Không can thiệp vào quyền sở hữu tuyệt đối của người dân

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 10:09, 03/01/2023

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được Bộ Xây dựng đăng tải công khai nhằm lấy ý kiến rộng rãi, tuy nhiên, xoay quanh quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Không can thiệp vào quyền sở hữu tuyệt đối của người dân

Ảnh minh hoạ

Tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã đưa ra hai phương án quy định về thời hạn sở hữu căn hộ chung cư: một là, thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng của nhà chung cư; hai là, không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư như pháp luật hiện hành.

Việc đề xuất thời hạn sở hữu chung cư của Bộ Xây dựng đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều lo ngại về những tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản cũng như các tác động đến quyền lợi của người mua căn hộ chung cư.

Quan tâm đến nội dung này, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc đề xuất thời hạn sở hữu chung cư của Bộ Xây dựng gây nhiều lo ngại về những tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản cũng như các tác động đến quyền lợi của người mua căn hộ chung cư.

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, việc quy định về niên hạn sử dụng chung cư phải dựa vào yếu tố chất lượng công trình chứ không can thiệp vào quyền sở hữu tuyệt đối của người sử dụng đất và người sở hữu căn hộ. Dù sở hữu đất là tuyệt đối và vĩnh viễn thuộc về toàn dân của dân tộc Việt Nam nhưng nhà ở là sở hữu tư nên chúng ta cần làm tốt được mục đích “sở hữu kép”.

 Sở hữu đối với tài sản là thiêng liêng đối với nhà ở là quyền sở hữu vĩnh viễn và tuyệt đối chứ không chỉ có chung cư. Do đặc thù cấu trúc của chung cư là xếp chồng lên nhau, nhưng không phải là sở hữu đa cấp nên nó chịu sự tác động của tự nhiên như nắng gió, phụ thuộc vào chất liệu xây dựng, kiểu dáng kiến trúc, sức chịu tải của vật liệu là bê tông hay gạch lỗ, gạch sỉ đóng tay,… nên trong quá trình sử dụng, khai thác những lợi ích của chung cư nó có thể bị ảnh hưởng như: Nứt, gãy, nghiêng, sụt lún,… gây mất an toàn cho người sử dụng chung cư đó. Việc quy định niên hạn sử dụng chung cư cũng rất cần thiết cho hoạt động quản lý khi xử lý và cải tạo chung cư cũ.

Nhà nước cần phải ban hành các quy định pháp luật về quản lý chung cư để bảo đảm an toàn cho cư dân và người sở hữu tài sản. Các quy định pháp luật ban hành nhằm mục đích để làm sao bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ quyền sở hữu của người đang chiếm hữu và sử dụng căn hộ chung cư.

Mặt khác, cần phải đưa ra các quy định pháp luật và chế tài đủ mạnh để nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng tòa chung cư, nhà cao tầng nếu việc thi công, thiết kế đã gây ra những lỗi ảnh hưởng đến uy tín của nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, ảnh hưởng đến những người sử dụng những tiện ích, sử dụng chung cư. Đây là vấn đề sẽ giải quyết khi niên hạn nhà bị ảnh hưởng, sự lo lắng của người dân về khối tài sản mà họ đã tích cóp cả đời lại có nguy cơ phải rời xa nơi sinh sống, nơi tích trữ của cải và nơi lưu giữ một thời kỷ niệm của cuộc đời của mỗi con người.

Nên chăng, vấn đề này cần có những quy định đối với giá trị đất phần chung cư thì chủ sở hữu có thể bán lại cho chủ đầu tư vì quy định đối với căn hộ thì chỉ được sử dụng theo niên hạn 50, 70 và 90 năm tùy theo chất lượng công trình trong từng giai đoạn, và phải khẳng định được là quy định này không hồi tố. Nếu thực hiện như vậy sẽ có tác động tốt đến thị trường nhà đất hiện nay và tạo tâm lý ổn định cho người dân.

Trung Nguyễn