TAND tỉnh Đồng Tháp: Áp dụng có hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết án hành chính
Tòa án địa phương - Ngày đăng : 09:16, 02/03/2023
Tỷ lệ giải quyết án hành chính tăng cao
Năm 2022, Tòa Hành chính đã thụ lý 86 vụ án, giải quyết 70 vụ, đạt tỷ lệ 81,40%, không có án quá hạn. Chất lượng giải quyết án được nâng lên, sửa án 2 vụ, không có án bị hủy. So với chỉ tiêu trên giao là 65% thì vượt mức 16,4%. Có 100% bản án đã có hiệu lực pháp luật được công bố trên cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Trong những năm gần đây, số lượng án hành chính của TAND tỉnh Đồng Tháp thụ lý ngày càng tăng, do địa phương có nhiều dự án đầu tư, dẫn đến việc cơ quan nhà nước thực hiện thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; thu hồi và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khiếu nại trong lĩnh vực đất đai tăng.
Hầu hết, người bị kiện là UBND, Chủ tịch UBND cho nên thẩm quyền giải quyết thuộc TAND tỉnh, điều này đã gây áp lực không nhỏ cho đội ngũ làm công tác xét xử án hành chính, Tòa án tỉnh quyết tâm phải kịp thời giải quyết các khiếu kiện không để xảy ra bức xúc trong nhân dân, góp phần ổn định xã hội.
Thẩm phán Lê Thị Trúc Phương, Chánh tòa Tòa Hành chính TAND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, để có được tỷ lệ giải quyết án hành chính cao như trên, tòa luôn quán triệt sự lãnh chỉ đạo sâu sát của Ban lãnh đạo TAND tỉnh, nhất là quán triệt Quy chế số 29-QCPH/BCSUBND-TA ngày 15/7/2019 giữa Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh.
Từ khi có Quy chế này việc chấp hành Luật tố tụng hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh ngày càng được thực hiện tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án trong quá trình thụ lý, thu thập tài liệu chứng cứ, đối thoại và xét xử.
Thẩm phán Lê Thị Trúc Phương, Chánh tòa Tòa Hành chính TAND tỉnh Đồng Tháp
Các Thẩm phán giải quyết án hành chính luôn tham dự 100% các đợt tập huấn, hội nghị trực tuyến về giải quyết các vướng mắc khó khăn trong giải quyết án hành chính của TANDTC. Quán triệt cho các Thẩm phán và Thư ký giải quyết án hành chính phải thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan tố tụng cùng cấp, các cơ quan tư pháp, cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở ban ngành trong việc thu thập tài liệu chứng cứ để giải quyết vụ án được nhanh chóng và đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, Thẩm phán giải quyết án hành chính tập trung nghiên cứu tài liệu chứng cứ vụ án, nghiên cứu pháp luật vận dụng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân cũng như yêu cầu thực hiện tình hình chính trị của địa phương, từ đó có thêm căn cứ giải quyết các vụ án được chính xác, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, ổn định tình hình chính trị địa phương.
Nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết án
Thẩm phán Lê Thị Trúc Phương chia sẻ, trong giải quyết án hành chính việc thu thập tài liệu chứng cứ của các cơ quan nhà nước thường gặp khó khăn do việc lưu giữ tài liệu ở nhiều các cơ quan chuyên môn khác nhau dẫn đến việc lưu giữ tài liệu không liên tục, tập hợp tài liệu không đầy đủ, mặt khác do việc lưu trữ qua nhiều năm, nhiều giai đoạn nên có sự mất mát, thất lạc làm cho nguồn tài liệu chứng cứ khi được giao đến tòa không được liên tục, đầy đủ gây khó khăn cho Thẩm phán trong việc đánh giá chứng cứ khi phán quyết.
Để giải quyết vấn đề này, Thẩm phán giải quyết án hành chính ngoài việc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp tài liệu theo đúng luật định, còn thực hiện biện pháp khác bằng thông tin liên lạc qua điện thoại, Zalo nhắc nhở thường xuyên các đầu mối của các cơ quan nhà nước cung cấp sớm tài liệu chứng cứ, hoặc thông tin cụ thể các vấn đề khác liên quan đến nội dung vụ án.
Trong trường hợp cần thiết có thể thông qua ban tư vấn của cơ quan nhà nước tìm ra giải pháp giải quyết nhanh về tài liệu và nội dung còn vướng mắc. Từ đó, đã khắc phục đáng kể việc chậm cung cấp tài liệu của các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, công tác đối thoại phải được quan tâm đúng mức, Tòa Hành chính xác định đối thoại là bước thực hiện tố tụng quan trọng có thể quyết định đến đường lối giải quyết vụ việc cho nên kiên trì tổ chức tốt việc đối thoại để cho người dân tiếp xúc trực tiếp với người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, được trình bày trực tiếp những tâm tư nguyện vọng của mình cũng như đưa ra các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho các yêu cầu của mình.
Nhờ vậy trong năm 2022 đã có nhiều vụ án hành chính mà người dân được đối thoại với người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.
Một phiên tòa xét xử trực tuyến án hành chính của TAND tỉnh Đồng Tháp
Trong đối thoại, Thẩm phán luôn thể hiện sự công bằng, bình đẳng giữa các đương sự, gợi ý cho các bên tự tranh luận với nhau đưa ra những chứng cứ và viện dẫn đúng các quy định của pháp luật và kết quả là sau cuộc đối thoại nhiều vụ án hành chính đã đình chỉ giải quyết do người bị kiện rút quyết định hành chính hoặc người khởi kiện rút đơn khởi kiện do quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được đảm bảo.
Án hành chính là loại án phức tạp và nhạy cảm, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, Thẩm phán giải quyết án hành chính phải tham dự đầy đủ các đợt tập huấn chuyên môn nhất là các đợt hội nghị trực tuyến chuyên sâu về hành chính.
Tiếp tục tăng cường việc thực hiện Quy chế số 29, các cơ quan hành chính nhà nước cung cấp tài liệu chứng cứ đúng thời gian luật định, tham dự đầy đủ các phiên đối thoại, phiên tòa do Tòa án triệu tập, đồng thời cử người đại diện có đủ năng lực trình độ nắm chắc vụ án để có ý kiến chuẩn xác có giá trị nhằm làm cho việc tranh tụng tại Tòa án được ngày càng nâng cao về chất lượng.
Thẩm phán phải chủ động báo cáo, đề xuất với lãnh đạo hướng giải quyết vụ án để kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn.
Thẩm phán phải xem kỹ năng đối thoại là một trong những yếu tố quan trọng để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết án. Thẩm phán cần trao đổi với người bị kiện về các căn cứ ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện, giúp người bị kiện thấy rõ những sai sót của mình, tự thu hồi quyết định rút ngắn thời gian giải quyết vụ án.
Thẩm phán cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của đương sự, xác định vấn đề đúng sai trong sự việc, tiếp cận và giải quyết mâu thuẩn kịp thời một cách khéo léo và có tính thuyết phục cao rút ngắn thời gian xét xử.
Mặt khác Thẩm phán giải quyết án hành chính không vì nể nang e dè mà ngần ngại trong công tác giải quyết án hành chính, cần có bản lĩnh và quyết tâm bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng như vậy mới mang đến sự công bằng trong xã hội, tạo được sự tin tưởng của người dân vào công lý.