Vẫn còn tình trạng "Thầy đi tìm trò" sau Tết

Giáo dục - Ngày đăng : 09:37, 17/02/2023

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại một số địa phương, đặc biệt khu vực miền núi thường xảy ra tình trạng học sinh (HS) nghỉ, bỏ học do vui chơi lễ hội hoặc tham gia lao động, phụ giúp gia đình kiếm sống. Đây là tình trạng đáng báo động và cần nhanh chóng xử lý.

Tổng điều tra dân số trên quy mô cả nước công bố vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ trẻ đi học ở cấp tiểu học ở nước ta là 101%, số trẻ đi học tiểu học nhiều hơn số trẻ thực tế ở độ tuổi tiểu học. Đó có thể là các em đi học sớm hơn hoặc muộn hơn.

Còn ở cấp trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ đến trường là gần 93% và trung học phổ thông là hơn 72%. Đây là số liệu thống kê mới nhất cho đến thời điểm này, bởi cuộc tổng điều tra dân số 10 năm mới thực hiện một lần.

Vẫn còn tình trạng

Lớp học thưa thớt học sinh ở Trường THCS Sơn Dung, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi).

So với kết quả tổng điều tra dân số năm 2009, những con số này đã có sự cải thiện đáng kể. Năm 2009, các con số này lần lượt là 103% (Tiểu học), 63% (THCS) và 57% (THPT). Những con số này cho thấy, những chính sách khuyến khích trẻ em đến trường ở nước ta đã đạt được những hiệu quả nhất định, đảm bảo quyền được học tập cho trẻ theo đúng Luật Trẻ em.

Việc đi học không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi. Nhưng thực tế, để chính mỗi học sinh, mỗi phụ huynh nhận thức được điều này là điều không dễ dàng. Tình trạng học sinh nghỉ học không lý do vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương.

Chia sẻ về thực trạng này, thầy Phạm Công Chiểu, giáo viên Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa – Quảng Trị) chia sẻ: Tình trạng HS nghỉ học sau Tết dài ngày diễn ra nhiều năm qua và trường chưa có cách giải quyết dứt điểm.

Nguyên nhân bởi đây là thời điểm địa phương bước vào mùa thu hoạch cây đót. Mỗi ngày nghỉ học, HS vào rừng có thể kiếm từ 30 - 40kg đót tươi và bán giá 4.000 đồng/kg. Như vậy, HS sẽ có thu nhập 120.000 – 160.000 đồng/ngày; 20 - 30 ngày nghỉ học thu hoạch đót, HS kiếm được vài triệu.

“Đây là mức thu nhập hấp dẫn với HS dân tộc (85% HS của trường là người Vân Kiều) để giúp đỡ gia đình. Thậm chí, có HS muốn đi học nhưng gia đình cũng cho nghỉ học tạm thời để kiếm sống. Nhiều năm qua, tỉ lệ HS trở lại trường sau Tết chỉ được 60%. Có HS nghỉ liền mạch cả tháng, có em đi học vài ba buổi lại nghỉ…” – thầy Chiểu cho biết. 

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại trường Phổ thông dân tộc bán trú, THCS số 1 Hương Trà, tỉnh Quảng Ngãi. Các lớp học thường xuyên vắng học sinh dù nhà trường liên tục tuyên truyền, vận động các em đi học trở lại.

Cũng theo kết quả tổng điều tra dân số, tỷ lệ trẻ không đi học ở miền núi cao hơn hẳn so với thành thị. Nguyên nhân chính là do đời sống tại các khu vực này còn nhiều khó khăn, nhiều học sinh phải bỏ học để đi làm, giúp đỡ gia đình.

Ở mỗi địa phương, những người làm công tác giáo dục, những cán bộ làm công tác trẻ em cũng đang nỗ lực để thay đổi nhận thức của người dân trong việc cho con em đến trường. Họ là những người góp công sức không nhỏ trong việc thực hiện các mục tiêu giáo dục mà nước ta đã đề ra trong nhiều năm qua.

Minh Anh