Đêm nhạc ‘Giấc mơ Trịnh’ kỷ niệm 22 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 18:28, 02/03/2023
Nép mình trong một ngõ nhỏ của Hà Nội, phòng trà Trịnh Ca dường như tách biệt với phố xá ồn ào, đông đúc. Đi qua bụi tre mang dáng dấp quê nhà hồn hậu, những Trịnh khách sẽ bước vào cõi Trịnh, không gian sâu lắng nơi những bản nhạc xưa vang lên, kết nối những tâm hồn yêu nhạc Trịnh, yêu những ca khúc trữ tình và muốn tìm một nơi nương náu cho tâm hồn trong âm nhạc.
Trịnh Ca cứ âm thầm, bền bỉ duy trì sứ mệnh của mình như vậy suốt 15 năm qua. Tới đây, phòng trà đặc biệt này sẽ tổ chức một đêm nhạc tại thánh đường nghệ thuật Nhà hát Lớn Hà Nội để đánh dấu một chặng đường hoạt động của mình cũng là để tưởng nhớ nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn.
Không gian văn hóa của những người yêu nhạc
“Đời ta có khi tựa lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do…”
Không quá lời khi nói rằng Trịnh Ca là một không gian văn hóa của những người yêu nhạc Trịnh cũng như những tình khúc vượt thời gian của các nhạc sỹ Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An…
Trịnh Ca có 15 năm đóng góp cho âm nhạc Hà Nội theo một cách rất riêng. Những tụ điểm biểu diễn khác thường hào nhoáng ồn ào, thỉnh thoảng có sự xuất hiện của các ngôi sao. Còn Trịnh Ca chỉ là một chốn giản dị nép mình trong con ngõ nhỏ, không có những ca sỹ ngôi sao, chỉ có những người nghệ sỹ yêu âm nhạc. Họ không có tên tuổi hoành tráng nhưng lao động nghệ thuật nghiêm túc, gắn bó với Trịnh Ca suốt từ khi mới thành lập: Diệu Thúy, Bích Ngọc, Lê Tâm… hay những giọng ca trẻ hơn như Trịnh Trí Anh…
Các nghệ sĩ chia sẻ về đêm nhạc “Giấc mơ Trịnh”.
Họ vẫn tìm về Trịnh Ca để được hát cho những người yêu nhạc, như để đáp lại tình cảm tri âm giữa những tâm hồn đồng điệu, và chính bản thân những người nghệ sỹ hát ở Trịnh Ca cũng như để được thỏa niềm đam mê và tìm một nơi trú ẩn an yên cho bản thân mình. Không quá lời khi gọi họ là những nghệ nhân của nhạc Trịnh.
Trịnh Ca hàng đêm đều đỏ đèn, livestream trên mạng xã hội cho đông đảo khán giả trong nước và nước ngoài theo dõi. Đặc biệt, trong thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành khiến cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn bị ngưng trệ, phòng trà Trịnh Ca vẫn duy trì livestream, thu hút hàng trăm nghìn người cùng theo dõi, chia sẻ, ủng hộ. Ở xa Tổ quốc, kiều bào vẫn được nghe những thanh âm trữ tình, da diết, thuần Việt.
Tới đây, khi Trịnh Ca tổ chức đêm nhạc tại Nhà hát Lớn, dù không gian hữu hình có sự thay đổi nhưng không gian vô hình thì vẫn thấm đẫm tinh thần Trịnh Ca, vẫn không có ngôi sao, chỉ là nơi gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu. Những nghệ sỹ, khán giả quen thuộc của Trịnh Ca sẽ tìm đến đêm nhạc như sự hành hương về với cõi Trịnh.
Đại diện Trịnh Ca cho biết khán giả của phòng trà này có thể chia làm 2 nhóm. Một là những người trong lòng có tâm sự, họ muốn đến nghe nhạc để được nghe tiếng lòng mình vang lên trong những câu hát, để tự sự với chính mình, trải lòng qua âm nhạc. Một nhóm nữa là những người muốn tìm đến những giá trị nghệ thuật, triết lý trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, muốn bước vào cõi mơ của nhạc sỹ tài hoa, để nhận ra rằng giấc mơ của ông cũng chính là giấc mơ của mình.
Điều kết nối người nghe và ca sỹ chính là sự đồng cảm trong những tư tưởng, triết lý đó. Có người nói rằng nhạc Trịnh càng nghe càng thấm, càng hiểu thì càng yêu. Có những câu hát hôm nay nghe, ngày mai nghe nhưng có khi nhiều năm sau mới hiểu và thấm thía.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang và NSX Ngọc Châm.
Trịnh Công Sơn có viết: "Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được".
Có những câu nói của ông đã trở thành triết lý được người ta suy ngẫm, chiêm nghiệm mãi cho đến sau này cũng không bao giờ cũ:
"Khi người ta trẻ, người ta nghĩ có thể dễ dàng từ bỏ một mối tình. Vì người ta nghĩ rằng những hạnh phúc, những điều mới mẻ nhất sẽ đến trong tương lai. Cũng có thể. Nhưng… Người ta đâu biết rằng những gì ta mong muốn và cần nhất chỉ đến một lần trong đời."
Lan tỏa và kết nối những tâm hồn yêu Trịnh
Để lan tỏa những giá trị đó, phòng trà Trịnh Ca kết hợp với đơn vị tổ chức Vàng son một thuở để tổ chức đêm nhạc tại Nhà hát Lớn.
Nhà sản xuất Ngọc Châm chia sẻ: Các show ca nhạc hiện nay đang bùng nổ, tôi nghĩ phải làm sao có những chương trình mang lại cảm xúc, được xây dựng dựa trên cảm xúc chứ không phải mời sao nọ sao kia hát rồi kết thúc chương trình, mọi thứ trôi đi, không để lại dư âm dư vị.
Những triết lý và tinh thần Trịnh Ca rất phù hợp với tôn chỉ hoạt động của đơn vị này trên hành trình tìm lại vàng son một thuở.
Ngọc Châm cho biết việc cô đang làm thực chất không phải là việc đơn thuần tổ chức các đêm nhạc giống như một bầu sô. Mà cái chính là để nâng cao nhận thức cho khán giả, tôn vinh các giá trị nghệ thuật, tôn vinh những con người đã sáng tạo ra nghệ thuật thực sự. Đó chính là lý do mà đêm nhạc của Trịnh Ca không ngôi sao, không chiêu trò hay những hiệu ứng hào nhoáng thời thượng chỉ có âm nhạc là yếu tố duy nhất gắn kết. Tổng đạo diễn chương trình là nhạc sỹ Nguyễn Quang và nghệ sỹ guitar Đạo Nguyễn phụ trách phần hòa âm phối khí.
Nguyễn Quang là con trai trưởng của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, Nguyễn Quang được nghe những tình khúc vượt thời gian ngay từ trong bụng mẹ. Trưởng thành với cái nôi âm nhạc, cách đây 15 năm, Nguyễn Quang đã từng nổi danh cùng ban nhạc Mặt Trời Đỏ với những người bạn nhạc sỹ nổi tiếng như Kim Tuấn, Quốc Dũng. Anh có một thời kỳ hoạt động âm nhạc hết sức sôi nổi. Cái tên Nguyễn Quang được giới làm nhạc biết đến với rất nhiều bản hòa âm phối khí sáng tạo. Những năm sau đó, Nguyễn Quang sang Mỹ học tập và tốt nghiệp đạo diễn tại trường âm nhạc LA Music Colleges. Trở lại Việt Nam, Nguyễn Quang được mời làm giám đốc âm nhạc cho hai chương trình ca nhạc truyền hình đình đám hiện nay trên VTV9 đó là Sol Vàng và Tình khúc vượt thời gian.
Lắng nghe tình khúc Trịnh Công Sơn và câu chuyện của những người sáng lập Trịnh Ca, nhạc sỹ Nguyễn Quang xúc động và quyết định đồng hành cùng chương trình.
Chương trình cũng nhằm mục đích kết nối những nghệ sỹ trẻ, tạo ra sự trao truyền, tiếp nối những giá trị trong nhạc trữ tình nói chung và nhạc Trịnh Công Sơn nói riêng.
Như đã nói ở trên, những nghệ sỹ đến với Trịnh Ca và gắn bó nhiều năm có thể không phải ngôi sao hay những cái tên “hot” trong làng nhạc Việt. Họ là những người đồng điệu trong tâm hồn, khao khát thể hiện nỗi lòng của mình qua âm nhạc.
Trong đêm nhạc tới đây, sự tiếp nối của các thế hệ thể hiện rất rõ, có những người ở tuổi 7X như ca sỹ Mai Loan, Thanh Hương…, cũng có những nghệ sỹ trẻ lứa tuổi 9X như Hoàng Trang, Trịnh Trí Anh…
Sự nối tiếp ấy rất cần thiết để duy trì tính thiện trong âm nhạc Trịnh Công Sơn và dòng nhạc tình mà Trịnh Ca theo đuổi suốt nhiều năm qua.
Ca sĩ trẻ Hoàng Trang, Trịnh Trí Anh sẽ tham gia Giấc mơ Trịnh vào ngày 1/4 tới đây.
Lần đầu tiên, những người hát nhạc Trịnh ở chốn bình dị đơn giản Trịnh Ca sẽ cất giọng tại Nhà hát Lớn. Qua bàn tay phù phép của nhạc sỹ Nguyễn Quang-nghệ sỹ Đạo Nguyễn, họ không còn là những ca sỹ hát phòng trà mà là những sứ giả nghệ thuật, những giọng ca cất lên từ một thánh đường nghệ thuật. Họ sẽ cùng kể những giấc mơ của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn về một thế gian có tình người.
Nghệ sỹ Đạo Nguyễn sẽ hòa âm phối khí, dàn dựng theo phong cách mới, làm cho bài hát lộng lẫy sang trọng hơn. Vẫn là Trịnh đấy, nhưng khi vang lên trong không gian khác biệt, những bản phối mới sẽ mang lại sức sống mới cho âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Sự thay đổi này, các khán giả yêu mến Trịnh Ca sẽ cảm nhận được.
Đêm nhạc đơn thuần đánh dấu 15 năm nhạc sỹ tài hoa rời cõi tạm, song những người xây dựng nên phòng trà mang tên ông sẽ để cho tình yêu và niềm tin vào những điều thiện lành trong đời tiếp nối thành một dòng chảy không ngừng, để Trịnh Ca tiếp tục bình dị đóng góp cho âm nhạc Hà Nội một góc riêng.
Qua đây, những người tổ chức một lần nữa khẳng định sức ảnh hưởng lớn của Trịnh Công Sơn: Dù ông đã rời cõi tạm nhiều năm nhưng âm nhạc của ông luôn có sức sống mạnh mẽ.
Kịch bản và dẫn chương trình: MC Kim Nguyên Bảo cũng là người gắn bó nhiều năm với Trịnh Ca.
Tất cả sẽ cùng làm nên một đêm nhạc đáng nhớ với khán giả Thủ đô vào ngày 1/4.