Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới là lấy người học làm trung tâm

Giáo dục - Ngày đăng : 10:03, 01/02/2023

Việc giảng dạy thay vì truyền thụ kiến thức một chiều thì giờ đây mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là học sinh phải phát huy được năng lực, phẩm chất của bản thân.

Việc giảng dạy thay vì truyền thụ kiến thức một chiều thì giờ đây, học sinh phải là trung tâm của quá trình này.

Điều đó có nghĩa, học sinh phải được thực hành, thực tế nhiều hơn. Năm nay đã là năm thứ 4 triển khai chương trình mới ở cả 3 cấp học. Các nhà trường đang nỗ lực trong điều kiện của mình để tổ chức nhiều hoạt động. Ví dụ ngay như dịp năm mới, khi giảng dạy các bài học về hoạt động đón Tết truyền thống, học sinh sẽ không chỉ mơ hồ nghe, chép mà phải được tự tay làm. 

Tất cả những chương trình ngoại khóa hay những tìm hiểu về thế giới xung quanh, nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện để học sinh được tự mình trải nghiệm, tự tìm hiểu kiến thức. Ở trường, lớp chỉ là nơi tổ chức để các em có thể trình bày những hiểu biết, sản phẩm của mình mà thôi.

Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới là lấy người học làm trung tâm

Việc giảng dạy thay vì truyền thụ kiến thức một chiều thì giờ đây, học sinh phải là trung tâm của quá trình này.

Còn trong giờ học về trang phục truyền thống thì học sinh cũng phải tự học cách đi đứng, học cách cảm nhận âm nhạc, học cách biểu diễn cùng các bạn, các em không chỉ có kiến thức về thẩm mỹ, về văn hóa mà điều lớn hơn là những học sinh này đã tự tin hơn vào bản thân.

Còn một cách tổ chức giờ học tiếng Việt sáng tạo khác. Cũng là luyện dùng từ, luyện đặt câu nhưng bằng hình thức viết thiệp chúc mừng năm mới. Các em được khuyến khích tặng những tấm thiệp này cho chính thầy cô, bạn bè hoặc người thân trong gia đình.

Thực hành, vận dụng trong từng tiết học, từng hoạt động, đó là cách học thật dễ hiểu, dễ nhớ và lại tạo ra nhiều kết quả mới.

Ở bậc THCS, kiến thức đã nâng lên một mức cao hơn, việc học sẽ khó tiếp thu hơn. Nhất là những môn khoa học như Hóa học, Sinh học, Vật lý, nhiều học sinh cảm thấy sợ khi học các môn này. Thế nhưng, khi các địa phương, các nhà trường đầu tư tốt về cơ sở vật chất, giáo viên có đầy đủ phương tiện để tổ chức các giờ thực hành, kết quả sẽ thay đổi.

Đối với các môn thực hành như Sinh học, học sinh được tự thực hành tháo lắp, quan sát mô hình cơ thể người. Từng bộ phận một tháo rời là từng kiến thức về tim về phổi, về hệ tuần hoàn, hệ hô hấp được khám phá.

Trực tiếp trên mô hình này, qua giảng giải của cô giáo, các em đã hiểu nhiều tình huống cụ thể. Ví dụ, vì sao khi đầy bụng, khó chịu, lại xoa bụng theo chiều kim đồng hồ. Khi quan sát tế bào bằng kính hiển vi, bạn nào cũng được thực hành, nhờ vậy, kiến thức được khám phá trở nên thú vị chứ không hề mơ hồ, khó hiểu.

Công cuộc đổi mới giáo dục đang đòi hỏi các giáo viên phải nỗ lực. Nhưng để giáo viên làm tốt vai trò của mình, ngành giáo dục, các địa phương phải có sự đầu tư tốt về cơ sở vật chất. Các thiết bị dạy và học phải có đủ, tiếp đó là hiện đại mới hỗ trợ hiệu quả cho bài giảng.

Cũng có nhiều bài học mà việc thực hành, thực tế không đòi hỏi phải chuẩn bị, đầu tư nhiều. Sự chủ động và vận dụng hiệu quả giữa lý thuyết với thực hành của giáo viên luôn mang lại những giá trị giáo dục tích cực cho học sinh.

Ở bậc học Trung học phổ thông, việc học giờ đây sẽ phải gắn sát hơn nữa với thực tế. Bởi 3 năm học này sẽ quyết định việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai của các em. Kiến thức phức tạp hơn trong khi nhiệm vụ học tập lớn hơn, học tập với nhiều em lúc này thực sự là giai đoạn khó khăn. Vậy, các hoạt động thực hành, thực tế trong nhà trường có thể tổ chức như thế nào?

Minh Anh