Nhiều loại bệnh "tấn công" khi thời tiết nồm ẩm
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:52, 12/02/2023
Những ngày gần đây, miền Bắc đã chuyển từ thời tiết khô hanh sang mưa phùn, nồm ẩm. Theo dự báo, trong nửa tháng tới, miền Bắc thường xuyên mưa phùn, sương mù, độ ẩm không khí trên 80% đến trên 90%; tường nhà, bờ tường, sàn nhà "đổ mồ hôi" trơn trượt.
Theo các chuyên gia, thời tiết mùa Xuân đặc trưng ở miền Bắc với mưa phùn, nồm, khiến không khí ẩm ướt, nền nhiệt độ ẩm thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh phát triển... ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhiều người, nhất là người già và trẻ nhỏ.
Bệnh nhân đến khám gia tăng tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chủ yếu là các bệnh tim mạch, hô hấp, thần kinh... Ảnh: D.Hải
Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, những ngày qua, số bệnh nhân cao tuổi đến khám tăng vọt. Riêng tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, từ sau Tết đến nay số bệnh nhân nhập khoa tăng 150%.
"Hầu hết trường hợp mắc bệnh lý cấp cứu của người cao tuổi như tim mạch, hô hấp, thần kinh. Trong đó, bệnh lý nhiễm trùng hô hấp chiếm khoảng 70% tổng số ca bệnh", TS.BS Trần Quang Thắng - Trưởng Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết.
Chuyên gia này cho hay, thời tiết lạnh kèm nồm ẩm khiến cho những người cao tuổi, người có bệnh nền bị suy giảm miễn dịch nặng nề.
TS Trần Quang Thắng lý giải, thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện virus và vi khuẩn phát triển, cũng là mùa đáng ngại nhất với bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, đột quỵ, tim mạch. Thời tiết thay đổi liên tục trong ngày như sáng mưa phùn kèm sương mù, trưa hửng nắng, tối mưa lạnh khiến cơ thể người cao tuổi khó thích nghi kịp, càng dễ nhiễm bệnh.
Tương tự, bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám tăng 20-30% so với trước Tết. Các bệnh chủ yếu là rối loạn chuyển hóa (tiểu đường, tăng mỡ máu, gout), các bệnh về đường ruột, tiêu hóa gan mật (bệnh gan do rượu, viêm loét dạ dày, tá tràng), bệnh tim mạch (cơn đau thắt ngực, bệnh mạch vành, suy tim, tai biến mạch não). Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết lạnh, nồm ẩm, người bệnh bị suy giảm miễn dịch, mắc nhiều bệnh nền.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Đại Học Y Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương cũng tiếp nhận nhiều người nhập viện do các bệnh lý về hô hấp. Số bệnh nhân tăng trung bình 15-30% so với ngày thường, chủ yếu là người già, trẻ nhỏ, người có sức đề kháng kém.
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3.500- 4.500 bệnh nhi. Ngoài những bệnh mạn tính, cấp tính, trong thời tiết nồm, ẩm như hiện nay, bệnh nhân đến khám, điều trị 3 bệnh chính, đặc trưng theo mùa, đó là bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa và về da.
TS Nguyễn Thị Mai Hoàn – Trưởng khoa Khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, 1-2 tuần trở lại đây, do thời tiết thay đổi, nồm ẩm, độ ẩm tăng cao là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển, tăng lên, dễ lây lan qua đường hô hấp. Do đó, những bệnh cấp tính hay một số bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh lý về da cũng tăng lên đột biến trong thời tiết này. Ngoài ra, còn một số bệnh về virus, sốt virus…
TS Nguyễn Thị Mai Hoàn lưu ý, với những gia đình có trẻ nhỏ, đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mà để hai trẻ gần nhau cùng chung một môi trường rất dễ lây nhiễm chéo do thời tiết thay đổi, nồm ẩm như hiện nay, các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng chủ yếu lây lan qua đường hô hấp.
Cách phòng bệnh khi trời nồm ẩm:
- Giữ vệ sinh môi trường sống, làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà, không hút thuốc lá.
- Làm khô không gian sống bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, không phơi quần áo ướt trong nhà, dùng khăn khô để lau sàn.
- Vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân: Quần áo khó khô hẳn khi độ ẩm quá cao nên nếu có thể, hãy dùng máy sấy, bàn là làm khô đồ trước khi mặc, tránh nấm mốc gây các bệnh ngoài da.
- Chế độ ăn và tập luyện: Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì việc luyện tập thể dục (có thể thực hiện trong nhà nếu trời mưa) để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
- Tư vấn chính thức của bác sĩ: Những người có bệnh mãn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì đơn thuốc và các biện pháp kiểm soát bệnh tốt để yếu tố môi trường không kích thích bệnh phát tác. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.