Không nên cơ cấu, bổ nhiệm cán bộ “dễ bảo”, làm tròn vai

Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 08:33, 03/07/2020

Có một thực tế là hiện nay nhiều cán bộ, công chức yếu về chuyên môn, thiếu năng lực, kỹ năng công tác hoặc chỉ làm "tròn vai", ngại va chạm, đột phá, quyết đoán trong công việc nhưng vẫn được đề bạt bố trí vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sai phạm, tiêu cực, cố ý làm trái xảy ra ngày càng nhiều, quy mô, thiệt hại ngày càng lớn.

Ngoài nguyên nhân như bè phái, cục bộ hay họ hàng, thân thích thì mục đích việc bố trí những người kém năng lực là để dễ dàng... sai khiến. Những người này thường không có chính kiến, “ba phải” hoặc sẵn sàng thực hiện công việc sai nguyên tắc, thậm chí hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm theo ý muốn của người đứng đầu, cấp trên.

Không nên cơ cấu, bổ nhiệm cán bộ “dễ bảo”, làm tròn vai

Ảnh minh họa.

Có thể khẳng định rằng tiêu chí quan trọng nhất của cán bộ, công chức ngoài đáp ứng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì phải có khả năng tư duy, có lập trường và quyết đoán. Do đó, việc sử dụng những cán bộ giữ chức danh chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị mà không có chính kiến, dễ dàng để người khác sai khiến, làm bất cứ việc gì dù sai trái, vi phạm pháp luật là rất nguy hiểm.

Trước hết, họ khó điều hành được cơ quan, đơn vị và quản lý tốt nhân viên dưới quyền. Dưới sự lãnh đạo, quản lý của những người như thế này thì nguy cơ rất cao sẽ đẩy cơ quan, đơn vị phụ trách vào con đường sai trái, vi phạm pháp luật hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều người vì không có năng lực, không có lập trường, quyết đoán trong công việc nên đã bị những kẻ vụ lợi, ích kỷ giật dây, dắt mũi khi ra các quyết định sai trái hoặc thiếu quyết đoán, quyết liệt khi thực hiện nhiệm vụ được giao làm giảm hiệu quả công tác, khả năng phục vụ nhân dân.

Mặc dù thời gian gần đây, tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn đã bị xử lý và có xu hướng giảm nhưng việc bổ nhiệm cán bộ “dễ bảo”, vẫn diễn ra nơi này, nơi kia. Đáng buồn hơn là nhiều trường hợp cán bộ yếu chuyên môn, thiếu kinh nghiệm, không có uy tín nhưng vẫn được đề bạt, bố trí vào các chức vụ cao, vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị.

Cán bộ yếu năng lực, không có chính kiến, quyết liệt chính là nguyên nhân làm cho hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ công dân, tổ chức của cơ quan nhà nước giảm đi. Đây là rào cản lớn đối với công cuộc cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hoạt động của bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần kiên quyết chấn chỉnh, tuyệt đối không nên bố trí, bổ nhiệm những cán bộ thiếu năng lực, không có chính kiến hoặc “ba phải” vào các chức vụ quan trọng, chủ chốt trong bộ máy nhà nước.

Vĩnh Linh