Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Giáo dục và đào tạo Đồng bằng sông Cửu Long đã thoát khỏi vùng trũng'
Giáo dục - Ngày đăng : 17:36, 27/02/2023
Ngày 27/2, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh; Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ; Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành; Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ; Phó Chủ nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry.
Các đại biểu về dự hội nghị
Hội nghị còn có sự tham dự của các Thứ trưởng Bộ GDĐT: Phạm Ngọc Thưởng, Hoàng Minh Sơn; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, lãnh đạo Sở GDĐT các tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ và một số Bộ, ngành.
Giáo dục đạt nhiều kết quả nhưng còn khó khăn, thách thức
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 01 thành phố trực thuộc Trung ương là TP. Cần Thơ và 12 tỉnh gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: ĐBSCL là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị và quốc phòng - an ninh; là địa bàn giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, thủy sản, du lịch; có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước.
Giáo dục và đào tạo của vùng ĐBSCL đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sự quan tâm của toàn xã hội trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo của vùng vẫn còn đầy thách thức, nhiều khó khăn cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục và phát triển trong thời gian sắp tới.
Theo Bộ trưởng, tại Hội nghị, các địa phương sẽ cùng thảo luận để đề ra các giải pháp để phát triển giáo dục vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó tập trung vào việc nhận diện tình hình, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đã làm được trong thời gian qua và cùng nhau đề ra các giải pháp.
“Chắc chắn không ai hiểu tình hình bằng chính các đồng chí lãnh đạo địa phương và cũng không ai mong muốn cho sự phát triển giáo dục và đào tạo bằng chính các đồng chí lãnh đạo, cán bộ địa phương. Vấn đề hôm nay là chúng ta nhìn lại một cách tổng quan nhất, chia sẻ kinh nghiệm và cùng lưu ý nhau về cách làm và giải pháp. Các địa phương đã quan tâm thì phải cùng tiếp tục quan tâm hơn để cùng nhau sát cánh. Các Bộ, ngành sẽ tăng cường sự thấu hiểu, đồng hành và hỗ trợ để các địa phương đã quyết tâm càng quyết tâm hơn phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương và của cả vùng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội nghị.
Báo cáo tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học 2019-2020, vùng ĐBSCL có tổng số có 2.002 cơ sở giáo dục mầm non với 584.099 trẻ em; 5.671 cơ sở giáo dục tiểu học với 1.251.886 học sinh; 1.341 cơ sở giáo dục THCS với 994.697 học sinh; 350 cơ sở giáo dục THPT với 433.072 học sinh. Toàn vùng có 176.173 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông.
Trong 10 năm (2011-2021), giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL tiếp tục ổn định và phát triển về quy mô mạng lưới trường, lớp, số học sinh/sinh viên từ mầm non đến đại học, được rà soát, sắp xếp theo hướng phù hợp với nhu cầu xã hội về ngành nghề và đa dạng về loại hình. Các ngành học, bậc học được giữ vững và phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được đảm bảo, quan tâm bên cạnh việc đầu tư cho giáo dục chất lượng cao. Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì và nâng cao sau từng năm.
Điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục tiệm cận với mức trung bình chung của cả nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, vùng ĐBSCL vẫn có một số chỉ số về giáo dục và đào tạo đạt mức trung bình và trên trung bình so với cả nước.Từ việc chỉ có Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay toàn vùng 17 trường đại học (trong có 6 trường đại học ngoài công lập), 10/13 tỉnh, thành phố đã có trường đại học. Tại các tỉnh còn lại đều có phân hiệu của các trường đại học hoặc có chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Việc huy động trẻ đến trường còn thấp, nhất là trẻ nhà trẻ. Mạng lưới trường, lớp mầm non còn phân tán, nhiều địa phương còn nhiều điểm trường, đặc biệt là ở những vùng có nhiều kênh rạch, cồn, bãi ngang... Tỷ lệ huy động học sinh các cấp học phổ thông đi học đúng độ tuổi vẫn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, đặc biệt ở cấp THCS và cấp THPT có khoảng cách khá xa so với tỷ lệ chung của cả nước (từ 7% - 13%). Tỷ lệ người mù chữ của cả vùng còn cao.
Xây dựng cơ sở vật chất chủ yếu nhằm giải quyết nhu cầu phòng học, nhiều trường còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng làm việc. Tình trạng thiếu giáo viên còn xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cũng như chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.
ĐBSCL là khu vực có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2022. Mặc dù quy mô đào tạo tăng trong 10 năm qua, song mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu được tiếp cận GDĐH của người dân.
Quan điểm phát triển của giáo dục vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xác định là: Phát triển giáo dục và đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội với tiến bộ khoa học và công nghệ, phù hợp quy luật khách quan. Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng.
Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo.
Phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách để đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ và giải pháp gồm: quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; tiếp cận giáo dục; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Cần cơ chế, chính sách đặc thù về giáo dục cho ĐBSCL
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương vùng ĐBSCL đã trao đổi, chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm, cũng như khó khăn, vướng mắc và đề xuất nhằm phát triển giáo dục và đào tạo địa phương và cả vùng. Trong đó tập trung vào phát triển mạng lưới quy mô trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiên cố hóa trường lớp học; phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chia sẻ về kinh nghiệm và kết quả phát triển mạng lưới quy mô trường lớp, ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Kiên Giang cho biết: Sau 5 năm thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy các đơn vị sự nghiệp, tỉnh Kiên Giang đã giảm được 40 trường do sáp nhập trường có quy mô nhỏ, giảm 521 điểm lẻ, giảm 525 nhóm/lớp; tăng 2 trường Mầm non và tăng 3.828 em các cấp học. Dự kiến đến năm 2025 và 2030, tỉnh sẽ tiếp tục sắp xếp lại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh theo hướng giảm số lượng các trường có quy mô nhỏ, điểm lẻ; tăng số trường mầm non và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Liên quan tới phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, bà Nguyễn Thị Bạch Vân, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Trà Vinh cho hay: Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai sắp xếp, cơ cấu và đẩy mạnh thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành giáo dục và đào tạo, từ đó có thêm biên chế chưa sử dụng để tuyển dụng giáo viên; xây dựng phương án sắp xếp, điều chuyển giáo viên giữa các trường nhằm giải quyết có hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, hợp đồng giáo viên để bổ sung số giáo viên còn thiếu cho các môn học mới; bảo đảm nguồn tuyển dụng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ tin tưởng toàn vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn để đưa GD&ĐT phát triển.
Để đảm bảo đội ngũ nhà giáo, Giám đốc Sở GDĐT Trà Vinh đề nghị Bộ GDĐT xem xét ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT Hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và xem xét tham mưu Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2020/NĐ-CP Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
“Cần quan tâm hơn nữa, đầu tư giáo dục ở mức cao nhất, tốt nhất” là mong mỏi của bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long. Theo bà Thanh, với đặc thù địa hình, ĐBSCL có số điểm trường lẻ nhiều nhất cả nước, do dó một trong những việc cần được tập trung thực hiện đối với giáo dục ĐBSCL là rà soát mạng lưới giáo dục, khắc phục tình trạng phân tán, điểm nhỏ, điểm lẻ; đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục.
Cho rằng, cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo dục ĐBSCL, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Thời gian qua việc này đã được đề cập nhưng vẫn chưa được thực hiện. Một số chính sách đặc thù được bà Thanh đề xuất như: Chính sách đặc thù về tiền ăn trưa cho trẻ mầm non, học sinh lớp 1 ven sông; với tỷ lệ bỏ học cao, cần có chính sách đặc thù về phát triển hệ thống trường nghề, chính sách với học nghề…
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng đề nghị Bộ GDĐT tham mưu Chính phủ xây dụng đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia cho vùng ĐBSCL. “Nếu có đề án này, chắc chắn chất lượng giáo dục của vùng sẽ nâng lên, đáp ứng được yêu cầu đặt ra”, bà Quyên nói.
Các vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho các tỉnh ĐBSCL; phát triển giáo dục đào tạo đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của ĐBSCL cũng đã được đại diện Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Sư phạm TPHCM trao đổi tại Hội nghị.
Từ việc phân tích một số số liệu về giáo dục dân tộc vùng ĐBSCL, trong đó rõ nét là số xã, thôn đặc biệt khó khăn của vùng giảm mạnh trong những năm qua, dẫn tới hạn chế đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số được tiếp cận với công bằng giáo dục, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị các tỉnh vùng ĐBSCL đề xuất thay đổi các chính sách giáo dục theo hướng thiết kế mới, phù hợp thực tế và đảm bảo đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận giáo dục công bằng.
Trong chính sách phát triển đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, cần lưu ý tới phát triển giáo viên là người dân tộc thiểu số với cơ cấu hợp lý; đồng thời, có đề xuất để có đề án kiên cố hóa trường lớp mới, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực cho giáo dục.
“Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với Bộ GDĐT và các địa phương thiết kế chính sách tốt hơn trong giai đoạn tới, để giáo dục vùng ĐBSCL và từng tỉnh đạt mục tiêu Nghị quyết Bộ Chính trị đề ra”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh khẳng định.
Giáo dục ĐBSCL thể hiện “chất” riêng và không còn là “vùng trũng”
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL trong 10 năm qua đã có bước tiến, bứt phá với nhiều kết quả quan trọng. “Căn cứ vào minh chứng các số liệu có thể khẳng định, ĐBSCL đã thoát khỏi “vùng trũng” về giáo dục. Giờ không thể nói ĐBSCL là “vùng trũng” về giáo dục nữa, thậm chí còn có những điểm khả quan, đáng mừng”, Bộ trưởng nói.
Một trong những điểm theo Bộ trưởng rất đáng mừng là tuy chỉ số cơ sở vật chất, huy động trẻ đến trường, tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày đang còn rất khó khăn, song chất lượng giáo dục phổ thông của vùng ĐBSCL rất khả quan khi đứng thứ 2 trên 6 vùng của cả nước.
Những kết quả giáo dục đạt được trước thách thức và khó khăn về cơ sở vật chất, về giáo viên, và về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục khác của vùng cho thấy sự cố gắng vượt lên trên khó khăn của các địa phương, nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cho thấy “chất” của giáo dục vùng ĐBSCL - không màu mè, ít hình thức, kết quả được thể hiện ở các chỉ số giáo dục cụ thể.
Chỉ rõ hàng loạt khó khăn của giáo dục ĐBSCL hiện nay như: đứng trước thách thức kép vừa phát triển cùng cả nước, vừa củng cố, bù đắp cho các điều kiện đảm bảo tối thiểu, nền tảng, cơ bản của giáo dục; cần có đủ trường lớp, thu hút học sinh tới trường, giảm tỷ lệ mù chữ; yêu cầu gay gắt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong 2 năm 2023-2024 … song, Bộ trưởng cũng chỉ ra những điểm là ưu thế, thuận lợi của vùng trong phát triển giáo dục.
Cụ thể, đó là lợi thế của một vùng kinh tế được dự báo sẽ có sự phát triển năng động trong tương lai, qua đó sẽ cải thiện điều kiện về hạ tầng cho giáo dục và đào tạo; là sự quan tâm, quyết tâm của chính quyền địa phương và đội ngũ nhà giáo.
Một thuận lợi nữa cũng được Bộ trưởng nhấn mạnh với giáo dục ĐBSCL, đó là việc học sinh ở đây còn giữ được nề nếp, con người hào hiệp, phóng khoáng. Những thông tin về vi phạm đạo đức, bạo lực học đường có chỉ số thấp… “Khó khăn chồng chất, thách thức rất nhiều nhưng cần có cái nhìn lạc quan về giáo dục ĐBSCL. Với cái nhìn đó, giáo dục sẽ đi con đường riêng bằng niềm tự hào và tìm ra được điểm mạnh”.
Trao đổi với các địa phương vùng ĐBSCL về những việc cần làm trong thời gian tới, Bộ trưởng đề cập tới các nhóm công việc và giải pháp tổng thể về đầu tư cơ sở hạ tầng; trong đó cấp bách là kiên cố hóa trường lớp, đầu tư trang thiết bị, phòng học bộ môn. Với quan điểm “Không dồn cho bằng được nhưng không để phân tán quá”, Bộ trưởng lưu ý, việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường học cần có phương án phù hợp với khu vực địa hình sông nước, chia cắt như ĐBSCL, khi xây dựng trường học, cần chọn những mẫu trường học phù hợp với địa hình, hướng đến mô hình gần gũi với thiên nhiên.
“Đối với ĐBSCL, chúng ta cần phải đặt mục tiêu nâng cao mặt bằng dân trí là một yêu cầu đặc thù, thiết thân. Với tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ người chưa được huy động đến trường, tỷ lệ người chưa thiết tha với việc đi học còn cao và với tỷ lệ vào đại học thấp… câu chuyện nhấn mạnh nâng cao dân trí là việc quan trọng. Sau đó mới tính đến nhân lực chất lượng cao”, Bộ trưởng nêu rõ, đồng thời cũng cho rằng, vấn đề của ĐBSCL lúc này còn là phát triển hệ thống các trường đại học và tăng tỷ lệ học đại học.
Cho rằng, mỗi tỉnh/thành phố vả cả vùng ĐBSCL tuy có vấn đề chung nhưng tình hình khác nhau, có địa phương thuận lợi, cũng có địa phương khó khăn, Bộ trưởng lưu ý các địa phương tập trung phối hợp với Bộ GDĐT và các Bộ, ngành để đề xuất chính sách đầu tư, khắc phục những khó khăn, đưa giáo dục của cả vùng cùng tiến với tốt độ tốt hơn trong giai đoạn tới.
Bộ trưởng cũng cho biết, sau Hội nghị này, Bộ GDĐT sẽ xác định hàng loạt việc phải làm nhằm tăng cường sự quan tâm tới giáo dục và đào tạo khu vực ĐBSCL. “Khó khăn còn nhiều, thách thức lớn nhưng hoàn toàn có thể lạc quan, tính trước hướng phát triển của giáo dục ĐBSCL trong thời gian tới”, Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời bày tỏ tin tưởng toàn vùng sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn để đưa giáo dục và đào tạo ĐBSCL phát triển.