Kiên Giang: Tổ chức Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây đoàn kết, vui tươi, an toàn và tiết kiệm
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 12:24, 28/02/2023
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay diễn ra từ ngày 14/4 đến ngày 16/4/2023 (nhằm ngày 24, 25 và 26 tháng 02 âm lịch). Để lãnh đạo tổ chức những ngày Tết diễn ra tốt đẹp, phù hợp với truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang yêu cầu các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh lãnh đạo tổ chức tốt Tết Cổ truyền Chôl Chnăm Thmây trên tinh thần “đoàn kết, vui tươi, an toàn và tiết kiệm”, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer, gắn với việc phòng, chống các dịch bệnh, không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của đồng bào trước, trong và sau Tết.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện để đồng bào tổ chức các hoạt động phù hợp với truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer; tổ chức thăm, chúc Tết các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các vị chức sắc tiêu biểu, gia đình chính sách, cán bộ hưu trí và những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer.
Vận động giúp đỡ, hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn được đón Tết. Các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp tổ chức họp mặt, chúc tết và tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, công nhân lao động là người dân tộc Khmer được nghỉ để đón Tết.
Tổ chức họp mặt cho đại biểu là người dân tộc Khmer tiêu biểu trong tỉnh; tổ chức đoàn đến thăm, chúc Tết cán bộ là người Khmer (đang công tác và đã nghỉ hưu), các vị sư sãi, chức sắc, chức việc gia đình chính sách và người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer. Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tết quân dân thiết thực và hiệu quả mừng Tết Cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer.
Biểu diễn nghệ thuật của người Khmer mỗi dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây (Ảnh: Tạp chí MT&CS)
Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ đồng bào trong dịp Tết. Tăng cường tuyên truyền về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, gương người tốt việc tốt, người có uy tín tiêu biểu, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp và nội dung các hoạt động Tết Cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Bảo đảm an ninh, trật tự trong những ngày Tết.
Tổ chức đón Tết gắn với tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm gắn với việc đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; đồng thời đề cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn, hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của phần tử xấu nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Động viên đồng bào nêu cao ý thức tự lực, tự cường, ra sức thi đua sản xuất, kinh doanh, thực hành tiết kiệm, đoàn kết giúp nhau xây dựng cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc.
Tết Chôl Chnăm Thmây còn gọi là Tết “chịu tuổi”, thông thường những ngày này người Khmer tập trung vào chùa. Tại chùa các vị Chư tăng tổ chức lễ với những nghi lễ, ý nghĩa khác nhau. Ngày thứ nhất có tên gọi là Sang-kran “bước đi, tiến tới”. Ngày thứ hai gọi là Wana-bot “thiếu hoặc thừa”. Ngày thứ ba gọi là Lơn-sắtk “tiến lên, tăng lên”.
Gần đến ngày Tết các vị chức việc của các chùa Phật giáo Nam tông Khmer như (A-Cha, Ban quản trị), quy tựu các con em Phật tử, mọi người cùng với Chư tăng tập trung dọn dẹp, trang trí sơn phết lại ngôi chùa với nhiều màu sắc rực rỡ rất đẹp.
Còn nhà các gia đình đồng bào dân tộc Khmer nào cũng tập trung ăn mặc đẹp, mọi nhà đều sửa sang, quét dọn, trang trí lại, chuẩn bị đồ ăn, thức uống, bánh trái, hoa quả, cá thịt… tất cả đều sẵn sàng đầy đủ cho những ngày Tết. Cho dù giàu hay nghèo đều không thể thiếu được Num-Chrụt (bánh tét), Num-tean (bánh ít) và Num-Kha-Nhây (bánh gừng)… các loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, làm ăn thịnh vượng, được mùa của người Khmer, dùng để cúng trên bàn thờ ông bà tổ tiên; dùng làm lễ vật, đi chùa và để tiếp khách trong những ngày Tết.