Tin vắn thế giới ngày 23/2: Trên 300 thuyền viên mắc kẹt tại các cảng biển Ukraine suốt một năm
Chuyển động - Ngày đăng : 08:03, 23/02/2023
Myanmar mở rộng phạm vi áp dụng thiết quân luật
Tân Hoa xã đưa tin Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar ngày 22/2 đã ban bố tình trạng thiết quân luật tại 3 thị trấn gồm Shwebo, Wetlet và Ayadaw thuộc địa bàn phụ trách của Bộ Chỉ huy Tây Bắc. Hội đồng đã trao quyền hành chính và tư pháp cho Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tây Bắc để đảm bảo an ninh, duy trì luật pháp và trật tự.
Trước đó, tối 2/2, Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar đã ban bố tình trạng thiết quân luật tại 37 thị trấn - gồm 11 thị trấn ở vùng Sagaing, 7 thuộc bang Chin, 5 thuộc vùng Magway và Bago, 4 thuộc bang Kayah, 2 thuộc vùng Taninthayi và bang Kayin và 1 thuộc bang Mon. Trước đó 1 ngày, chính quyền quân sự Myanmar cũng tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng.
Cờ Myanmar. Ảnh minh họa
Quan hệ Iran - Anh leo thang căng thẳng
Ngày 22/2, hãng thông tấn IRNA của Iran cho biết nước này đã triệu Đại sứ Anh tại Tehran tới Bộ Ngoại giao để phản đối cáo buộc của London cho rằng Tehran "đe dọa" các nhà báo đang định cư ở Vương quốc Anh.
Động thái này diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Anh cùng ngày triệu Đại biện lâm thời Iran tại London, ông Mehdi Hosseini Matin, để phản đối điều mà nước này gọi là "sự đe dọa" đối với các nhà báo ở Anh.
Berlin cảnh báo sẽ 'phản ứng quyết đoán' sau khi Iran tuyên án tử hình một công dân Đức
Theo mạng tin EURACTIV.de (Đức), hôm 21/2, một Tòa án ở Tehran đã kết án tử hình Jamshid Sharmahd, 67 tuổi, tuyên ông này phạm tội “tham nhũng", một hành vi mà các nước phương Tây cáo buộc Iran thường gán cho "những người bất đồng chính kiến".
“Án tử hình không chỉ tàn nhẫn, không có nhân đạo và phiên tòa chưa bao giờ cho thấy sự công bằng”, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock nói trong một tuyên bố được đưa ra sau đó cùng ngày, đồng thời cho biết thêm rằng bước này sẽ “gây ra phản ứng mạnh mẽ” từ Berlin.
Đại sứ quán Mỹ tại Anh bị phong tỏa, phải sơ tán nhân viên
Theo truyền thông Anh, ngày 22/2, các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ tại London đã được đưa đi sơ tán, trong khi tòa trụ sở này bị lực lượng an ninh phong tỏa toàn bộ.
Theo đài Sputnik, nguyên nhân chính xác dẫn đến vụ sơ tán vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, cảnh sát London nói với truyền thông địa phương rằng họ đã nhận được tin báo về vụ việc và có mặt tại hiện trường.
Ấn Độ và Trung Quốc tham vấn về vấn đề biên giới
Ngày 22/2, Ấn Độ cho biết nước này và Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp ở thủ đô Bắc Kinh để tham vấn về các vấn đề biên giới và thảo luận về các đề xuất rút quân.
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết hai bên đã "thảo luận về các đề xuất rút quân ở các khu vực còn lại một cách cởi mở và mang tính xây dựng". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này và Ấn Độ đã nhất trí đẩy nhanh việc giải quyết các vấn đề liên quan đến phần phía Tây của vùng biên giới giữa hai nước.
Trên 300 thuyền viên mắc kẹt tại các cảng biển Ukraine suốt một năm
Có khoảng 2.000 thuyền viên trên 112 con tàu neo đậu tại các cảng của Ukraine trên Biển Đen và Biển Azov trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, hầu hết thủy thủ đoàn đã được sơ tán, nhưng 331 thuyền viên vẫn mắc kẹt trên 62 con tàu thả neo tại 9 cảng của Ukraine.
Tờ Guardian (Anh) ngày 22/2 cho biết trên 30 tổ chức hàng hải đã ký vào bức thư gửi đến Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đề nghị ông ưu tiên sơ tán an toàn các thuyền viên. Trong các tổ chức này có Văn phòng Vận tải biển quốc tế (ICS) vốn đại diện trên 80% tàu thương mại trên thế giới.
Cảng biển tại thành phố Mariupol của Ukraine. Ảnh: Reuters
Tổng Thư ký LHQ kêu gọi khôi phục tiến trình chính trị để giải quyết xung đột Israel - Palestine
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 22/2 đã kêu gọi các bên liên quan trong khu vực và cộng đồng quốc tế giúp sức nối lại tiến trình chính trị nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine.
Phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp Ủy ban LHQ về thực thi các quyền bất khả xâm phạm của người Palestine (CEIRPP) năm 2023, ông Guterres nêu rõ: “Các mục tiêu cuối cùng của chúng ta vẫn không thay đổi: đó là chấm dứt tình trạng chiếm đóng, hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước". Theo ông Guterres, những nội dung sơ bộ của giải pháp là rõ ràng và đã được nêu trong các nghị quyết của LHQ, luật pháp quốc tế cũng như những thỏa thuận song phương.
Ukraine đề nghị gia hạn thỏa thuận ngũ cốc thêm 1 năm
Ngày 22/2, Thứ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine Yuriy Vaskov tuyên bố Chính phủ Ukraine trong tuần này sẽ đề xuất với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn thỏa thuận ngũ cốc thêm ít nhất một năm.
Phát biểu với báo giới, ông Vaskov cho biết: “Tuần này, chúng tôi sẽ đưa ra đề xuất chính thức về yêu cầu gia hạn… Chúng tôi sẽ yêu cầu gia hạn ít nhất 1 năm, vì thị trường nông sản Ukraine và thế giới có thể lập kế hoạch cho khối lượng xuất khẩu trong dài hạn”.
Cảnh sát Đức tiếp tục điều tra âm mưu đảo chính
Ngày 22/2, cảnh sát Đức đã đột kích 6 căn hộ và 3 địa điểm của một số nghi phạm là các phần tử cực hữu. Đây là một phần trong cuộc điều tra về âm mưu tấn công lưới điện quốc gia, nhằm dẫn đến một cuộc đảo chính cuối năm ngoái. Hơn 70 sĩ quan cảnh sát đã tham gia vào các cuộc truy quét.
Hungary phản đối trừng phạt Tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom của Nga
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjártó ngày 22/2 tuyên bố nước này sẽ ngăn chặn các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom), cũng như ban lãnh đạo của tập đoàn này.
Phát biểu của Ngoại trưởng Hungary tại buổi họp báo ở thủ đô Budapest sau cuộc gặp Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi, bày tỏ: “Chúng ta phải có hành động quyết đoán chống lại việc đưa Rosatom và các quan chức của tập đoàn này vào danh sách trừng phạt, bởi vì biện pháp trừng phạt đối với năng lượng hạt nhân hoặc Rosatom sẽ gây tổn hại đến lợi ích quốc gia cơ bản của Hungary”.
Ai Cập và AL lên án việc quân đội Israel tấn công thành phố Nablus
Ngày 22/2, Ai Cập và Liên đoàn Arab (AL) đã lên án việc các lực lượng Israel triển khai chiến dịch bố ráp thành phố Nablus, phía Bắc của khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng của Palestine, khiến ít nhất 10 người Palestine thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết quốc gia Bắc Phi này “bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự leo thang nguy hiểm đang diễn ra gần đây ở các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, làm gia tăng sự phức tạp và trầm trọng thêm tình hình mỗi ngày”. Cùng ngày, AL cho rằng cuộc tấn công của Israel vào thành phố Nablus là một “tội ác”. Trợ lý Tổng thư ký AL phụ trách các vấn đề Palestine, Said Abu Ali, cho rằng phía Israel phải chịu trách nhiệm về việc này.
ICJ yêu cầu Azerbaijan chấm dứt phong tỏa khu vực Nagorny-Karabakh
Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 22/2 đã yêu cầu Azerbaijan chấm dứt phong tỏa Nagorny-Karabakh đang tranh chấp với Armenia, cho rằng người dân ở khu vực này sẽ có nguy cơ phải gánh chịu “tổn thất không thể bù đắp được”.
Trong phán quyến được đưa ra ở La Haye, thẩm phán chủ tọa Joan Donoghue nêu rõ: “Trong lúc chờ đợi phán quyết cuối cùng về vụ kiện này, Azerbaijan sẽ phải triển khai tất cả các biện pháp nhằm đảm bảo không cản trở hoạt động di chuyển của người, phương tiện và hàng hóa dọc theo Hành lang Lachin theo cả hai hướng”.
Canada 'quá tải' với làn sóng người tị nạn mới
Dòng người tị nạn từ Mỹ đổ về Canada đã tăng lên đáng kể từ khi Ottawa dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hồi cuối năm 2021. Hơn 39.000 người tị nạn đã đi vào Canada trong năm ngoái qua những lối mòn không chính thức, trong đó phần lớn qua tuyến đường Roxham nối Quebec với bang New York.
Dòng người tị nạn đã buộc Thủ hiến Quebec Francois Legault phải yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau tổ chức sắp xếp lại cho những người tị nạn sang các tỉnh khác và cấp giấy phép lao động nhanh hơn bởi “khả năng chăm lo cho người tị nạn của tỉnh hiện đã vượt giới hạn quá nhiều”.
Trung Quốc cho Pakistan vay 700 triệu USD
Ngày 22/2, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Ishaq Dar thông báo quốc gia Nam Á này chuẩn bị nhận được khoản vay mới trị giá 700 triệu USD từ Trung Quốc trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ đang cạn kiệt.
Trên tài khoản Twitter, Bộ trưởng Ishaq Dar nêu rõ Ngân hàng quốc gia Pakistan dự kiến sẽ nhận được khoản tiền trên trong tuần này để tăng dự trữ ngoại hối. Khoản tín dụng trên được cấp thông qua Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.
Tòa án Mỹ ra phán quyết liên quan đến tài sản của Ngân hàng trung ương Afghanistan bị phong tỏa
Một thẩm phán tại thành phố New York (Mỹ) ngày 22/2 đã đưa ra phán quyết, không nhất trí việc chuyển 3,5 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Afghanistan cho gia đình các nạn nhân của vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Thẩm phán George Daniels đã đưa ra một tài liệu dài 30 trang lý giải vì sao các tòa án liên bang không có thẩm quyền thu giữ khoản tiền của Ngân hàng trung ương Afghanistan, do khoản tiền này không nằm trong phạm vi tài sản đền bù liên quan "vụ khủng bố 11/9". Bên cạnh đó, Thẩm phán Daniels cho biết theo Hiến pháp, Mỹ không thể trao tài sản cho các gia đình nạn vì điều này đồng nghĩa với việc công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan.
Quang cảnh bên ngoài Ngân hàng Trung ương Afghanistan ở thủ đô Kabul.
Sập mỏ than tại Trung Quốc: Ít nhất 2 người thiệt mạng, 53 người mất tích
Tân Hoa xã đưa tin ít nhất 2 người thiệt mạng, 6 người bị thương và 53 người còn mất tích trong vụ sập mỏ khai thác than xảy ra ngày 22/2 ở thị trấn Minh A Lạp Thiện (Alxa), phía Bắc khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc.
Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, vụ việc xảy ra vào khoảng 13h ngày 22/2, tại khu mỏ lộ thiên do Công ty than Xinjing quản lý. Một vùng diện tích rộng đã bị sập, vùi lấp nhiều công nhân và phương tiện. Truyền thông Trung Quốc đưa tin 8 đội cứu hộ và trên 330 nhân viên khẩn cấp đã được điều động tới hiện trường cùng hơn 100 trang, thiết bị cứu hộ.
Pháp: Đâm dao ở trường học khiến 1 giáo viên thiệt mạng
Ngày 22/2, một vụ đâm dao xảy ra tại trường học ở Tây Nam nước Pháp đã khiến 1 giáo viên thiệt mạng.
Theo thông tin từ cơ quan công tố, nữ giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha, khoảng 50 tuổi, bị 1 học sinh tấn công bằng dao khi đang trong giờ lên lớp tại trường Saint-Thomas d'Aquin ở thị trấn Saint-Jean-de-Luz, quận Bayonne. Nữ giáo viên được sơ cứu ngay tại hiện trường nhưng không qua khỏi. Nhà chức trách đã tạm giữ học sinh gây ra vụ việc.
Miền Bắc nước Mỹ ứng phó bão tuyết kỷ lục
Một số bang ở vùng đồng bằng phía Bắc nước Mỹ đang gồng mình ứng phó trước nguy cơ bão mùa Đông đổ bộ, có thể gây ra lượng tuyết rơi kỷ lục kèm theo gió mạnh và giá rét.
Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) ngày 21/1 (giờ địa phương) cho biết lượng tuyết phủ có thể dày tới 63,5 cm ở nhiều khu vực thuộc bang Minnesota và Wisconsin, trong đó khu vực St. Paul của Minnesota lần đầu tiên trong 30 năm qua chứng kiến lượng tuyết dày trên 60 cm. Một số khu vực thuộc bang Minnesota, South Dakota và North Dakota dự báo sẽ có gió giật mạnh lên tới 80 km/h và nhiệt độ có thể giảm xuống âm 46 độ C.