Cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân
Chính trị - Ngày đăng : 23:50, 12/05/2015
Tờ trình dự án Luật Trưng cầu ý dân do Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trình bày nêu rõ: Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân còn tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực, đông đảo và quyết định vào các công việc của Nhà nước và xã hội phù hợp với bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước; đồng thời tạo điều kiện để nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân gồm 9 chương, 56 Điều. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng khẳng định: Việc ban hành Luật trưng cầu ý dân là cần thiết nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.
Qua thảo luận, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây là vấn đề mới, ta chưa có kinh nghiệm thực tiễn, do đó việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân phải gắn với thực tiễn, phù hợp với thể chế chính trị đất nước cũng như điều kiện kinh tế - xã hội và cuộc sống của nhân dân.
Tại Điều 6, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án quy định về những vấn đề đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân. Cụ thể: “Phương án 1: Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Phương án 2: Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân gồm: 1. Những vấn đề về sửa đổi Hiến pháp. 2. Những chính sách quan trọng có liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 3. Quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quan trọng. 4. Những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội”.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, thực chất 2 phương án trên là một. Vì cả 2 phương án đều chốt lại những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Do đó, dự thảo không nhất thiết phải ghi 2 phương án. Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, tại khoản 15, Điều 70, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã quy định Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân và Khoản 4 Điều 120, quy định việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định. Do đó, điều này chúng ta cần khẳng định theo Hiến pháp và không cần làm nhiều phương án.
Về phạm vi trưng cầu ý dân (Điều 7), nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm. Bởi Hiến pháp chỉ quy định trưng cầu ý dân là thuộc Quốc hội, chứ chưa cụ thể về quy mô trưng cầu ý dân là toàn quốc hay trường hợp ở những vùng, miền. Một số ý kiến cũng cho rằng, có những việc không cần trưng cầu ý dân cả nước như: Việc tách tỉnh, xây dựng nhà máy điện hạt nhân… nếu đưa ra thì rất tốn kém và cũng không hiệu quả. Do đó, Ban soạn thảo cân nhắc thêm chứ không nhất thiết việc gì cũng trưng cầu ý dân toàn quốc.
Cũng trong chiều 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần.
Theo Báo cáo của Chính phủ: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/ 2016. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và có nhiều nội dung quy định theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động như mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng thời gian hưởng chế độ thai sản, bổ sung quy định hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con; tăng mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Khi người lao động vẫn còn trong độ tuổi lao động mà nghỉ việc thì tạm thời chưa giải quyết bảo hiểm xã hội một lần mà thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện, được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu khi về già. Bên cạnh đó, khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc thì với quy định của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động vẫn được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ: Quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nói chung và Điều 60 nói riêng được tiến hành đảm bảo đúng trình tự, quy trình quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của Chính phủ cũng đã nhận được sự đồng thuận từ phía các bộ, ngành, địa phương và của Hội đồng thẩm định dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); quá trình tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan liên quan của Quốc hội thẩm tra dự án luật này cũng không có ý kiến khác liên quan đến nội dung quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.
Qua nghe Báo cáo của Chính phủ, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa cần thiết phải sửa ngay quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần. Theo các ý kiến, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của hầu hết các nước trên thế giới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, quan điểm, mục tiêu ở Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là hoàn toàn đúng đắn và tiến bộ. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng: Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế, do đó cân nhắc thận trọng và đưa ra Quốc hội thảo luận kỹ về vấn đề này trước khi quyết định sửa hay không. “Nếu chúng ta sửa thật là đáng tiếc”, ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng của Chính phủ cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích cho người lao động hiểu về vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác tổ chức tuyên truyền, vận động, phổ biến luật làm chưa tốt, cho nên khi đụng chạm đến lợi ích trước mắt thì người lao động có phản ứng, mặc dù Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa áp dụng. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan chuyên môn (bảo hiểm, lao động), hệ thống cấp ủy, chính quyền các cấp và đại diện công nhân là tổ chức công đoàn tăng cường tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu rõ các lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo đảm cuộc sống khi về già để hạn chế việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Tháng 10, khi Quốc hội họp kỳ cuối năm, nếu không tuyên truyền, vận động được thì Quốc hội sẽ điều chỉnh cho linh hoạt. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sắp tới, Chính phủ và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phải báo cáo trước Quốc hội vấn đề này.
Theo Chương trình phiên họp thứ 38, sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các Tờ trình, Đề án của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về các nội dung: Phê chuẩn bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn các đơn vị trong bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Ủy ban Kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thành lập Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao; phê chuẩn danh sách Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thành lập và giải thể Viện Kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực; phê chuẩn bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát quân sự các cấp; quy định về Kiểm tra viên Viện kiểm sát nhân dân.