Sao lắm “Ba Bị” thế?
Tâm điểm dư luận - Ngày đăng : 16:40, 24/04/2016
Thoạt đầu trẻ coi bộ cũng có sợ, lâu dần trẻ phát hiện ra làm gì có ông Ba Bị đâu mà sợ, thế là lại có nhân vật khác thay thế đó là chú công an, anh thợ điện.
Chuyện Ba Bị thời xưa nào ngờ bây giờ tái xuất khá phổ biến với dụng ý tung tin đồn nhảm khác hẳn bài học nhỏ cho lũ trẻ ở xó nhà. Gõ mấy chữ bắt cóc trẻ em vào google sẽ thấy cả nghìn thông tin liên quan trong đó rất nhiều tin “ảo”. Xin điểm vài vụ mới nhất.
Sáng 19/4, Đại tá Đinh Xuân Nghĩ - Trưởng Công an TP. Hội An, Quảng Nam, cho biết, hiện công an TP. Hội An điều tra, xác minh về việc loan truyền trên mạng xã hội tin đồn thất thiệt về trẻ con bị bắt cóc tại Hội An. Đây chỉ là tin đồn thất thiệt vì bản chất vụ việc chỉ là vụ xô xát, giằng co giữa hai người dân tại địa bàn, xảy ra trong ngày 18/4. Cơ quan công an đã mời các bên liên quan đến vụ ẩu đả này lên trụ sở công an để làm việc. Đùng một cái thành chuyện bắt cóc trẻ em.
Cũng tại Hội An mới đây, Công an phường Minh An nhận được tin báo tại ngã tư đường Phan Châu Trinh - Hai Bà Trưng có xảy ra một vụ bắt cóc trẻ em nên ngay lập tức cử cán bộ đến hiện trường xác minh. Nhưng khi đến nơi, hóa ra không có chuyện như trình báo mà là chuyện hai thanh niên ẩu đả.
Theo những chia sẻ trên Facebook, tối 29/3 tại khu vực có đèn tín hiệu giao thông, lối vào khu đô thị Việt Hưng, quận Long BiênTP Hà Nội có vụ bắt coc trẻ em, nạn nhân là em gái của chủ tài khoản Facebook này. Theo đó nhóm bắt cóc gồm 4 người, 3 nam và 1 phụ nữ trung niên. May thay lên dốc cầu Đuống được 2 bác xe ôm và đường cầu tắc nên bé mới thoát được. Gia đình đang đi trình báo Công an để tường trình lại vụ việc vừa rồi". Chủ tài khoản còn không quên dặn dò mọi người, ai có con em học sinh đi về muộn trên đường vắng vẻ thì hãy cẩn thận.
Ngay sau khi những thông tin trên được đăng tải, đã có hàng nghìn lượt chia sẻ của cộng đồng mạng, khiến tin "loang" nhanh và dư luận rất hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên ngày hôm sau, qua xác minh, Thượng tá Nguyễn Viết Chức - Phó Trưởng Công an quận Long Biên khẳng định, thông tin về vụ bắt cóc trên là hoàn toàn bịa đặt. Trên địa bàn quận Long Biên không hề có vụ bắt cóc trẻ em nào như những chia sẻ trên.
Cơ quan Công an đã mời người đăng tải thông tin lên làm việc. Qua xác minh, cảnh sát xác định, người đăng tải thông tin là một học sinh. Hóa ra do đi học về muộn, sợ bị mắng nên đã... bịa ra câu chuyện này.
Còn ở xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín, Hà Nội) chính quyền cũng khẳng định, không có vụ bắt cóc nào vừa xảy ra ở địa bàn như một số trang mạng xã hội đưa lên trước đó. Sơ bộ xác định không phải là vụ bắt cóc trẻ em. Chỉ có chuyên hai ông cháu đi từ Chương Mỹ xuống Thường Tín có việc. Đi cùng ông Tuyến còn có một người bạn ở Thanh Oai. Thấy hai người đưa cháu bé đi giữa cánh đồng vắng vẻ, cháu bé quấy khóc nên người dân cho là cháu bị bắt cóc, hô hoán đuổi theo và bắt hai người đàn ông lại, đưa lên xã. Khi người dân truy đuổi, chỉ có bạn của người ông bỏ chạy vì từng nghiện hút vừa ra trại.
Đáng kể nhất là những người tung tin Ba Bị nhảm khá đa dạng: học trò, người nội trợ, ông xe ôm, cô rách việc, kẻ rỗi hơi… Nhiều người khi tung tin có chủ ý gây hoang mang cho gia đình cháu bé nhưng cũng có kẻ vô thức, tung tin khơi khơi cho… vui, để khẳng định mình thạo tin, biết IT.
Nay đã có luật mới về thông tin và tiếp cận thông tin, cần quy định thêm các điều khoản xử phạt nặng việc tung tin nhảm. Chí ít cũng phạt cả chục triệu như ở Thái Nguyên phạt anh chàng tung tin trẻ học mẫu giáo bị bắt cóc. Cứ “nã” vào túi tiền thật nặng là “tởn” đến già!