểm ưu tiên có hiệu lực từ năm 2023 và CSĐT cần ban hành quy chế tuyển sinh riêng, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh thêm một số lưu ý, điểm mới và giải pháp để tiếp tục cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế năm 2022.
Đặc biệt, CSĐT cần phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển; loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả; có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển…
Các giải pháp hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL), hạn chế nhầm lẫn, sai sót về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên và vấn đề thí sinh tự do; công tác tuyển sinh của một số ngành, lĩnh vực và CSĐT; công tác xử lý rủi ro trong tuyển sinh năm 2023 cũng cần được chú trọng.