Sản phụ 155kg kèm nhiều bệnh lý phức tạp “vượt cạn” thành công
Sức khỏe - Ngày đăng : 09:28, 17/02/2023
Sản phụ là chị V.T.U. (SN 1998, Hà Nội), chị U. mang thai ở tuần 36 kèm nhiều bệnh lý phức tạp. Chị U. nhập viện khoa Hồi sức tích cực chống độc và giảm đau, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trong tình trạng tiền sản giật nặng, béo phì kèm tiểu đường type 2 có điều trị insulin
Được biết, trước khi mang thai, sản phụ nặng 132kg, cân nặng hiện tại là 155kg.
Ca phẫu thuật mổ lấy thai cho sản phụ nặng 155kg đã diễn ra thành công tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Sau khi tiến hành hội chẩn, với tình trạng tiền sản giật nặng tiến triển xấu, các bác sĩ đã chỉ định mổ chủ động để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện và ê-kíp phẫu thuật thành công lấy một bé gái 2,6kg hồng hào, khỏe mạnh.
Do sản phụ bị tiểu đường thai kỳ, béo phì, có lớp mỡ thành bụng dày nên có nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, kèm theo tiền sử tiền sản giật nặng nên được theo dõi sát nguy cơ sản giật sau mổ.
Hiện tại, sản phụ và em bé đang được chăm sóc, theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ phụ nữ thừa cân, béo phì mang thai ngày càng nhiều. Thừa cân là khi chỉ số khối cơ thể (BMI) nằm trong khoảng 25-29,9, béo phì BMI từ 30 trở lên. Ở các nước đang phát triển, tình trạng béo phì khá phổ biến, tập trung ở các thành phố lớn hơn ở nông thôn.
Nguyên nhân dẫn đến béo phì ở sản phụ là do cung cấp quá nhiều chất dinh dưỡng trong quá trình mang thai hoặc trước khi mang thai đã bị thừa cân béo phì.
Béo phì khi mang thai là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sảy thai, dị tật bẩm sinh, sinh non, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, người mẹ có thể ngừng thở khi ngủ... Sản phụ béo phì sẽ phải trải qua quá trình sinh nở phức tạp, khó sinh thường do sự giãn nở của tử cung không đáp ứng kích thước thai nhi hoặc lượng mỡ quá lớn gây khó khăn cho việc xác định vị trí đốt sống để gây tê. Nếu thai phụ mổ đẻ, nguy cơ bị nhiễm trùng vết mổ, nguy cơ tắc mạch cũng cao gấp đôi so với người cân nặng.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, thai phụ béo phì nên thường xuyên kiểm tra chỉ số đường huyết, chức năng gan, thận, huyết áp và xét nghiệm sàng lọc thai nhi trong ba tháng đầu tháng đầu. Trong hai tháng cuối, thai phụ có nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, đẻ khó, đẻ non... nên cần phải theo dõi sát sao.