Cấm hát karaoke bằng loa thùng, loa kéo được không?
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 07:56, 12/07/2020
Mới đây, tại kỳ họp thứ 20 của HĐND TP.HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu đã đề nghị UBND các cấp xử lý triệt để nạn hát karaoke bằng loa thùng, loa kéo gây ồn ào.
Theo đó, bà Tô Thị Bích Châu cho biết đã tiếp nhận nhiều ý kiến bức xúc của cử tri về vấn đề hát karaoke, ca nhạc đường phố gây ồn ào trong khu dân cư. Bà Châu cho rằng UBND các cấp thiếu kiên quyết trong việc xử lý vấn đề này khiến người dân liên tục bị "tra tấn", xảy ra bất hòa, thậm chí dẫn đến án mạng.
Ý kiến trên đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận. Việc xử lý triệt để đồng nghĩa với việc nghiêm cấm nạn hát karaoke bằng loa thùng, loa kéo gây ồn ào. Mặc dù, thời gian qua, tình trạng gây ồn trong khu dân cư do việc hát karaoke, mở nhạc lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân. Nhiều cơ sở kinh doanh mở nhạc bằng hệ thống loa với âm lượng lớn, liên tục suốt ngày đêm.
Bên cạnh đó, những người bán hàng rong mang theo loa di động đi hát ở những nơi công cộng gây ồn ào, ảnh hưởng đến hoạt động vui chơi, thư giãn của người dân. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình thích sắm dàn karaoke để vui chơi, ca hát, nhất là vào dịp tiệc tùng, họp mặt,…Hậu quả là nhiều vụ việc xích mích, mâu thuẫn dẫn đến xô xát, đánh nhau gây thương tích, thậm chí chết người do ô nhiễm tiếng ồn .
Với sự ra đời của loa kẹo kéo trên thị trường, vừa rẻ, vừa dễ sử dụng và tiện lợi cho việc di chuyển nên đã xuất hiện hầu hết ở khắp ngỏ ngách trong khu dân cư. Việc sử dụng loa kẹo kéo để hát karaoke, nhất là vào giờ nghỉ trưa, giờ cao điểm hoặc giờ khuya gây rất nhiều phiền toái cho hàng xóm, phá vỡ sự yên tĩnh để người dân nghỉ ngơi, làm việc và học hành.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tiêu cực của vấn nạn nạn hát karaoke bằng loa thùng, loa kéo gây ồn ào thì vẫn còn mặc tích cực của nó. Cụ thể, phải khẳng định rằng, hát karaoke bằng loa thùng, loa kéo là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần của một bộ phận người dân. Sau những bữa tiệc tùng thì nhu cầu sinh hoạt văn nghệ là không thể thiếu. Đồng thời hiện nay, một bộ phận người lao động đang kiếm sống nhờ hát rong đường phố thông qua loa thùng, loa kéo hoặc nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê dàn karaoke di động để phục vụ đám tiệc của người dân.
Vấn đề đặt ra là, để người dân phản ánh, kiến nghị, xô xát vì nạn hát karaoke bằng loa thùng, loa kéo là do người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước thiếu trách nhiệm, chưa thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật. Nếu chính quyền kịp thời can thiệp, xử lý nghiêm vi phạm thì không thể xảy ra tình trạng gây bức xúc, khiếu kiện của người dân.
Vì vậy, chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền để người dân ý thức được việc hát karaoke gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Đồng thời, hành vi gây tiếng ồn vượt mức giới hạn cho phép phải bị xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo quy định hiện hành, hành vi vi phạm về tiếng ồn có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy vào mức độ vượt chuẩn tiếng ồn, mức phạt tiền có thể từ 1 đến 160 triệu đồng (theo Điều 17 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP). Và theo Thông tư 39/2010/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn thì mức giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính là 70 dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55 dBA (từ 21 giờ đến 6 giờ).
Khi phát hiện hàng xóm hát karaoke ồn ào gây ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người xung quanh, người dân có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã để giải quyết. Kèm theo đó là chứng cứ chứng minh hành vi hát karaoke gây ra tiếng ồn. Ví dụ, người dân có thể ghi hình, ghi âm, xác định giờ phát ra tiếng ồn, người làm chứng,…để cơ quan có thẩm quyền phạt nguội.
Tuy nhiên, việc xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn cần phải tiến hành ngay, do đó, chính quyền địa phương phải cung cấp đường dây nóng để người dân phản ánh, khiếu nại. Khi nhận được tin báo, lập tức cử cán bộ xuống hiện trường để lập biên bản và xử lý vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, người dân cũng có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi gây ra tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của mình.
Quy định của pháp luật hiện hành về xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn đã đầy đủ, chặt chẽ, thậm chí là nghiêm khắc. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt còn nể nang, ngại va chạm nên chưa đảm bảo tính nghiêm minh và giáo dục, răn đe người vi phạm.
Vì vậy, chính quyền địa phương cần phải có biện pháp kiên quyết hơn nữa để trấn áp đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn tình làng nghĩa xóm và để việc hát karaoke bằng loa thùng, loa kéo không còn là vấn nạn như hiện nay.