Làm rõ cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm
Chính trị - Ngày đăng : 11:47, 04/03/2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 4/3/2023
Sáng nay (4/3), tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức toạ đàm góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đồng chủ trì hội thảo.
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và các chuyên gia, nhà khoa học, các giảng viên, học viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tọa đàm do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, được kết nối trực tuyến với 5 Học viện trực thuộc.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh lại kết luận của Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có 4 vấn đề mang tính nguyên tắc gồm:
Một là, bám sát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng, chính sách trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt là 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ; những vấn đề Trung ương đã thảo luận nhưng chưa có kết luận thì không đưa vào dự án luật.
Hai là, kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn. Luật hóa, cụ thể hóa tối đa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật đã được áp dụng hiệu quả qua các thời kỳ. Phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm. Chỉ rõ vướng mắc, “lỗ hổng” để giải quyết, tránh tình trạng giải quyết được điểm nghẽn này lại xuất hiện điểm nghẽn khác, bịt được lỗ hổng này lại sinh ra lỗ hổng khác, chống cài cắm lợi ích nhóm trong quá trình sửa đổi Luật.
Ba là, phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Cân nhắc kỹ, không đưa vào luật những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng mang tính sự vụ, hiện tượng nhỏ lẻ, cá thể.
Bốn là, quá trình sửa đổi luật cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học, khách quan, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm các nước, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; tiếp thu, giải trình đầy đủ, cầu thị; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.
Chủ tịch Quốc hội: Làm rõ cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai để góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai.
Đặc biệt nhấn mạnh tính khả thi của Luật Đất đai để khi được Quốc hội thông qua thì vận hành được thông suốt trong thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở một số vấn đề đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tập trung đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật.
Một là, nhóm vấn đề về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai, nhất là việc minh định giữa đại diện chủ sở hữu về đất đai với quản lý nhà nước về đất đai; giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng chủ thể; cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai để góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Đất đai là tài sản đặc biệt, có giá trị và ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống xã hội. Đây cũng là một trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và nghiêm trọng nhất. Hiện có khoảng 70% khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài. Do vậy, khi thiết kế các quy định của Luật Đất đai phải bảo đảm nguyên tắc phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát khoa học, hiệu quả giữa các cơ quan, chủ thể có trách nhiệm trong quản lý Nhà nước.
Hai là, thể chế hóa đầy đủ, khoa học, khả thi các quy định của số 18-NQ/TW liên quan tới các vấn đề về tài chính đất đai và giá đất. Đây là nội dung rất quan trọng và cũng rất khó của dự thảo luật đất đai. Thời gian qua cũng có nhiều vi phạm pháp luật trong xác định giá đất, làm thất thoát ngân sách, mất cán bộ.
Ba là, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu thảo luận làm rõ hơn tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai với Luật Quy hoạch; làm rõ hơn về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về tính chất, vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh; về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giải quyết phát sinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi Luật đất đai có hiệu lực thi hành.
Bốn là, về các quy hoạch về thu hồi đất, nhất là các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Năm là, về chế độ sử dụng các loại đất.
Sáu là, vấn đề bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật bởi qua rà soát của Chính phủ có 22 luật, bộ luật có quy định vướng mắc, chồng chéo với các quy định trong Luật Đất đai. Lưu ý điều này sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức thi hành Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đây cũng là vấn đề rất khó trong quá trình thảo luận còn ý kiến khác nhau.