23 đơn vị được tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài

Giáo dục - Ngày đăng : 20:00, 17/02/2023

23 đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài, trong đó có IELTS.

Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt danh sách đơn vị được liên kết thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài với hơn 50 địa điểm thi. Việc này diễn ra sau gần ba tháng kể từ khi thông tin hoãn thi IELTS gây chú ý, hồi tháng 11/2022.

Trước đó, Bộ công bố các quyết định phê duyệt riêng lẻ, ở nhiều thời điểm khác nhau.

Theo danh sách đến ngày 7/2, có 14 điểm thi IELTS được cấp phép, trong đó có 15 điểm thi liên kết với Hội đồng Anh và 4 điểm thi liên kết với Tổ chức Giáo dục quốc tế IDP.

Đến 9/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép bổ sung thêm 5 điểm được tổ chức thi IELTS liên kết với Hội đồng Anh, nâng tổng số điểm thi IELTS trên toàn quốc lên 19.

Hội đồng Anh được cấp phép thi IELTS trở lại hôm 18/11/2022. Ảnh: BC

Hội đồng Anh được cấp phép thi IELTS trở lại hôm 18/11/2022. Ảnh: BC

Tháng 11/2022, các đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam đồng loạt thông báo dừng tổ chức thi, với lý do hoàn thiện các thủ tục theo Thông tư 11/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khi đó lý giải thời gian qua hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ diễn ra tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không kiểm soát được chất lượng.

Việc tổ chức thi chủ yếu theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát), dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ.

Do đó, các tổ chức, cá nhân chỉ được tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vài năm gần đây được ưa chuộng tại Việt Nam. Nhiều trường đại học có phương án tuyển sinh bằng điểm IELTS và một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác kết hợp với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT, hoặc dùng để công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Các chứng chỉ này cũng được một số địa phương dùng để cộng điểm ưu tiên hoặc tuyển thẳng học sinh vào lớp 10 (Nghệ An, Quảng Trị), hoặc đưa vào chính sách ưu đãi, trợ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức.

Minh Khang